Tại ấy, tại tớ, tại cả đôi ta?
Không phải là người thứ ba nhảy vào “li gián” chuyện 2 người, gọi họ là “kẻ phá hoại” kì lạ vì họ chính là những “đệ nhất” rắc rối, chuyên gây chuyện dở khóc dở cười cho chính tình iu của mình…
“HIC, IU GÌ MÀ… KHỔ QUÁ”
Chứng kiến những “cung bậc” tình cảm lúc lên lúc xuống (mà thường là xuống nhiều hơn lên) của các đôi đang iu theo trường phái “tự phá hoại”, các khán giả tình iu không khỏi cảm thán.
Một ca “iu” lâm ly điển hình là chuyện của Cá tai tượng và Công chúa kiến (trường Gia Định). Chưa kịp vui mừng vì 2 kẻ mến nhau chính thức là một đôi, bạn bè đã lắc đầu ngao ngán khi thấy 2 “anh chị” giận nhau với tần suất chóng mặt 3 lần/ ngày, 7 ngày/ tuần. Nguyên nhân giận hờn kể ra “không nhảm không ăn tiền”: hắn quên kéo ghế mời nhỏ ngồi khi hai đứa đi ăn chè, nhắn tin chúc ăn trưa ngon miệng mà không có tin nhắn đáp trả, đi ăn chung hắn không trả tiền luôn phần những đứa bạn của nhỏ… Cao trào cơn giận dỗi bao giờ cũng là kết luận xanh rờn: “Chả hợp nhau gì cả, chia tay. Không bao giờ muốn nhìn mặt nhau nữa” Cảnh tiếp theo: nhỏ khóc bù lu bù loa, hắn “sầu đời” đi đá banh cho hả giận. Tưởng mọi chuyện vô phương hoá giải, ai ngờ, ngay hôm sau, mọi người lại thấy Cá và Kiến “tay trong tay” tuyên bố: “Chúng tớ không thể giận nhau quá 1 ngày”. Ban đầu bạn bè còn hăng hái hoà giải, sau nhiều lần chứng kiến đồ thị giận dỗi tuần hoàn đều đặn như cơm bữa, mọi người thống nhất: “để 2 người tự xử”. Lí giải cho những chuyện giận hờn vu vơ, Công chúa kiến chớp mắt: “Người ta nói, càng gây nhau sẽ càng khiến 2 đứa gắn bó hơn. Vả lại, ngay từ đầu phải làm dữ với hắn thì hắn mới “sợ”, không dám thờ ơ với mình.” (!)
Lí do không đến nỗi kì quái như cặp đôi Kiến – Cá nhưng xét về mức độ “kịch tính” thì chuyện tình cảm của Tintin (17 tuổi) và Sharly (16 tuổi mém) cũng thuộc vào hàng “đệ nhất ngộ”. Quen nhau trong một trại hè, người ở Sài Gòn, kẻ ở Bình Dương nhưng 2 người nhanh chóng công bố: “Ấy chính xác là ấy mình đang tìm”. Kết thúc trại hè ngắn ngủi, Tintin và Sharly giữ liên lạc bằng YM và tin nhắn. Cuối tuần, Tintin không ngại bắt xe buýt vượt mấy chục cây số đi thăm Sharly. Chuyện vui chưa kịp nói đã thấy “bom đạn chiến tranh” nổ uỳnh uỳnh. Tintin trách: “Mình đã không quản đường xa đến thăm ấy, mà ấy thờ ơ thế.” Cô nàng nhăn nhó: “Nghe đâu với bạn gái nào ấy cũng nhiệt tình như vậy chứ có riêng gì mình!” Lời qua tiếng lại, kết thúc, mỗi người rẽ một hướng, ấm ức. Bồi thêm cho cơn giận là màn chọc tức lẫn nhau, hắn vờ gửi lộn tin nhắn cho nhỏ, nội dung bày tỏ tình cảm thắm thiết với một nhỏ khác. Nhỏ không vừa, tương hình chụp hí ha hí hửng với một tên con trai khác lên facebook. Chẳng biết ai được lợi, chỉ thấy Sharly mắt thâm quầng vì mất ngủ, Tintin sưng ngón tay cái vì gửi tin nhắn đi khắp nơi than vãn chuyện “thất tình”. Tất cả chỉ bắt đầu bằng một nỗi lo lắng từ 2 “đương sự”: “Sợ xa mặt cách lòng nên phải thử xem người ta có thực sự yêu thương mình không?”
Những chuyện giận hờn, mâu thuẫn kiểu này xảy ra thường xuyên đến mức không chỉ người xung quanh thấy mệt mỏi (vì bị tên bay lạc đạn) mà chính hai “rắc rối viên”, người “đầu têu” cuộc chiến cũng ca bài ca: “Iu chi mà khổ…”
TẠI ẤY, TẠI TỚ, TẠI CẢ ĐÔI TA?
Lãng xẹt ở chỗ những “sóng gió” thường không bắt nguồn từ những chuyện lớn lao ngoài tầm kiểm soát mà đa phần từ những nỗi lo sợ vớ vẩn của những “nối đôi”. Theo tiết lộ của Phương Phương, người trong cuộc thì: “Thấy bạn bè lãng mạn y như phim Hàn Quốc, trong khi “ấy” của mình thì chán òm, hỏi sao không giận? Mới quen mà đã thờ ơ, về lâu về dài sẽ còn chán đến thế nào?”. Chính vì sợ người ta không thật lòng, người ta chán, người ta bớt tình thương mến thương mà nhiều đôi đã làm mọi chuyện thêm ầm ĩ, cốt để thu hút sự chú ý của phe kia.
Sự thật là ở tuổi Ếch con, người ta dễ mơ mộng về những chuyện tình yêu đẹp như cổ tích. Khi người ta mơ, người ta hi vọng thì người ta cũng dễ thất vọng khi sờ sờ bên cạnh là một tên “khô như gạch ngói”, một cô nhỏ suốt ngày chỉ biết đòi hỏi và giận hờn. Tréo ngoe một điều nữa: với những người bạn bình thường, những lỗi lầm đều có thể chuyện lớn hoá nhỏ, chuyện nhỏ hô biến mất tiêu, trong khi đó, với người “bạn đặc biệt” thì mọi sơ suất dù bé xíu xiu như hột tiêu cũng bị phóng đại lên đến mức không chịu đựng nổi. Cái tôi to uỳnh, cục tự ái bự chảng của hai bên chính là thủ phạm khiến cho mọi chuyện trở nên khó thể tha thứ và chấp nhận.
Mặt khác, khi tự “phá hoại” tình iu bằng những nỗi lo sợ phi lý, các đôi Ếch con chẳng thấy dễ chịu gì. “ Mỗi lần chiến tranh nổ ra, chẳng đứa nào ăn ngon ngủ yên cả. Tuy tỏ ra cứng rắn như vậy nhưng mình cũng sợ hắn không chịu đựng nổi nữa, sẽ boa xì nhau thật. Nhưng sợ thì sợ thế, chẳng hiểu sao đâu vẫn hoàn đấy?”- Mèo ngáo lo lắng
Nếu bạn cũng có suy nghĩ giống như vậy, có thể xem xét toa thuốc mà Ếch con kê trang bên để trị bệnh “tự phá hoại” của mình nhé.
ẾCH CON
Sưu tâm