Gandhi từng chịu nhiều khổ cực. Ông bị cầm tù nhiều lần và trong nhiều năm ở Nam Phi, nơi lần đầu tiên ông áp dụng phương pháp kháng cự dân sự với tư cách luật sư người nước ngoài, và cả ở Ấn Độ. Trong khoảng thời gian đó, ông dành thời gian viết ra những nguyên tắc chính của riêng mình. Trong số đó là:
1. Luật lệ của số đông không chạm được đến lương tâm con người.
2. Mọi bằng cấp và kiến thức bạn có về Shakespeare hay Wordsworth đều chẳng có nghĩa lý gì nếu bạn không có cá tính riêng và làm chủ được suy nghĩ, hành động của mình.
3. Con người là kết quả của những suy nghĩ bên trong họ.
4. Anh sẽ trở thành người như anh nghĩ.
5. Bạo chúa duy nhất tôi khuất phục trên đời này chính là “giọng nói yếu ớt” bên trong con người mình.
6. Sức mạnh không xuất phát từ năng lực thể chất. Sức mạnh có được từ ý chí bất khuất.
7. Tôi không muốn dự đoán tương lai. Tôi quan tâm đến hiện tại nhiều hơn.
Sẽ tuyệt vời biết bao nếu tất cả chúng ta, trong cuộc sống tất bật hiện nay, có thể dành ra ít nhất vài giờ mỗi ngày để tĩnh tâm, dọn mình lắng nghe tiếng nói của sự thinh lặng khôn cùng.
Kinh nghiệm cho thấy, im lặng là một phần của việc rèn luyện tâm hồn biết tôn trọng sự thật. Xu hướng nói quá, nói giảm hay bóp méo sự thật, cho dù là khéo léo hay không, chính là điểm yếu của con người. Và sự im lặng chính là điều cần thiết để vượt qua điểm yếu đó. Một người ít nói sẽ hiếm khi buông ra những lời thiếu suy nghĩ. Anh ta sẽ cẩn trọng trong từng câu chữ.
Ta chỉ hạnh phúc thật sự khi ta khỏe mạnh thật sự, và ta chỉ khỏe mạnh thật sự khi ta kiểm soát được khẩu vị của mình. Tất cả giác quan khác sẽ tự động vâng lời nếu bạn làm chủ được những gì nạp vào cơ thể. Và người nào kiểm soát được ngũ quan của mình, thì người đó hẳn chinh phục được thế giới.
(Trích Trên cả sự giàu có - Alexander Green)