Những địa danh nổi tiếng ở BMT!(tt)
Nhà dài Êđê
Toàn cảnh nhà dài của người Êđê.
Nhà dài không chỉ là biểu tượng vật chất của thể chế đại gia đình mẫu hệ mà còn là nơi gìn giữ những giá trị văn hóa tinh thần của người Êđê. Việc bảo tồn nhà dài tại các buôn của người Êđê là một nhu cầu thiết yếu như gìn giữ một nét văn hóa, một di sản quý trên vùng đất Tây Nguyên.
Từ xa xưa vùng đất Đăk Lăk là nơi người bản địa Êđê Kpă sinh sống. Khoảng 50 ngôi nhà dài tạo thành một buôn trải dọc theo dòng suối Ea Tam dưới sự cai quản của tù trưởng Ama Thuột. Những năm đầu thế kỷ XX buôn này khá lớn mạnh, trở thành trung tâm của vùng đất Tây Nguyên rộng lớn và tên gọi Buôn Ma Thuột cũng bắt đầu từ đấy. Người Êđê có tập quán sống chung ba hoặc bốn thế hệ trong một ngôi nhà lớn gọi là sang. Đó là kiểu nhà sàn làm bằng gỗ và tre nứa, thường là rất dài để đủ chỗ sinh hoạt cho cả một đại gia đình tới hàng chục người. Họ rất ít khi làm nhà mới thay cho nhà cũ, nếu có thêm người thì nối phần sau nhà dài thêm. Cũng bởi lẽ đó nên trong dân gian còn có tên gọi là nhà dài. Theo chế độ mẫu hệ, đại gia đình thường có ba nhóm người: nhóm phụ nữ họ mẹ, nhóm đàn ông họ mẹ và nhóm người đàn ông không thuộc họ mẹ. Người phụ nữ thuộc nhóm cao tuổi nhất làm chủ gia đình. Khi bà mất đi, quyền hành về tay người con gái út, nếu người con gái út đó còn ít tuổi thì người chị cả tạm thay quyền cho tới lúc cô em trưởng thành thì trao lại.
Sân sàn trước với cầu thang rộng là nơi ngồi chơi chuyện trò, hóng mát.
Nhà dài bao giờ cũng được chia làm ba phần: sân sàn, ngăn khách và ngăn ở. Có hai sân sàn: sân sàn trước (dring gah) và sân sàn sau (dring ôk). Sân sàn trước thường rộng rãi, là nơi phơi phóng, nơi giã gạo mỗi sáng, nơi ngồi chơi hóng mát mỗi chiều. Sân sàn sau nhỏ hơn, thường là nơi rửa ráy, nấu ăn. Sân sàn trước có một hoặc hai cầu thang, sân sàn sau chỉ có một cầu thang và dành riêng cho người trong gia đình. Từ sân sàn trước bạn bước vào khoảng không gian quan trọng nhất: ngăn khách (gah – thường chiếm tới 1/3 hoặc ½ diện tích sử dụng). Đây là nơi tiếp khách và sinh hoạt chung của cả gia đình, cũng là nơi bạn có thể chiêm ngưỡng những đồ quý giá và linh thiêng của người Êđê như trống, chiêng, ché rượu, các bộ sừng trâu, hươu nai... Nối tiếp ngăn khách là ngăn ở (ôk) được chia thành từng ngăn nhỏ cho các tiểu gia đình dọc lối đi suốt tới sân sàn sau. Nhà dài còn là nơi thường diễn ra những sinh hoạt cộng đồng.
Già làng với cây đàn đinh năm trong căn nhà dài tới vài chục mét của mình ở buôn Ako Đhong.
Già làng Amara Hrin chừng như say câu chuyện nhà dài hay đã ngấm men rượu cần, bỗng ngừng lời, với tay lấy chiếc đinh năm (một loại nhạc cụ làm bằng vỏ quả bầu khô và sáu ống tre) đưa lên môi. Tiếng kèn du dương, trầm ấm cất lên một giai điệu của núi rừng. Chàng trai Y Sơn bèn lấy ống sáo ra cùng hòa giọng với ông ngoại. Tôi như chìm vào khúc sử thi “Đam Di đi săn” của Y Đúp, hít căng lồng ngực mùi thịt nướng, hơi men rượu lẫn mùi mồ hôi rạo rực sức sống của bao người vây quanh trong ngôi nhà dài của chàng Đam Di: “...Nhà Đam Di có chiếc cầu thang to bằng cái chiếu bốn người nằm, rộng bằng tấm phên mười người ngủ, đủ cho ba, bốn người lên xuống một lúc... Đầu cầu thang có chạm nổi một đôi vú to, nhẵn bóng, để người lên nắm, người xuống vịn... Con gái đi lên, ngực chạm ngực, đàn bà đi xuống vú chạm vú, ông già đi xuống chạm đầu gối, đàn bà chạm khuỷu chân. Sàn nhà Đam Di lát ván dài, phía trên trải tre bóng. Phía cuối sàn dựng chiếc trống to, đụng xà ngang, chạm xà dọc... Đầu hè chất đầy bành voi... dưới gác treo lủng lẳng những sọt muối, gùi cá khô, thịt nướng. Người làm bếp, kẻ ra vú chạm vú, người vào vai chạm vai, mải mê thổi cơm, nấu nước. Những bộ chiêng chiếm đầy ngăn, chặt giá... Phía trước nhà treo những dây dài xương hàm hươu, nai, lợn lòi...”.
Những chú voi ghé sát sân trước nhà dài đón khách.
Chỉ với chừng ấy câu chữ từ bộ sử thi, chắc bạn cũng đã cảm nhận được nhà dài không chỉ là biểu tượng vật chất của thể chế đại gia đình mẫu hệ mà còn là nơi gìn giữ những giá trị văn hóa tinh thần của người Eđê. Trải qua nhiều biến động về chính trị, kinh tế xã hội cũng như sự giao lưu văn hóa mạnh mẽ giữa các cộng đồng dân cư nên những thế hệ mới của người Eđê đã thay đổi cách sống theo xu hướng tách khỏi gia đình lớn và nhạt nhòa dần thể chế mẫu hệ. Vì vậy, số lượng nhà dài không còn được phát triển. Tuy nhiên việc bảo tồn một số nhà dài tại các buôn của người Êđê là một nhu cầu thiết yếu như gìn giữ một nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, một di sản quý giá trên vùng đất Tây Nguyên.
Nhà dài Êđê (còn gọi là nhà sàn trăm tuổi)