Cà phê Buôn Mê Quán!

Liên hệ QC
Ẩm thực BMT(TT)

Cá bống thác kho riềng​

Cá được mang lên, còn tươi nhảy lao xao, con nào con ấy bé tròn, họ xả cho sạch nhớt trên mình và bỏ vào ít muối ướp cho cứng lại, sau đó đi đào lấy ít riềng rửa sạch giã nhỏ. Bây giờ chỉ còn việc bắc chảo cho nóng, và cho vào đó ít dầu ăn, hay mỡ đun cho sôi lên, cho cá vào chiên vàng, đổ riềng đã chuẩn bị sẵn. Mùi riềng, mùi cá bốc lên thơm ngào ngạt...

news_raovat24.jpg

Ðến với Đăklăk là đến với những cánh rừng đại ngàn cùng những đồi, núi, dốc đèo chập chùng, vẻ hùng vĩ uy nghi của nó đã làm nhiều người mới đến lần đầu cảm thấy ớn lạnh. Nhiều người lầm tưởng nơi đây quanh năm suốt tháng người dân chỉ biết ăn cá khô từ các tỉnh đồng bằng mang lên. Nhưng thực chất nơi đây có nhiều món ăn thuộc nhiều dân tộc khác nhau sinh sống.

Đến với Đăklăk bạn không chỉ được ngắm thắng cảnh của một vùng rừng mà bạn còn được thưởng thức những lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc cùng những món ăn dân dã mang đậm hương vị của núi rừng Tây Nguyên. Món cá bống thác kho riềng là một món ăn có tính truyền thống của người dân tộc nơi đây. Cá bống là loại rất phổ biến, nó sống trong các kênh rạch, ao hồ, sông suối nơi đâu cũng có, nhưng cá bống Tây Nguyên thì lại khác, nó sống ngay trong dòng thác đổ. Các con thác Tây Nguyên ngày đêm gầm rú hòa vào âm sắc của núi rừng Tây Nguyên đại ngàn những bản hòa tấu vang động. Trong dòng thác đó tưởng như không còn loài sinh vật nào có thể sống được. Vậy mà cũng có loài chỉ sống nơi những ngọn thác đổ ào ào, đó là cá bống thác. Loại cá này chỉ thích nghi với môi trường nước đổ từ cao xuống, mình bé và trắng, thân tròn săn chắc như ngón tay. Nó không sống được nơi nước lặng có bùn như loại bống mủn, bống mít dưới đồng bằng.

Tháng ba nắng gió Tây Nguyên gắt gao hơn, các con thác vơi nước bớt đi vẻ oai hùng thì cũng là lúc các cư dân người dân tộc thiểu số nơi đây bắt đầu công việc dọn nương để chuẩn bị mùa rẫy mới. Hành trang trên đường đi rẫy, họ chỉ cần ít gạo và dụng cụ nấu ăn, còn thức ăn sẽ đi xuống những thác nước lấy rổ luồn vào khe đá những chỗ nước chảy xiết để bắt loại cá này. Cá được mang lên, còn tươi nhảy lao xao, con nào con ấy bé tròn, họ xả cho sạch nhớt trên mình và bỏ vào ít muối ướp cho cứng lại, sau đó đi đào lấy ít riềng rửa sạch giã nhỏ. Bây giờ chỉ còn việc bắc chảo cho nóng, và cho vào đó ít dầu ăn, hay mỡ đun cho sôi lên, cho cá vào chiên vàng, đổ riềng đã chuẩn bị sẵn. Mùi riềng, mùi cá bốc lên thơm ngào ngạt, đợi riềng và cá quyện vào nhau, lúc này họ mới cho mắm muối và các gia vị: hành, tiêu, ớt, đường và bột ngọt tạo độ vừa ăn.

Mùa làm rẫy nắng nóng người làm rẫy về trưa đã thấm mệt. Mùi thơm của cá bống thác kho riềng bốc lên thơm ngào ngạt làm cồn cào cái dạ dầy mà suốt sáng tới giờ nó đã phải làm cái việc chuyển hóa năng lượng, nhắc nhủ họ tìm đến những gốc cây kơnia gần đó để dùng bữa trưa đạm bạc mà thanh nhã. Cơm gạo lúa rẫy chín tới, cá bống thác kho riềng vừa xong, mùi hương của cơm, của cá quyện vào nhau thơm đến lạ lùng, chỉ núi, rừng Tây Nguyên mới có được. Bới chén cơm gắp con cá, và vào miệng cá bống thác giòn tan, thấm vị giác, mùi thoảng lên khứu giác thật là một cảm giác khó quên trong những ngày làm rẫy. Cơm đó, cá đó ăn với canh cà tím quả tròn, nhỏ mọc ven suối thật là món ăn quê nhưng lại không đâu có. Cơm trưa xong, nghỉ mát dưới bóng cây kơnia, cái gió Tây Nguyên làm vơi bớt cái nắng như thiêu như đốt làm cho người làm rẫy chìm vào giấc nghỉ trưa thanh bình và cái mệt nhọc của một buổi lao động nhờ đó cũng tan đi.
 
chắc bạn jenni quê ở Buôn Mê, và bạn Jenni buôn chuyện khiến ai cũng hehhehe
 
Jenni này. Cá bống thác kho với riềng ở đâu có nhỉ? E ăn món bánh cuốn ở gần quảng trường chưa nhỉ? HÙi nào chụp hình gửi lên đây luôn đi nha.
 
Jenni này. Cá bống thác kho với riềng ở đâu có nhỉ? E ăn món bánh cuốn ở gần quảng trường chưa nhỉ? HÙi nào chụp hình gửi lên đây luôn đi nha.

Anh ơi, cá bống thác là cá bống ở thác, còn riềng thì ở đâu mà không có hả anh?. Anh cứ vào nhà dân tộc ở một bữa, họ kho cho ăn. Hihi...

Bánh cuốn hay bánh ướt hả anh?. Bánh ướt ăn chục dĩa vẫn chưa no thì em chưa chụp hình được. Để mai mốt em về rồi anh em mình đi ăn rồi chụp ghi lên đây luôn ha.:-= Dạo này BMT nhiều quán ăn quá em không cập nhật được hết. |||||
 
Chào cả nhà, em cũng ở Buôn Ma Thuột nè! Rất vui được làm quen với các anh, các chị. Em thấy topic này hay quá.
 
@huukhuong02ckt: chào bạn. Rất vui được gặp bạn ở đây!

@a.Heineken: cám ơn bạn. Không biết phải người quen của mình không mà sao "khen"mình quá vậy?. |||||
 
Ẩm thực BMT (tt)

Canh Thụt món ăn truyền thống, độc đáo của dân tộc Mnông

Nhắc đến văn hoá ẩm thực của đồng bào dân tộc Mnông, người ta thường nghĩ ngay đến những món ăn quen thuộc như: cơm lam, thịt gà nướng, thịt hun khói, đọt mây... nhưng có một món ăn còn ít người biết tới, đó là món canh thụt. Đây là món ăn dân dã nhưng lại gần gũi và độc đáo.

Về lai lịch cũng như cách thức chế biến món canh thụt, theo nhiều già làng kể lại thì món ăn này có từ rất xa xưa. Khi lên rẫy, bà con có thói quen dùng bữa trưa ngay tại rẫy để tranh thủ thời gian lao động nên tìm cách cho gạo và thức ăn vào ống tre để nấu, vừa thuận tiện lại vừa thơm ngon. Người sau cứ thế làm theo, lâu dần trở nên thân thuộc.

Món canh thụt nếu đầy đủ sẽ gồm có những nguyên liệu: lá bép, đọt mây, cà đắng, cá suối (hoặc thịt) và các gia vị kèm theo như mắm, ớt, muối, sau này mới có thêm mỳ chính và đường.... Tuy nhiên, nếu điều kiện không thuận lợi thì nồi canh thụt có thể thiếu một vài thành phần. Trước khi nấu bà con chặt một ống lồ ô có lóng dài, gọt đẽo phần đầu ống cho khéo, sao cho khi nấu canh thụt, nước không bị chảy ra ngoài. Việc chọn ống lồ ô cũng là một bí quyết, nếu chọn cây già quá sẽ bị nứt, hoặc cây non thì canh sẽ không ngon... sau khi chế biến những nguyên liệu trên, bà con cho tất cả vào ống lồ ô và dựng ống nghiêng trên đống lửa. Trong lúc nấu, một mặt vừa quay tròn ống cho thật đều lửa và phải dùng một chiếc que có chiều dài hơn ống để thụt cho các thành phần của món canh nhuyễn và đều với nhau, động tác thụt ống còn khiến cho hơi thoát ra ngoài. Món canh có ngon hay không phụ thuộc nhiều vào hai việc trên. Có lẽ chính động tác này mà món canh có tên gọi như vậy. Căn cứ theo lượng người ăn mà người ta chế biến nhiều hay ít, nhưng thường thì ống canh thụt chỉ dài độ nửa mét trở lại. Trong các dịp lễ hội, cần nhiều thì bà con nấu làm nhiều ống. Thời gian để canh chín khoảng từ 60-90 phút. Sau khi canh chín bà con cho ra bát hoặc ở rẫy thì lá chuối... cũng được vì món canh thụt khi chín sẽ đặc lại và rất dẻo, khi ăn món canh này có rất nhiều vị: đắng, cay, bùi, béo...

Hiện nay, đồng bào dân tộc Mnông vẫn nấu món canh thụt này nhưng cách nấu có phần khác hơn trước, đó là bà con dùng nồi để nấu và thay vì dùng cây để thụt thì dùng đũa để quấy, gia vị cũng nhiều hơn trước... Nhưng theo nhiều người cho biết thì hương vị của món canh nấu trong ống lồ ô vẫn đặc biệt và ngon hơn so với việc nấu trong nồi.

Ở một góc độ nào đó có thể xem canh thụt là món ăn đặc trưng nhất của người Mnông. Nếu như người miền xuôi dẫu đi đâu cũng “...Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”, thì đồng bào Mnông không bao giờ quên được hương vị món canh thụt đặc sắc của mình.

(st)
________

Các bạn xem thêm về dân tộc Mnong tại đây_click
 
Lần chỉnh sửa cuối:
Hôm nào em về rủ thêm hữu khương nữa đi ăn rùi chụp. Nói nó bánh ướt cũng đúng mà bánh cuốn cũng ko sai :)).
 
Các nhân vật lịch sử

Đi trên các con đường của tỉnh Đăk Lăk nói chung hay của Tp.Buôn Ma Thuột nói riêng, ắt hẳn bạn sẽ rất ngạc nhiên khi nhìn thấy những tên đường rất lạ và hơi khó đọc như Y Jút, Y BIH ALÊÔ, Y NGÔNG, A Ma Thong, Ama Trang Long.... Đó là những vị anh hùng, thầy giáo,...những người con ưu tú của Tây Nguyên. Jenni sẽ lần lượt giới thiệu với các bạn một vài nhân vật lịch sử tiêu biểu qua các bài viết sau.
_________

THẦY GIÁO Y JUT

Y Jut tên thật là Jut Hwing sinh năm 1888, có vợ là H Yih Niê ở buôn Păm Lăm. Thưở nhỏ, ông là học sinh Trường Tiểu học Pháp – Êđê Buôn Ma Thuột, sau khi học xong chương trình tiểu học toàn cấp ông được đưa ra Huế để học. Trong thời gian tại Huế, ông tỏ ra là một học sinh xuất sắc được bạn bè quý mến. Sau khi tốt nghiệp, ông trở về quê hương để dạy cho đồng bào của mình.

Y Jut là một người có lòng yêu nước. Trong thời gian giảng dạy ngoài việc trang bị kiến thức văn hóa cho các học trò của mình, ông còn giảng dạy về quê hướng thân yêu của mình. Ông giỏi tiếng Pháp, bằng nhiệt huyết của mình, ông cùng kết hợp với các bạn bè có cùng chí hướng như Y Ut, Y BLul tìm hiểu mẫu tự La tinh và vần Êđê đặt ra bộ chữ viết Êđê ngày nay. Sau đó bộ chữ này được đốc học Angtoamaki và Sabatier tu chỉnh lại vào năm 1920.

Bộ chữ sớm đã được phổ cập rộng rãi trong cộng đồng người Êđê. Năm 1935, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương chính thức công nhận các bộ chữ này và cho phép phổ cập ở Tây Nguyên.

Những bộ chữ này có tính khoa học cao, đạt được yêu cầu dùng một kí hiệu để ghi một âm và giá trị ngữ âm của các chữ cái gần đúng với phiên âm quốc tế. Vì tính ưu việt của nó mà từ đó về sau, các bộ chữ dân tộc thiểu số ở miền Nam Việt Nam đều được dựa trên cơ sở các bộ chữ Tây Nguyên này để chế tác.


Ngày nay, tỉnh Đắk Lắk đã hoàn thành bộ Từ điển Việt – Êđê, sách giáo khoa chuyên dạy chữ dân tộc Êđê cho chương trình phổ thông cơ sở cấp I Êđê – Việt. Tiếng nói và bộ chữ viết trên các văn bản đó là sự sáng tạo quý giá, góp phần trong việc hình thanh fngôn ngữ của một dân tộc giàu sức sống và yêu nước, trong đó có sự đóng góp đáng quý của Thầy giáo Y Jut.

Ông nổi tiếng là người yêu nước và ông đã gieo mầm này vào những người học trò ông quý mến. Người học trò của ông, cụ Y Wang Mlô là một trong những học trò tiêu biểu có tinh thần yêu nước yêu đồng bào.

Lúc đó, Công sứ Sabatier chủ trương “Đất Tây Nguyên của người Tây Nguyên” và coi đó là “nguyên lý chỉ đạo nên cai trị các xứ Mọi”, kiên quyết không cho người lạ mặt vào Đắk Lắk. Sự cai trị đó ngày càng làm tăng thêm sự bất bình trong đồng bào, các tầng lớp trí thức, đặc biệt là những trí thức yêu nước.

Trước những bất công đó, ông cùng với Thầy giáo Y Jut tổ chức đấu tranh cùng với học sinh, công chức mà đông đảo là người ÊĐê đòi viên Công sứ Sabatier phải ra đi. Việc đấu tranh không thành, ông bí mật tập hợp những người yêu nước tổ chức ám sát viên Công sứ Sabatier. Nhưng ông chưa triển khai đã bị lộ và ông cùng thầy Y Jut vận động những người cùng chí hướng viết lá đơn kiện gửi đến Toàn quyền Đông Dương và Khâm sứ Trung Kỳ, Tổng Thanh tra Đông Dương tố cáo những hành vi tội ác của Sabatier.

Đây là cuộc đấu tranh chính trị đầu tiên ở tỉnh Đắk Lắk có tác dụng mạnh mẽ, làm cho chính quyền thực dân phải cử một Đoàn Thanh tra của cơ quan Khâm sứ Trung Kỳ lên Đắk Lắk xem xét việc tố cáo trên. Với ự đấu tranh đó, cuối cùng Sabatier buộc phải rời khỏi tỉnh Đắk Lắk.

Thầy giáo Y Jut qua đời năm 1934, nhưng tên tuổi của Thầy, một nhân sỹ yêu nước vẫn còn lưu lại trong lòng những người Đắk Lắk, đặc biệt là những trí thức trẻ người Êđê trên mảnh đất hùng vĩ này.

Trong dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Thầy, Tỉnh Đắk Lắk đã làm lễ khánh thành khu mộ và dâng hương tưởng niệm tại nơi sinh – Buôn Păm Lăm, Thành phố Buôn Ma Thuột. Cũng trong dịp náy, cuốn sách “Thầy giáo Y Jut” dày hơn 100 trang chính thức phát hành để ghi nhớ công ơn của một người con anh hùng của xứ đất đỏ bazan này./.
 
Lần chỉnh sửa cuối:
Các nhân vật lịch sử (tt)

Ama Trang Lơng​

Từ lâu ta thường gọi tên người tù trưởng là Ama Trang Lơng (theo cách gọi của đồng bào Ê Đê) N'Trang Lơng (Nơ Trang Lơng - tên gọi trong một bài viết trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 69 năm 1964 của tác giả Nguyễn Hữu Thấu), còn các tài liệu của người Pháp đều ghi là Pou Tran Lung. Tác giả Nguyễn Hữu Thấu sau này đã sửa lại tên của tù trưởng Lơng là Bă Trang Lơng, vì Bă, tiếng của người M'Nông là cha; Trang là tên con gái đầu, Lơng là tên của ông.

Sinh năm 1870, tù trưởng Lơng, thủ lĩnh của phong trào yêu nước cao nguyên M'Nông đã tổ chức và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp kéo dài 24 năm (1912 - 1935). Một trong những chiến công nổi bật là vụ mưu sát tên thực dân Pháp Henry Maitre (1914).

Đầu năm 1913, sau khi được thăng “Tham biện hạng nhất” ngạch dân sự, Henry Maitre trở lại Đông Dương và lên ngay cao nguyên. Thời gian này Henry Maitre thành lập một đồn binh ở Pétsa, địa bàn của người M'Nông trong khu vực thuộc phạm vi kiểm soát của thủ lĩnh chống Pháp - tù trưởng Lơng. Tại đồn binh này, Henry Maitre thu nạp 20 tân binh người Khmer, người Ranđê và cắt đóng giữ.

Đầu năm 1914, Henry Maitre được triệu hồi về Sài Gòn để chuẩn bị cuộc bầu cử Nghị viện Nam Kỳ. Trước khi lên đường về thủ phủ Nam Kỳ, Henry Maitre còn thiết lập thêm một đồn binh nữa ở Bou Méra. Trong khi Henry Maitre vắng mặt, những binh lính bản địa tại các đồn này đã trở nên lộng hành tàn bạo. Chúng thi nhau cướp của, hãm hiếp, giết người ở những buôn người M'Nông quanh vùng gây nên thù hận với hầu hết các bộ tộc.

Ba tháng sau khi bầu cử xong, Henry Maitre trở lại Đắk Lắk qua ngả cao nguyên Di Linh và được Sabatier - Công sứ Pháp tại Đắk Lắk đón tiếp trọng thị tại Buôn Ma Thuột. Rồi từ đây cùng với đoàn lữ hành gồm 12 binh lính người Ranđê, một lính hầu người Việt, trên lưng 5 con voi, bắt đầu chuyến đi cuối cùng về phía nam vùng cao nguyên Nam Đông Dương hoang sơ hùng vĩ.

Từ năm 1912 - 1913, Pháp đã mở nhiều cuộc hành quân để đàn áp cuộc khởi nghĩa của tù trưởng Lơng. Trong một trận càn quét tại làng Bu Rlam, chúng đã bắt vợ và con gái của thủ lĩnh Lơng, sau đó chặt đứt chân, tay và để mặc cho đến chết. Đầu năm 1914, cuộc khởi nghĩa của tù trưởng Lơng lan rộng khắp vùng cao nguyên M'Nông và lôi kéo được nhiều tù trưởng tài giỏi khác như R'Dinh, R'Ong (tù trưởng của các buôn Bu Jeng Chet, Bu Me Ra, Bu Nốp... thuộc tổng Dar Rtik, nay là tỉnh Đắk Nông).

Tù trưởng Lơng quyết tâm giết chết bằng được Henry Maitre và kịch bản về vụ mưu sát tên thực dân xâm lược được vạch sẵn bằng máu, trong khi đoàn lữ hành của Henry Maitre đang trên đường đến Bou Mera.

Vào đầu tháng 8/1914, đoàn lữ hành của Henry Maitre đang tiến sâu vào cao nguyên M'Nông thì tù trưởng Lơng đã chuẩn bị kế hoạch trá hàng tại làng Bou Pou Sra và cử người tìm gặp Henry Maitre. Henry Maitre cùng binh lính của hắn liền tức tốc đến Bou Pou Sra. Tại đây, sau nhiều lần thương thuyết với đại diện của nghĩa quân tù trưởng Lơng, hai bên thỏa thuận sẽ tổ chức một “đại lễ hòa hợp” tại nơi đóng quân của Henry Maitre (ngôi nhà gỗ kiên cố nhất làng).

Sáng ngày 5/8/1914, (có tài liệu ghi ngày 2/8) mọi người tập trung tại ngôi nhà gỗ lớn này. Henry Maitre ngồi trên một cái cối giã lúa ở giữa nhà với 8 tên lính người Ranđê và một lính hầu người Việt. Cùng với hai thủ lĩnh R'Dinh và R'Ong, lực lượng nghĩa quân đông hơn hẳn đang nóng lòng chờ giây phút hành động.

Tất cả súng ống, giáo mác đều được dựng thành đống ở góc nhà. Mọi người trong tư thế tay không, Henry Maitre còn đeo bên hông khẩu súng ngắn.

R'Dinh nhắc nhở Henry Maitre là nên để súng vào đống vũ khí. Maitre làm theo. Khoảng 8 giờ, Henry Maitre bắt đầu nôn nóng bởi tù trưởng Lơng vẫn chưa xuất hiện. R'Dinh và R'Ong động viên Henry Maitre cố gắng chờ đợi và cho biết: “Tù trưởng Lơng là người rất trọng chữ tín”. Bỗng nhiên, có một nghĩa quân trên người khoác một tấm vải, bước ra trước mặt Henry Maitre nói lớn:

- Mày muốn gặp tù trưởng Lơng phải không? Mày hãy ngước mắt lên nhìn phía trước mày sẽ thấy.

Cùng với những từ cuối cùng của câu nói ấy là một lưỡi dao sáng lóe đâm thẳng vào bụng Henry Maitre. Đồng thời với nhát dao phía trước, R'Dinh và R'Ong bồi tiếp hai nhát sau lưng. Henry Maitre chết ngay lập tức, nhưng có lẽ hắn vẫn còn nghe được câu nói cuối cùng, rất lớn: “Chính tao là tù trưởng Lơng”.

Ông già M'Kbang - một trong ba nhân chứng cuối cùng còn lại đến năm 1940 đã xác nhận: “Trước khi tắt thở, Henry Maitre chỉ kịp kêu lên: “Ông...”. Những quân sĩ xung quanh đã hoàn tất công việc được giao là giết hết toàn bộ số lính đi theo Henry Maitre. Có một tên lính cố thoát ra, nhưng thật “rủi ro”, dải khố của hắn bị vướng vào cọc rào và những quân sĩ bố trí ở vòng ngoài đã kịp “tiếp” hắn.

Hai mươi sáu năm sau, tháng 12/1940, khi thoát khỏi sự giam giữ, R'Dinh (bị Pháp bắt giam năm 1933) đã dẫn đường đưa giáo sư Anré Baudrid đến nơi mà tù trưởng Lơng cùng hơn 200 quân sĩ chôn Henry Maitre. Nhiều ý kiến cho rằng, sau này người Pháp tìm được hài cốt của Henry Maitre là nhờ những cây bông gòn, vì khi chôn xác Henry Maitre, các nghĩa quân không quên chôn theo chiếc gối mà Henry Maitre dùng để cưỡi voi.

Tù trưởng Lơng mất ngày 25/5/1935 do sự phản bội của một quân sĩ tên là Bă Phnông Phê.

(Theo báo điện tử Công an nhân dân.)
 
Các nhân vật lịch sử (tt)

NHỮNG CHUYỆN CỦA ÔNG Y BIH ALÊÔ

Y Bih là một nhân sĩ yêu nước, sinh năm 1901 tại Buôn Niêng, xã Ea Nuôl, Thành phố Buôn Ma Thuột. Lớn lên ông đi học ở trường tiểu học Pháp – Đê tại Buôn Ma Thuột. Thời gian này ông tham gia phong trào đấu tranh của các giáo viên và học sinh của trường do hai thầy giáo Y Jut và Y Ut lãnh đạo.


Do học giỏi tiếng Pháp ông được Nhà trường tiến cử làm thông ngôn cho người Pháp, sau đó bị bắt đăng lính khố xanh, làm đến chức cai đội nhất quản lý tù nhân tại Nhà đày Buôn Ma Thuột. Trong thời gian tại nhà đày, ông được các tù nhân cảm hóa và bắt đầu hiểu ra chân tướng của sự thật. Tuy vậy, mãi đến khi Nhật hất cẳng Pháp tại Buôn Ma Thuột, lúc đó ông mới thật sự theo những người tù chính trị.

Ngày bọn Nhật thả tù chính trị cũng là ngày ông bắt đầu tham gia ý kiến đóng góp với những người tù chính trị để chuẩn bị khởi nghĩa cướp chính quyền. Ông được phân công nói chuyện với binh lính và hạ sỹ quan trong trại Bảo an binh và trực tiếp tham gia đơn vị bảo an binh này. Không phụ lòng cách mạng, ông đã lãnh đạo anh em trong đội bảo an binh tham gia khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám, tham gia cuộc mittinh lớn tổ chức tại tại sân vận động thị xã có đông đảo các đồng bào dân tộc, giáo viên và trí thức ủng hộ. Đây cũng chính là lễ ra mắt Chính quyền Cách mạng.

Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược lần thứ hai, được sự phân công, ông cùng đơn vị chuẩn bị để tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương. Đơn vị của ông được lệnh hành quân đến xây dựng khu vực phòng tuyến ở Ngã ba ranh giới (khu vực Quảng Trực, tỉnh Đắk Nông hiện nay). Công việc chính của đơn vị là dựng nhà ở, đào hào trú, hào chiến đấu, nhà bếp và nhà ăn.

Tháng 12 năm 1945, ông bị giặc Pháp bắt tại quê, năm 1946, Pháp mở phiên tòa xét xử ông tội đi theo Việt Minhvà bỏ tù ông. Ông bị giam giữ tại Di Linh (Lâm Đồng) và sau đó đưa về Nhà đày Buôn Ma Thuột. THáng 8 năm 1951, ông được trả tự do về buôn làng.

Tháng 11 năm 1960, cán bộ VIệt Minh đã móc nối với ông, tiếp tục tham gia cách mạng cứu dân cứu nước. Tháng 12 năm 1960, Đại hội thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam ông không có điều kiện tham dự nhưng vẫn được bầu làm Phó Chủ tịch Mặt trận. Tháng 5 năm 1961, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Tây Nguyên được triệu tập để thành lập phong trào tự trị Tây Nguyên đúng vào ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông được cử làm Chủ tịch. Sau Đại hội ông được cử ra Miền Bắc học tập. Trong thời gian này ông được gặp mặt Bác Hồ.

Sau năm 1975, ông trở lại Tây Nguyên làm công tác Mặt trận. Sau này, tuổi già sức yếu ông vẫn đóng góp công sức vào công cuộc xây dựng đát nước vào lúc vùng đất này còn nhiều khó khăn. Ông xứng đáng là một người con của Buôn Ma Thuột anh dũng kiên cường. Thành phố Buôn Ma Thuột đã đặt một con đường mang tên ông để ghi nhận công lao của ông đối với quê hương./.
 
Các nhân vật lịch sử (tt)

Y Ngông Niê Kdăm người con ưu tú của Tây Nguyên

Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945 nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Gần một năm sau, ngày 3/5/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh tổ chức Bộ Nội vụ, trong Bộ Nội vụ có Nha Dân tộc thiểu số với nhiệm vụ “Xem xét các vấn đề chính trị và hành chính thuộc về các dân tộc thiểu số trong nước và thắt chặt tình thân thiện giữa các dân tộc sống trên đất Việt Nam”.

Chiểu sắc lệnh số 58 của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9/9/1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng đã ký Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ và bộ máy hoạt động của Nha Dân tộc thiểu số. Các ông Hoàng Văn Phùng, dân tộc Tày, Y Ngông Niê Kdăm, dân tộc Êđê được giao giữ chức Giám đốc và Phó giám đốc Nha Dân tộc thiểu số.

Hồi đó ông Y Ngông Niê Kdăm 24 tuổi. Là một trí thức trẻ sớm giác ngộ cách mạng, tích cực tham gia phong trào của học sinh, sinh viên; tham gia phong trào Hướng đạo sinh khi học Trung học Thành Chung ở Quy Nhơn; tham gia tổ chức thanh niên yêu nước khi học ở trường Y sĩ Đông Dương tại Sài Gòn và tham gia Mặt trận Việt Minh tại Buôn Ma Thuột ngay sau ngày Nhật đảo chính Pháp. Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công ông được cử làm Phó Chủ tịch lâm thời tỉnh Đắc Lắc.

Ngày 6/1/1946 bầu cử Quốc hội khoá đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tỉnh Đắc Lắc có hai đại biểu trúng cử là Y Ngông Niê Kdăm và Y Wang Mlô Duôn Du. Ông Y Ngông Niê Kdăm là đại biểu Quốc hội từ khoá 1 tới khoá 9. Sau đó ông đã được bầu vào Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, được cử làm Uỷ viên Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IV, thứ V ông đã được bầu vào Ban chấp hành Trung ương.

Tại quê hương Đắc Lắc, ông Y Ngông Niê Kdăm đã từng kinh qua các chức vụ: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, rồi làm Bí thư Tỉnh uỷ trước khi chuyển sang làm Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên. Ngược thời gian, ông đã từng làm Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc khu học xá Quế Lâm (Trung Quốc), Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân là ghi nhận công lao to lớn mà ông đã đóng góp cho công tác giáo dục đào tạo nhất là đào tạo học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhớ đến những đóng góp của ông đối với nhiệm vụ đào tạo con em đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên, các cán bộ lãnh đạo và giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên không quên được sự kiện học sinh dân tộc học xong trường cấp III Buôn Ma Thuột được tuyển vào học các khoa Y, Nông nghiệp, Lâm nghiệp của Đại học Tây Nguyên, niên khoá 1979-1980. Cũng vào dịp đó, Đoàn của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp do đồng chí Bộ trưởng dẫn đầu vào thăm trường. Thấy trường có nhiều sinh viên người dân tộc ngồi học trên các giảng đường, Bộ trưởng hỏi Hiệu trưởng:

- Các em người dân tộc đều có thi vào và đủ điểm chuẩn cả chứ?

Đồng chí Hiệu trưởng thật thà trả lời:

- Các sinh viên dân tộc có làm bài kiểm tra, kết quả là ít em đạt điểm chuẩn. Nhưng chỉ thị của Thường vụ tỉnh uỷ Đắc Lắc là cho các em vào học ở các khoa này.

Ngày hôm sau, Uỷ ban nhân dân tỉnh tiếp Bộ trưởng, cùng tiếp còn có đồng chí Trần Kiên, Bí thư tỉnh uỷ. Bộ trưởng đã hỏi:

- Con em các dân tộc vào Đại học Tây Nguyên trình độ văn hoá yếu, không bằng sinh viên người Kinh. Sau này tốt nghiệp, Bộ phân công công tác thì tỉnh nào nhận?

Chủ tịch tỉnh Y Ngông Niê Kdăm nhìn Bí thư Trần Kiên, nở nụ cười rất tươi nói với Bộ trưởng:

- Sau này các em tốt nghiệp, chúng tôi xin Bộ trưởng không đưa về Hà Nội, về bộ làm gì, cứ để lại cho Đắc Lắc, Tây Nguyên bố trí công tác. Vì các em chắc có yếu một số môn cơ bản, nhưng thực tế đối với khí hậu, con người, đất đai, tài nguyên, tiếng địa phương, lòng hiếu học, cần mẫn là thứ rất cần cho nhân dân các dân tộc. Họ sẽ rất tự hào khi có con em mình là bác sỹ, kỹ sư… Đưa các em về các buôn, trạm xá, nông trường, lâm trường thì chắc chắn sẽ phát huy được.

Thực tế sau này đa số các em sinh viên năm ấy, có người đã trở thành chủ tịch, phó chủ tịch huyện, nhiều người làm giám đốc, hoặc lãnh đạo có hiệu quả các nông, lâm trường ở vùng sâu, vùng xa. Bà con người dân tộc rất tin cậy, quý mến. Quả thực họ thích nghi với khí hậu, môi trường thổ nhưỡng, ít đau ốm, làm việc cho bà con mình nên công tác rất tốt.

Qua việc này thấy tầm nhìn chiến lược về sự phát triển của con người, vì lợi ích của đồng bào các dân tộc của ông Y Ngông Niê Kdăm. Còn nguyên Chánh văn phòng tỉnh uỷ Trần Trọng Khương, nhiều năm làm thư ký cho ông Y Ngông Niê Kdăm, trong thời gian ông là Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Hội đồng Nhà nước, Bí thư tỉnh uỷ Đắc Lắc thì không thể nào quên những ngày cùng Bí thư xuống cơ sở. Rất nhiều tháng có tới hơn 20 ngày Bí thư xuống các huyện, xã, buôn làng. Tới nơi nào ông cũng ra thực địa trước, xem xét đất đai, rừng, vườn, xem đồng bào sản xuất và nơi ăn ở. Sau đó mới là các chương trình làm việc với cấp uỷ, chính quyền và trực tiếp với dân. Đến các huyện, xã, buôn bao giờ ông cũng có ý kiến chỉ đạo, góp ý, hướng dẫn rất cụ thể, tính toán chi tiết trên cơ sở từng loại đất đai, khí hậu, góp ý với địa phương và bà con nên trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp, để có giá trị kinh tế cao. Sau này nhiều huyện, xã, buôn kinh tế phát triển, đời sống của đồng bào được cải thiện. Những buổi ở lại buôn ăn cơm với đồng bào, không chỉ uống rượu cần, nghe đánh chiêng, mà ông còn cầm chiêng hoà cùng các nghệ nhân, khiến mọi người vui lắm. Những lúc ấy, ông hoà quyện vào tâm hồn và cuộc sống của người dân ở buôn làng. Là một cán bộ lãnh đạo cao cấp, đi xa quê hương hàng chục năm trời, nhưng ông không để mất bản chất chân thực và tâm hồn tốt đẹp của dân tộc mình.

Giản dị, chân thành, nhiệt tình và có trách nhiệm cao với công việc được giao, không hề vụ lợi, ông Y Ngông là một người con tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, luôn chăm lo, mong muốn cuộc sống của người dân ở các buôn làng ấm no, hạnh phúc, theo kịp với đời sống vùng dân tộc đa số. Mọi việc làm của ông chỉ vì một mục đích làm cho quê hương đẹp hơn, đời sống đồng bào dân tộc tốt hơn, ấm no hơn.

Khi trái tim ông ngừng đập, trong điếu văn truy điệu người con yêu quí của quê hương, ai nấy được biết trong bản sơ yếu lý lịch của ông ông lấy bí danh là Nguyễn ái Việt - Người yêu nước Việt Nam, đó là lý tưởng, là hoài bão của cả cuộc đời ông. Trong hồi ký ông viết: “Điều sung sướng duy nhất của tôi là đã trọn đời làm theo lời Bác, xứng đáng là lớp thanh niên thế hệ mới của Cách mạng tháng Tám, lớp thanh niên dân tộc Tây Nguyên, con cháu của Bác Hồ Chí Minh”.

Ông như cánh chim đại ngàn vẫn lượn bay trên bến nước ông bà, trên sông suối, núi rừng, giữa Trường Sơn trùng trùng mây gió.

(Hữu Chinh và Trần Trọng Khương)
 
Các nhân vật lịch sử (tt)

Chuyện chưa biết về Ama Kông

Bây giờ thì nhiều người đã biết về Ama kông ở Bản Đôn. Bởi đã có hàng trăm bài báo viết về ông. Và ông hiện diện giữa cuộc đời hiện nay như một huyền thoại sống, một một bảo tàng sống về dân tộc học, về văn hoá dân gian của vùng đất Bản Đôn xưa và nay. Nhưng những điều người ta biết về Ama Kông đến nay chưa phải là tất cả...

ama%20kong.jpg

Ama Kông tức là bố của thằng Kông, một tên gọi thông thường sau khi vợ ông sinh đứa con trai đầu lòng đặt tên là Y Kông. Tên chính thức trong khai sinh của ông là Y Prông Êban. Còn tên Lào của ông là Khăm Proong. Ama Kông là con trai của Y Ki, em ruột của Y Thu - Vua săn voi Khun Su Nốp. Ama Kông nổi tiếng bởi ông cũng là một tay săn voi lừng danh, từng săn được 298 con, trong đó có 2 con voi trắng, chỉ thua ông bác Y Thu, người lừng danh nhất, từng săn được gần 500 con.

Ngoài săn voi Ama Kông còn nổi tiếng là tay lãng tử, hảo hán:
Bắt sống bò rừng bằng tay không, biết thổi tù và, chơi giỏi nhiều nhạc cụ, khiến các sơn nữ vùng Bản Đôn mê mẩn. Vì thế ông có tới 4 vợ 21 người con. Đặc biệt Ama Kông đang sở hữu bài thuốc gia truyền tráng dương, bổ thận quý giá mà nhiều quý ông sau khi dùng đã ca ngợi hết lời: Rằng công hiệu hơn cả ******...

***
Ama Kông sinh năm nào, đến nay vẫn còn là điều tranh luận. Căn cước của ông ghi là năm 1917, nhưng theo Khăm Phết Lào con trai của ông thì Ama Công sinh năm 1910. Bằng chứng là em trai cách đốt của ông tên là Y Pum trong căn cước ghi là 1915 và trên bia mộ chôn gần khu vực mộ Vua săn voi Khun Su Nốp cũng ghi là 1915. Ama Kông là anh, chắc chắn phải sinh trước năm 1915. Sở dĩ năm sinh của Ama Kông có sự lộn xộn như thế, theo giải thích của Khăm Phết Lào thì vì ông có nhiều vợ. Mỗi lần lấy thêm cô vợ mới trẻ hơn, ông lại công bố với mọi người một năm sinh khác, trẻ hơn, cho phù hợp với tuổi cô vợ mới.

***

amakong.jpg

Ama Kông cho phép chụp ảnh và vui vẻ giới thiệu thang thuốc gia truyền​

Vợ đầu của Ama Kông tên là H'Nố, là con ruột của Y Leo. Y Leo lại là em ruột của Y Thu và Y Ki. Y Thu không có con nên khi Ama Kông, H'Nố còn nhỏ đã được Vua săn voi Y Thu đưa về nuôi, lớn lên thì cho 2 người lấy nhau, mặc dù cùng huyết thống (con 2 anh ruột). Sau khi sinh được 2 người con, bà H'Nố qua đời (1941) vì bị bệnh hậu sản, em gái của H'Nố là H'Hốt tiếp tục thay chị lấy Ama Kông. Vì sao lại có sự hôn nhân cùng huyết thống, trái với lệ thường của người Lào?

Theo giải thích của Khăm Phết thì: Thuở ấy anh em Y Thu - Y Ki - Y Leo (từ Đôn Thâu, Pắc Xế, Lào sang) danh giá và giàu có nhất vùng biên giới 3 nước Việt Nam - Campuchia - Lào nhờ săn được nhiều voi, bán được nhiều tiền bạc nhất. Voi trong nhà lúc nào cũng có vài chục con, trâu bò lúc nào cũng có tới vài trăm con. Heo gà thì đầy mặt đất. Còn vàng, bạc thì đựng đầy ché, đầy chum. Và vì thế họ quyết định cho con cái lấy nhau để không phải chia của cải cho người ngoài dòng tộc.

***
Ama Kông săn voi giỏi, "chim gái" hay, đồng thời cũng là tay chơi lừng danh của xứ. Ông từng được người Pháp đưa ra Buôn Ma Thuột học chữ Tây và chữ ta, nhưng chỉ đến lớp 4 rồi ông bỏ học, một phần vì tính ông ngang tàng, hoang dã không chịu nổi những kỷ luật nghiêm khắc của nhà trường, mặt khác vì ông tiêu xài quá mức, mỗi ngày có thể xài hết cả trăm đồng (thời bấy giờ) vào chuyện ăn uống, hút xách và cho gái. Khăm Kẹo Pha Lào (sinh 1922), người từng được Y Ki sai đi phục vụ Ama Kông trong thời gian ông học ở Buôn Ma Thuột, hiện còn sống ở Bản Đôn đã kể cho chúng tôi nghe điều đó.

Bây giờ nhìn vào bức ảnh của Ama Kông chụp vào khoảng năm 1957, 1958 mà Khăm Phết còn giữ được đủ biết thời đó Ama Kông đã là người biết chơi và cách chơi cũng "đi trước thời đại" như thế nào. Trong khi hầu hết mọi người vẫn còn đóng khố thì ông đã diện đồ Tây, thắt cà vạt, đi giày Tây đen bóng. Ông từng đưa voi ra tận Buôn Ma Thuột rước thợ chụp ảnh về tận Bản Đôn để chụp ảnh cho bà con thân tộc và đám cưới của ông với bà H'Đốt. Ây Nô già làng của Buôn Trí (Bản Đôn) kể: -Thời ấy chỉ chụp khoảng 10 bức ảnh đen trắng khổ 13 x 18 cm đã tốn... cả một con trâu rồi.

p4c.jpg


10021-ama_kong.jpg

***

Năm 1961 Ama Kông săn được con voi trắng quý giá, thứ voi chỉ dành riêng cho vua chúa sử dụng, biết không thể để sử dụng riêng cho mình, ông đành phải đem biếu cho Ngô Đình Diệm, được ông Diệm tặng lại 3 khẩu súng và rất nhiều tiền bạc. Ông dùng số tiền đó mua một con voi đực lớn chỉ có 1 ngà, mua 1 xe Jeep... Con voi này sau đó đã có công lớn trong việc giúp bộ đội ta vận chuyển lương thực, đạn dược. Riêng chiếc xe Jeep, nghe nói sau khi tập lái xong, ông chạy đi chạy về giữa Bản Đôn - Buôn Ma Thuột được mấy lần, rồi sau đó bị đâm vào gốc cây hỏng nặng. Ông tháo lốp cho bộ đội làm dép, lấy săm cho bộ đội làm phao bơi vượt sông Sê Rê Pôk.

Theo Y Kông con trai của ông (sinh năm 1938, hiện đang sinh sống tại thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp, Đắc Lắc) thì ông cũng là người rất mê cờ bạc. Ông từng bán voi lấy tiền, đi máy bay từ Buôn Ma Thuột về Sài Gòn đánh bạc. Chỉ 3 ngày là "cúng" vào chiếu bạc hết cả con voi trị giá 40.000 đồng. Thời ấy (khoảng những năm 59, 60), số tiền ấy đủ làm 10 căn nhà dài bằng gỗ tốt.

***
Bây giờ thì ông đã già. Theo Khăm Phết Lào - con trai của ông - thì đích thực ông sinh 1910, năm nay đã 98 tuổi. Vì thế nhiều chuyện hỏi ông, ông chỉ ờ... ờ... nhớ nhớ, quên quên... Nhưng ngồi ngắm ông, nhìn kỹ vóc dáng của ông, nhìn vào thần thái của ông vẫn đủ biết thời trai trẻ ông cao lớn, vạm vỡ, đẹp trai, sống phóng túng, hoang dã, dữ dội, tài ba và đào hoa đến mức nào. Già làng Ây Nô nhận xét:- Ông như ngọn gió hoang lúc ào ào dữ dội, lúc mơn man ve vuốt, lúc là nắng lửa, lúc là cơn mưa, là người dân dã rừng rú nhất Bản Đôn, đồng thời cũng là người hiện đại nhất Bản Đôn.

2.JPG

Khăm Phết Lào và cụ Ama Kông, nhà báo Võ Phụng Hoàng và bác sĩ Sang(từ trái sang) vào rừng lấy thuốc​

(tổng hợp từ nhiều nguồn)
 
Lần chỉnh sửa cuối:
Chào cả nhà!
danocio nhà ở CưJut nhưng hiện tại đang công tác BMT xin đc làm quen cả nhà. Nếu danocio ko nhầm thì hình trên là quán Uyên Phương ae nhỉ?

Ko thấy 4r nào có topic về daklak hoành tráng như 4r mình!

Cám ơn bạn. Chào mừng bạn đến với GPE. Bạn có thể để lại số đt không, khi nào về BMT mình sẽ liên lạc với bạn.

Thân,
Jenni
 
oh, my god.Em định sang tuần đi đám cưới và ngắm cảnh BMT cũng như gặp chị nhưng chị busy và lost thế này thì chắc em thôi đi quá.D:
 
Mình ở Buôn Đôn...vô tình đọc dược những bài viết thú vị về chính quê hương mình....và mình cũng mún gia nhập vào cà phê Buôn Mê quán !
Cám ơn jenni nhé
 
@CC: Ở BMT còn có anh Định, anh Thiện và các anh khác mà!.
@bachnien: cám ơn bạn. Bạn vui lòng để lại số đt để tiện cho việc liên lạc được không?
 
@CC: Ở BMT còn có anh Định, anh Thiện và các anh khác mà!.
@bachnien: cám ơn bạn. Bạn vui lòng để lại số đt để tiện cho việc liên lạc được không?
Chị ui, T7 tuần này em ghé BMT uống cafe với chị nhé, hihi)*&^)
 
Web KT

Bài viết mới nhất

Back
Top Bottom