Cà phê Buôn Mê Quán!

Liên hệ QC

Pansy_flower

...nợ người, nợ đời...
Thành viên danh dự
Tham gia
3/6/06
Bài viết
1,611
Được thích
14,001
Nghề nghiệp
...thiết kế máy bay cho VOI tự lái...^.^
_________
Các bạn thân mến,

Topic này được lập ra nhằm mục đích giao lưu với các bạn là thành viên ở BMT(hiện đang sinh sống ở BMT hoặc đang sinh sống ở nơi khác nhưng có nguồn gốc là BMT) và các bạn khác muốn ghé thăm BMT. Các bạn BMT ơi, chúng ta cùng tụ họp ở đây nhé!!!.

Tên của topic ngoài ý nghĩa như đã nói ở trên còn có một ý nghĩa khác: Buôn-buôn chuyện (hay còn gọi là 8); Mê-mê mãi, mê say, mê ly ---> Ngồi quán uống cà phê, buôn chuyện mê mãi, ko muốn về!./-*+/

Sau đây, Jenni giới thiệu với các bạn một số bài thơ nói về Buôn Mê Thuột - Thành Phố trực thuộc tỉnh ĐăkLăk và một số bài viết khác nói về BMT.


Đắk Lắk (Đắc Lắc), quê tôi!


Buôn Ma Thuột, thành phố cao nguyên

Trù phú, khang trang, đất bạc, đất vàng

Một thuở xa xưa, hoàng triều cương thổ

Cây rừng, gỗ quí, đồn điền thênh thang


Nam, tiếp giáp Lâm Đồng, Bình Phước

Bắc, tiếp nối Gia Lai, Kon Tum

Đông, thông thương Nha Trang, Phú Yên

Tây, băng núi rừng bát ngát Cao Miên


Đắk Lắk, quê hương tôi

Một vùng mênh mông đó

Nghe tiếng Buôn, là biết ai rồi

Nghe tiếng Làng, còn chi nói nữa


Buôn Ma Thuột, đất bạc đất vàng

Cà phê thượng thừa, bậc nhất Việt Nam

Xuất khẩu đông – tây, ngang tầm thế giới

Cao su thượng thặng, lắm mối chào hàng


Buôn Ma Thuột ơi !

Đắk Lắk tôi ơi !

Rừng núi bạt ngàn

Đẹp lắm người ơi !!!

(Thơ của Mặc Giang)

_________

Tình ca Ban Mê Thuột!


Rừng thẳm hoang vu chẳng bóng người
Nai vàng ngơ ngác cỏ xanh tươi
Drai Linh giòng thác nước mờ phủ
Bảy sắc cầu vồng đẹp tuyệt vời

Xóm đạo Châu Sơn sương khói mờ
Đỉnh đồi cao vút rất nên thơ
Lối lên bậc thánh đi thong thả
Lần hạt đọc kinh tới điện thờ

Ngọn núi Chu Klinh chạm đỉnh trời
Bản Đôn trấn nhỏ đứng chơi vơi
Đàn voi kéo gỗ từ rừng thẳm
Lội xuống giòng sông tắm nghỉ ngơi

Từng tốp bò tơ rẽ khúc ngang
Xanh xanh đồng cỏ nắng hanh vàng
Có bầy em nhỏ đùa vui nghịch
Và người thôn nữ mắt mênh mang

Cái thuở tôi về nơi xứ Hà Lan
Khi trời lảng vảng nắng chưa tàn
Cảnh quê thơ mộng tình ghê đó
Cặp mắt ai nhìn ôi chứa chan

Đây cốc Lâm Tuyền cỏ mượt xanh
Hương ngát phong lan rất thơm lành
Chỗ này xinh quá nơi hò hẹn
Rất hợp cho mình, em với anh

Làng Thái, Thọ Thành, rất đậm đà
Các cô thôn nữ cất lời ca
Bâng khuâng gây nhớ bao trai lạ
Nhưng mộng duyên tơ chỉ xóm nhà

Nhịp cầu Mười Bốn rất là cao
Ngọn gió quanh năm thổi dạt dào
Giòng sông Xê Dốc xuôi tràn xuống
Cuồn cuộn lòng sông bao xuyến sao!

Thoang thoảng đậm đà hương cà phê
Ngọt ngào hoa trắng lối đi về
Hương cà phê đó còn vương mãi
Năm tháng nồng ươm mái tóc thề

Xóm nhỏ thân tình Cây Số Năm
Các cô xinh đẹp tựa trăng rằm
Khi nào diễm phúc mà nên phận
Gá nghĩa tình duyên đến vạn năm?


(Nguyên Đỗ)
_________

Ơi, Buôn Ma Thuột!


Trời trong xanh như thể đến vô cùng
Cánh rừng khộp bước vào mùa rụng lá
Bên bàu nước con nai chừng khát quá
Tạm quên đời, uống cả những bóng cây

Bụi mù trờiBuôn Ma Thuột là đây
Cô gái Êđê để ngực trần tắm suối
Gian nhà dài dễ chừng hơn trăm tuổi
Cứ rung lên theo mỗi bước chân người

Bạt ngàn hoa, nở trắng cả góc trời
Và thơm ngọt như làn môi con gái
Hoa cà phê hứa hẹn mùa gặt hái
Còn yêu thì, về đây phải không em?

Đêm rượu cần say bởi tiếng chiêng
Kèn đinh pút thổi bập bùng ánh lửa
Trời cao nguyên nồng nàn hơi thở
Đam San chàng vạm vỡ đất bazan

Nếu chưa say chưa trọn vẹn với Giàng
Hãy cứ để hồn trời hòa vào đất
Khi tiếng thác còn ầm vang khúc nhạc
Con nai vàng mê hát đứng chôn chân

Để núi xa, hồ rộng cũng thấy gần
Thì em hãy vít cong cần rượu nhé!
Rừng nguyên sinh nhưng người Ban Mê Trẻ
Ưng bụng rồi ta chẳng thể không yêu!

Sài gòn 22/4/2006
Mai Đức Nghĩa

_________

Ban Mê Tôi…


Anh ra đi phố núi sương còn phủ

Mấy ngọn đồi yên giấc ngủ mùa đông

Núi điệp trùng giữa cây lá mênh mông

Ai cũng nghĩ Ban Mê Buồn Muôn Thuở


Có ai xưa bước chân dừng phố núi

Bụi Mù Trời đường phố vắng người qua

Đất bazan vẫn nỗi niềm trầm lắng

Im im nghiêng bóng cả cánh rừng già…


Phố núi giờ đang căng tràn sức trẻ

Những công trình vượt đồi núi vươn cao

Ban Mê hôm nay vươn mình mạnh mẽ

Đón bao người Bạn Mình Trẻ về đây


Vậy thì anh ơi, quay về đi nhé

Hãy cùng em ta xây dựng quê hương

Hỡi bạn bè tôi đang ở muôn phương

Luôn nhớ về Bốn Mùa Thương nơi ấy…


(Nguyễn Thị Thái Như)

_________

Mai anh về Ban Mê cùng em nhé!


Mai anh về Ban Mê cùng em nhé!

Cho anh tìm chút nắng của Tây nguyên,

Cho anh thấy hoa cà là tuyết trắng,

Gặp thác ngàn như tiếng hát anh ca.


Mai anh về ban mê cùng em nhé!

Dáng mẹ hiền đang đón đợi chúng ta,

Trong nắng gió ngút ngàn không tên gọi,

Enh sẽ cười khi nhớ những ngày qua.


Mai anh về Ban Mê cùng em nhé!

Đi phương trời nắng gió vẫn cùng ta,

Nơi Ban Mê giấu tình ta trong đó,

Mai em về... anh có đợi không anh???
 
Lần chỉnh sửa cuối:
Cảm xúc Ban Mê!

Tôi nhớ lại những ngày tôi còn bé
Bước chân trên những ngàn lá cao su
Những vườn cà xanh bạt ngàn vô tận
Rừng thông xanh gió vẩn thôi rì rào

Tôi nhớ lại những ngày tôi còn bé
Ngồi nghe ve từng tiếng gọi trưa hè
Trời trưa nắng rủ nhau đi tắm suối
Những đêm mưa ngồi nghe chuyện hôm nào

Tôi nhớ đến những ngày tôi còn bé
Nhớ quê tôi trắng bạt ngàn tháng cạn
Nhớ những ngày mưa thúi đất thúi đai
Nhớ những đêm sao sáng cả bầu trời

Ôi daklak ! những ngày xa tôi nhớ
Nay đặt chân lên đất mẹ thân yêu
Nhiều xúc cảm giâng trào theo tiếng gió
Gió rì rào như cũng hiểu lòng tôi.

_________

Ai từng nặng nợ với Ban Mê,
Hãy ở nơi đây, nhớ đừng về.
Hoa thơm cỏ ngọt, cà phê ấm,
Nhựa sống, tràn trề, tâm trong tâm.

Ai từng duyên nợ với Ban Mê,
Hãy sống trọn đời với đất Quê.
Người Tây Nguyên đó, lòng chung thủy
Đã ở đừng đi, đến đừng về.

_________

Ban Mê ơi! Tuổi thơ ta đó
Đã ru ta vào giấc mơ nay.
Giờ xa lắm ôm vào nỗi nhớ,
Giọng Ban Mê vẫn ấm đầy.

Ban Mê ơi! giờ đây ta lớn
Xa Ban Mê ta biết yêu nhiều
Con đường đi gập gềnh gian khó
Ta một mình nhớ lắm Ban Mê

Ban Mê ơi! chiều nay ta khóc
Cô đơn nhiều ao ước ngày xưa
Có Ban Mê nhìn ta khôn lớn
Dìu đôi chân bước đến chốn này.

Ngày mai đây Ban Mê hãy đợi
Ta trở về đứng trước Ban Mê.

_________

Chiều Ban Mê nhìn người ta khóc,
Áo ướt dầm sau những cơn mưa.
Thu se lại, trời đông vừa hé,
Một nỗi buồn, man mác tình quê.

Có phải không? em muốn xa anh,
Sau tiếng khóc hoàng hôn vừa chợt tắt.
Người thương ơi, lòng anh đang chôn chặt.
Kỷ niệm xưa, lúc vướng mối duyên đầu.

Hoa cỏ ơi, giờ em ở nơi đâu?
Để khe khẽ, chìa vai đầu em ngủ,
Để em vơi một chút cô đơn.
Để em quên, một chút giận hờn.

Rồi kỷ niệm trong anh mãi mãi.

_________

Ban mê đó bao lần se lạnh
Nắng lại tìm sưởi ấm lòng ta
Và gió gọi như ru từng khúc hát.
Ta có nhau trong mỗi bước về.
_________

Mùa thu đã về trên Ban Mê,
Đường phố tỏa mùi hương cà phê.
Quyến rũ lòng ta, lòng du khách.
Dẫu có đi xa cũng nhớ về.

***
Hương cà vẫn ở quanh ta,
Mùi hương vẫn tỏa đậm đà, ngất ngây
Ai xa, vẫn nhớ nơi này,
Người đi, kẻ ở từ đây mặn nồng

***

Cà phê dẫu đắng môi hồng
Hương say dịu ngọt trong lòng ngất ngây
Xa xôi vẫn nhớ nơi này
Hương thơm, vị đắng giải bày con tim...

________

Mùa Đông đã ghé Ban Mê
Mưa lây rây lạnh, gió về buốt da
Đi xa, ai nhớ hương cà
Ấm lòng đôi chút quê nhà thân thương...
 
Ly cà phê Buôn Mê​
Wednesday, 23/07/2008, 02:12 AM (GMT12)​

Buôn Ma Thuột bước vào mùa mưa. Mưa cao nguyên sụt sùi, réo rắt cả ngày cho thỏa cơn khát mùa khô. Những ngày mưa, ở Buôn Ma Thuột vào quán uống một ly cà phê là điều vô cùng thích thú.

VÌ SAO GỌI "BUÔN MA THUỘT"?

bm2.jpg

Tượng đài chiến thắng Buôn Ma thuột (hay còn gọi là: ngã sáu xe tăng)​

Tôi có thói quen khi đến một địa phương nào đó thì hay tìm hiểu gốc tích về địa danh. Với thành phố Buôn Ma Thuột cũng vậy: Địa danh Buôn Ma Thuột là tên của một buôn đồng bào Êđê Kpă. Vùng đất này vào cuối thế kỷ XIX chỉ có một buôn với khoảng 50 nhà dài. Mỗi nhà có từ 30-40 người do Tù trưởng Ama Thuột cai quản nằm bên dòng suối Ea Tam. Đến những năm đầu của thế kỷ XX, Buôn Ma Thuột không còn là một buôn đơn lẻ nữa, mà đã qui tụ phát triển thêm hàng chục buôn khác. Tuy nhiên, Buôn Ma Thuột vẫn còn là một buôn lớn, trung tâm của cả vùng lúc bấy giờ và do Tù trưởng Ama Thuột, một người có thế lực và uy tín cai quản. Tên gọi Buôn Ma Thuột cũng bắt nguồn từ đó. Buôn Ma Thuột tức là làng của Ama Y Thuột-làng của cha Y Thuột. Buôn Ma Thuột tròn một trăm tuổi vào ngày 22/11/2004.

PHỐ CÀ PHÊ

Tôi thích "Buôn Mê" những chiều trời đổ mưa tầm tã. Mưa Buôn Mê không bất chợt như mưa Sài Gòn, cũng không "nhõng nhẽo" như mưa xứ Huế, mà dữ dội và dai dẳng...Từ Sài Gòn, khởi hành bằng xe chất lượng cao, sau 7 giờ đồng hồ tôi đã có mặt ở thành phố Buôn Ma Thuột. Mùa mưa, Buôn Ma Thuột trời se lạnh, nhưng mọi hoạt động vẫn "nóng" theo nhịp điệu phát triển kinh tế ở xứ sở cao nguyên này. Trên những nẻo đường, xe cộ vẫn nườm nượp. Những khu đô thị mới, trung tâm thương mại cứ hối hả mọc lên, đáp ứng nhu cầu giao thương. Thành phố hiện có cả chợ cà phê, để nông dân có thể bán loại nông sản đặc thù của thành phố này cho các đơn vị kinh tế mà không sợ bị ép giá. Nhà Đày Buôn Ma Thuột nằm ở trung tâm thành phố luôn là điểm du lịch đầu tiên du khách tìm đến. Tiếp theo đó là Viện Bảo Tàng, ngày xưa là Biệt Điện của Bảo Đại. Du khách tham quan hai nơi này có dịp hiểu sâu hơn lịch sử của tòa nhà cũng như ý nghĩa của những đồ vật được trưng bày. Nơi đây, du khách luôn ấn tượng với hai cây cổ thụ hơn trăm tuổi, gốc cây lớn gấp mấy lần vòng tay người ôm và tán thì thật rộng, che bóng mát cả một góc trời.

Buôn Ma Thuột nổi tiếng với đợt tấn công giải phóng Tây Nguyên vào ngày 10/03/1975. Hiện nay, ngã sáu "Xe Tăng", in đậm dấu ấn lịch sử, trở thành nơi thưởng ngoạn thu hút đông đảo du khách. Tuy vậy, nhưng để tìm một đặc thù cho thành phố này thì không dễ. Nhiều người cho rằng, những quán cà phê đầy quyến rũ và đa phong cách của thành phố, đã làm nên một "thương hiệu" Buôn Ma Thuột. Quán cà phê dày đặc trên những con đường như Nguyễn Công Trứ, Lê Thánh Tông, Phan Chu Trinh, Đinh Tiên Hoàng… đã trở thành điểm hẹn của người dân địa phương, điểm đến thưởng thức thú vị của du khách. Đi vào quan sát ta thấy rằng, mỗi khu phố cà phê đều có đặc trưng riêng và mỗi quán đều có phong cách riêng từ cách đặt tên, trang trí nội thất, âm nhạc... Có những tên quán nghe gợi cảm giác bồng bềnh, mơ mơ-thực thực, man mác hoài niệm như Uyên Phương, Thương Thương, Thu Thu, Chiều Nhớ, Thung Lũng Hồng, Cảm Xúc… Lại có những cái tên nghe mà có thể cảm nhận cả được vị của cà phê như quán Vị Đắng trên đường Mai Hắc Đế, quán cà phê Đắng trên đường Nguyễn Công Trứ… Theo tôi, không một thành phố cao nguyên nào có nhiều quán cà phê như ở Buôn Ma Thuột.

Với tôi, ngồi uống cà phê ngắm nhìn phố núi bàng bạc trong màn mưa đan xéo dưới ánh đèn vàng là thú vị nhất. Quán Văn được quảng cáo rầm rộ trên mạng phải xuống một con dốc gần như dựng đứng trên đường Đinh Tiên Hoàng. Quán cà phê cũng khá bình thường như những quán cà phê vườn khác. Nơi đây chỉ có phong cách phục vụ cây nhà lá vườn và treo nhiều bức tranh vẽ của người chủ quán là lạ so với các nơi. Buôn Ma Thuột có rất nhiều quán cà phê với phong cảnh tự nhiên, thoáng mát và lồng lộng khí trời như Thung Lũng Hồng, Rainy, Hoapơlang…, Người uống cà phê vừa thưởng thức cà phê vừa thư giãn với không gian yên bình và lắng nghe những giai điệu của nhịp đời trên phố núi.

bm1.jpg

Thưởng thức cà phê đã trở thành cái "thú" của người dân nơi đây. Với đa số người dân, đi uống cà phê là những khoảnh khắc được thư giãn, giải trí quí giá. Chỉ với ly cà phê, đĩa hạt dưa là đã có thể tạo nên những cuộc hội ngộ.

KHÁT VỌNG NGÀY MAI


Đi trên những con phố thoáng đãng, với vỉa hè rộng và sạch dưới những hàng cây xanh như Nguyễn Tất Thành, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nơ Trang Long… mới cảm nhận hết những đổi thay từ cơ sở hạ tầng của thành phố trẻ Buôn Ma Thuột. Nói Buôn Ma Thuột là thành phố trẻ là chính xác. Trước đây, đến quãng năm 1990, Buôn Ma Thuột còn là một phố núi thị xã nhỏ nhoi. Lúc đó, mỗi kỳ đi công tác đến Buôn Ma Thuột thì anh em đều nói vui là xứ sở "buồn muôn thuở" và "bụi mịt mờ". Trên những con đường chưa kịp qui hoạch trong thị xã mọc lên đều là nhà không số, phố không tên. Nhưng đến năm 1992-1994, với sự đầu tư mạnh mẽ của chính quyền địa phương và trung ương, Buôn Ma Thuột đã trở thành thành phố loại III. Lúc này, nhiều người cho rằng, Buôn Ma Thuột lên thành phố nhờ công rất lớn từ cà phê. Quả thật, lúc đó, cà phê đột ngột lên giá cao ngất trời, nhiều hộ gia đình bỗng chốc đã trở thành triệu phú, tỷ phú. Ngân sách thành phố được đóng góp lớn lao từ phong trào quần chúng và nhân dân cùng làm đã mở thêm cho thành phố những con đường thoáng đãng và đại lộ Nguyễn Tất Thành mọc lên dẫn về tượng đài chiến thắng-nơi ghi lại chiến công của ngày giải phóng Buôn Ma Thuột (10/3/1975).

Từ tập quán uống cà phê, người dân Buôn Ma Thuột đã nâng lên thành một nét văn hóa ẩm thực. Về mặt giao lưu hội nhập kinh tế, cà phê Buôn Ma Thuột đã có mặt trên thị trường thế giới qua hoạt động xuất khẩu, xây dựng thương hiệu, được các nước trên thế giới tiếp nhận do hương vị độc đáo của một sản phẩm có xuất xứ từ vùng đất bazan màu mỡ của Tây Nguyên. Nhiều người đã đưa ra ý tưởng phát triển tour du lịch tham quan thu hái cà phê, tham quan các khu chế tác đồ mỹ nghệ từ gốc cây cà phê… Hiện nay, đối với ngành công nghiệp và thương mại DakLak, cà phê vẫn đang là mũi nhọn chiến lược. Và Buôn Ma Thuột đã trở thành chỉ dẫn địa lý của thương hiệu cà phê nổi tiếng thế giới.

Một mùa mưa nữa lại đến. Mưa Buôn Ma Thuột vẫn sụt sùi và gợi nhớ. Ly cà phê Buôn Mê vẫn tiếp tục tỏa hương khắp các nẻo đường và vươn ra khắp bốn biển. Đây đó, trên các cánh rừng cà phê trổ hoa trắng xóa như bầu trời đầy mây trong ngày nắng đẹp. Và tôi ước muốn thực hiện một tour du lịch mới đầy hấp dẫn: cưỡi voi dạo rừng cà phê đầy hoa trắng.

(Duy Khanh (PYO))​
 
Buôn Ma Thuột:

Buôn Ma Thuột – Bụi Mù Trời – lúc nắng
Lúc đổ mưa – Bùn Một Tấc – Em ơi
Anh mãi ngắm súng “xe tăng ngã bảy”
Chợt hỏi lòng, “Trinh nữ” có còn không?


Tặng những người con của Buôn Ama Thuột.

Hihíhi.... Tiêu đề của topic là địa danh mà... Vì đường đi vào thác Trinh Nữ khó đi nên anh đứng ngắm chiếc xe tăng, chợt nhớ tới thác Trinh nữ vậy mà. Chẳng biết bây giờ nó có còn không? Hay là đã lên đường cùng với nàng Tô Thị hay là đã "được" bàn tay con người làm cho không còn hoang sơ, tự nhiên như lúc trước nữa.
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Thác Trinh Nữ!

Thác vẫn còn đó anh ạ. Anh xem bài này nhé:

_______

Từ thành phố Buôn Ma Thuột theo đường 14 khoảng hơn 20km, du khách sẽ đến lối rẽ vào ngọn thác mang tên gợi đầy huyền thoại đó là thác Trinh Nữ là một trong những ngọn thác có vẻ dịu hiền êm ả trên dòng Krông Ana quanh năm mải miết tưới cho những vườn cà phê xanh mướt của xứ sở Ban Mê.

Du khách muốn ngắm nét gợi cảm của thác Trinh Nữ thật gần thì theo một lối đi cả trăm bậc thang cứ dốc mãi xuống dưới cho đến khi nghe tiếng thác reo ầm ì, ngẩng lên đã thấy dòng thác e ấp thẹn thùng hiện ra đàng sau những phiến đá đen sừng sững. Men theo vách đá là những dây leo rừng gân guốc chấm phá nên bức tranh thiên nhiên đầy nét hoang sơ, trữ tình. Không hùng vĩ, mạnh mẽ như thác Dray Sap hoặc Dray H’Linh ở không xa đó, Trinh Nữ có một vẻ dịu dàng rất riêng đúng cái tên con gái của mình. Thực ra, ngọn thác này chỉ là một khoảng dừng của dòng Krông Ana luôn cuồn cuộn hối hả đổ về Tây. Như bị một bàn tay khổng lồ nào đó chặn lại bằng những tảng đá to tướng, dòng sông chợt uốn mình lên, tung bọt trắng xóa cả một vùng như nỗi lòng người con gái còn vấn vương nợ đời.

Chuyện xưa kể rằng: chàng trai và cô gái sống ở hai buôn làng Êđê ở cạnh nhau yêu nhau tha thiết. Hai người từng thề non hẹn biển sẽ ở bên nhau cho đến ngày cái răng rụng hết, cái tóc trên đầu như dòng nước bạc tung bọt trắng xóa kia. Thế mà nghiệt ngã thay, trời xanh đã phụ lòng họ, xui nên chuyện hai làng thù ghét nhau, một mối thù truyền kiếp từ đời nào không ai rõ. Luật buôn làng rất nghiêm, với cái tội yêu kẻ thù như thế, già làng sẽ xử nặng không khác gì tội ăn cắp: lội xuống dòng nước xiết cho đến khi ngập khỏi đầu và không bao giờ được phép bước lên bờ nữa. Không hy vọng tìm ra lối thoát cho mối tình tuyệt vọng của mình, cô gái đã gieo mình xuống dòng nước xiết sau bao nhiêu chiều ngồi thờ thẫn trông ngóng người yêu. Cái chết thương tâm của nàng trinh nữ đã thức tỉnh dân hai làng khỏi bóng tối của lòng thù ghét đè nặng bao đời, nhưng nỗi uẩn khúc trong lòng người con gái thì bao nhiêu năm cũng còn tung bọt trắng xóa cả một khúc sông, không tan đi được.

Chẳng biết vì tò mò muốn tìm đến tận nơi để được nghe huyền thoại tình yêu đẹp ấy hay vì cảnh đẹp nên thơ mà thác Trinh Nữ luôn cuốn hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan rất đông. Khuất sau những vách đá khá kín đáo còn có cả một bãi tắm nước trong vắt mà nếu muốn, du khách có thể tắm theo kiểu người Êđê: tắm tiên, khi đó du khách sẽ hoàn toàn hòa mình vào thiên nhiên trong trang phục của... Adam - Eva, rũ bỏ mọi âu lo thường ngày trong dòng nước trong mát. Có lẽ, Trinh Nữ quyến rũ du khách bằng cả nét đẹp hoang sơ, nét huyền bí bao phủ bởi truyền thuyết và có thể bởi cả... phong tục tắm tiên nữa!

9-3-20075-33-00PM_Tien_7234.jpg


9-3-20075-36-48PM_Kien_514.jpg


9-3-20075-46-34PM_Truong_1033.jpg


(hình chụp năm 2007)

THAC%20TRINH%20NU.jpg


Trinh%20nu.jpg


IMG_0427.jpg


(st)
 
Lần chỉnh sửa cuối:
Hùng vĩ thác Tây Nguyên!

Tây Nguyên không chỉ có cà phê, có "cái nắng", " cái gió" mà còn ôm trong mình những con thác to lớn, nguyên sơ, hoang dại.

Draysap400.jpg

Một lần được tận mắt thấy những bức tường nước đổ từ trên cao xuống, tận tai nghe tiếng reo vui của gió, nước và đá hòa quyện, bạn như trút bỏ bao ưu phiền của cuộc sống và nhập mình vào bản hoà ca bất tận của đại ngàn và những huyền thoại tình yêu. Cảm giác bất tử xâm chiếm cả tâm hồn.

Huyền thoại thác khói


Đến Đak Lak và Đak Nông để thăm hệ thống bốn dòng thác trên sông Sêrêpok: Gia long, Trinh Nữ, D'raysapDray nur, bạn sẽ cảm nhận được điều đó. Cách thành phố Buôn Mê Thuột hơn 30 km, thuộc huyện Krông Nê tỉnh Đak Nông, thác D’raysap là thác lớn và đẹp.

Theo tiếng Êđê, D'raysap có nghĩa là thác khói. Tục truyền rằng, H'Mi người con gái dân tộc Êđê, ngày ngày cùng người yêu đi làm rẫy. Một hôm trong lúc đang say sưa công việc 2 người trông thấy một con quái vật đầu to như quả núi, mắt lớn như chiếc nồi đồng, râu dài, răng nhọn và toàn thân có vẩy lấp lánh như ánh bạc, đang bay lượn trên trời. Trong lúc gió nổi lên cuồn cuộn, cây cối ngả nghiêng, quái vật lao thật mạnh và cắm vòi xuống đất, xòe đôi cánh lớn phun nước làm thành cơn mưa dữ dội rồi bay đi mất. H’Mi trong cơn khiếp đảm đã tan vào mây mù. Còn chàng trai thì biến thành một gốc cây lớn, cắm sâu vào ghềnh đá. Chỗ ấy ngày nay là thác khói D’raysap.

Thỉnh thoảng, người dân lại nhìn thấy từ trên trời phía đầu thác có một đám mây trắng giống hình cô gái đang sà xuống ôm ấp lấy thân cây cổ thụ kia. Cứ mỗi lần đám mây kỳ diệu ấy xuất hiện thì ở vùng thượng nguồn con thác lại có mưa to và gió giật.

Nhìn từ xa, con thác uốn người trên những rẻo cao và ầm ầm đổ mình xuống mặt nước từ vách đá 30 mét trông giống như vòi của con voi khổng lồ đang phun nước hung dữ. Bức tường nước tràn trề đổ xuống những tảng đá lởm chởm ở dưới, văng bọt trắng xoá và tung lên những đám khói hơi nước, lồng trong tiếng ầm ầm, vang dội mà cả cây số trước khi xuống chân thác bạn có thể nghe và thấy ướt người.

Đứng dưới chân thác, bạn lọt thỏm giữa rừng già nguyên sơ với những cây cổ thụ cao ngất trời, những tảng đá sừng sửng, vang vọng đâu đây bản tình ca của huyền thoại về một tình yêu bất tử lung linh cùng những tia nắng xuyên qua thác vẽ nên những sắc cầu vòng kỳ ảo làm cho cảnh đẹp đến nao lòng.

bmt14of8.jpg


2001267625779902569_rs.jpg

Những hang động kỳ thú


Không xa D'raysap bao nhiêu, ngọn Dray nur cũng ầm ầm đổ nước. Điều thú vị và hấp dẫn của Dray nur là du khách có thể khám phá hang động, trải qua cảm giác mạnh trong lòng thác và đặc biệt khi được dòng nước của núi rừng Tây Nguyên massage, cảm giác thích thú không nơi nào bằng.

thacdraynua_cuonkhoi2.jpg

Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến Dray nur là sự hùng tráng của nó. Thác nước gần 30 mét đổ xuống lòng sông sâu thẳm tung nước trắng xoá. Với chiều dài 200m nối liền từ bờ Đak Lak sang bờ Đak Nông ta không khỏi choáng ngợp trước sức mạnh của dòng chảy và lượng nước khổng lồ như muốn nghiền nát tất cả mọi thứ. Dray nur nằm trên dòng chảy của sông Krông Ana (sông Cái). Từ đây bạn có thể vượt sông để thăm D'raysap nằm trên sông Krông nô (sông đực).

Sông Serêpok vốn là sự hoà hợp của 2 dòng sông này. Truyện kể rằng, ngày ấy có một chàng trai buôn Kuốp đem lòng yêu một người con gái bên kia sông. Hai người quen nhau rất lâu gia đình hai bên mới biết. Hai dòng họ vốn hiềm khích với nhau nên không cho phép con mình lấy nhau. Đấu tranh mãi cho tình yêu mà vẫn bị ngăn cấm, trong một đêm trăng sáng giữa đại ngàn sâu thẳm bên dòng Sêrêpok cuộn trào, đôi trai gái trẻ đã nhảy xuống sông để được cùng bên nhau mãi mãi. Đêm hôm đó trời nổi cơn giông bão, nước cuồn cuộn dâng cao. Những người dân trong nhà nghe tiếng thét của núi rừng, sáng hôm sau tỉnh dậy thấy dòng sông chia thành 2 nhánh, ngăn cách đường qua lại của 2 dòng họ. Kể từ đó hình thành nên dòng sông đực và cái cuốn trong mình 2 ngọn thác hùng vĩ tượng trưng cho tình yêu bất diệt.

Còn liên quan đến chuyện vì sao lại có tên thác Đray Nur, Già làng ở Buôn Kuốp - một buôn sống bên cạnh dòng thác Đray Nur từ ngàn đời nay kể lại rằng: Đray trong tiếng Êđê có nghĩa là thác, còn từ Nur là con dúi. Ngày xửa, ngày xưa vua Thuỷ Tề có một đứa con trai tên là Nur, chàng hoàng tử này vốn rất khôi ngô tuấn tú và rất thích chu du ngắm cảnh. Trên trần gian cũng có một vị vua, vị vua này có 2 nàng công chúa cũng rất xinh đẹp. Thế nhưng vì những cuộc chiến giữa các bộ tộc mà khi vua cha chết đi, 2 nàng công chúa cũng bị bỏ rơi và họ trở nên nghèo khổ, không có miếng ăn, hàng ngày 2 nàng phải đi đào củ mài để ăn. Một ngày nọ, chàng hoàng tử Nur đang dạo chơi trong rừng thì bắt gặp 2 nàng công chúa đang đào củ mài để ăn. Khi nhìn thấy Nur, 2 công chúa không dám giáp mặt vì e ngại vì hoàn cảnh nghèo khó của mình không xứng với chàng hoàng tử đẹp trai con của vua Thuỷ Tề. Tuy nhiên, Nur vẫn tìm cách để gặp mặt được 2 người con gái và bảo “2 nàng về giở ché gạo ra lấy gạo mà nấu ăn”, hai nàng không tin lời chàng trai vì 2 nàng biết rất rõ nhà mình làm gì có hạt gạo nào. Nhưng khi thấy có gạo thật thì 2 nàng mới ngỡ ngàng và được một bữa no nê. Nhờ ché gạo đó mà hai nàng công chúa đã đem lòng yêu chàng hoàng tử Nur. Sống một thời gian với nhau, hoàng tử Nur bỗng nhớ vua cha và chàng muốn quay về thăm cha. Khi chia tay, chàng đã hoá thành một con dúi vàng trở về hang đá bên trong thác với cha.

Từ khi hoàng tử Nur ra đi, hai người vợ lại tiếp tục cuộc sống nghèo khổ của mình, hàng ngày vẫn chăm chỉ đào củ mài để sống.

Về phần Nur, sau một thời gian sống với cha, chàng lại nhớ da diết đến những người vợ xinh đẹp ở chốn trần gian. Một hôm chàng xin vua cha lên trần gian sống với vợ nhưng vua cha không cho đi. Vua cha bảo “nếu con đi thì đừng trở về đây nữa”. Tuy vậy vì nhớ vợ không thể chịu nổi, chàng đã bỏ vua cha lên sống với vợ.

Sống với vợ của mình cho đến khi tóc bạc, Nur lại nhớ vua cha, chàng tạm biệt 2 người vợ của mình để về với cha, thế nhưng chàng đi đâu thì vợ lại theo đến đó, không biết sao, Nur đành hoá thành con dúi vàng chui vào trong thác. Người vợ cứ đứng đợi bên ngoài, đợi mãi...đợi mãi mà không thấy Nur trở lại. Từ đó, người dân nơi đây gọi ngọn thác nơi mà hoàng tử Nur hoá thành con dúi vàng chui vào là thác Nur theo tiếng đồng bào Êđê gọi là Đray Nur.

thacdraynua1.jpg

Khi khám phá hang động ở đây, bạn cần phải có đèn pin để vào vì hang động ăn sâu vào lòng đất nên rất tối. Bạn sẽ bắt gặp rất nhiều dơi bên trong. Buổi chiều hàng nghìn con dơi kêu thất thanh bay vào trong hang động gây cảm giác rờn rợn, lạ và thú vị.

thacdraynua.jpg

Nếu muốn tìm cảm giác mạnh bạn nên khám phá bên trong lòng thác. Chỉ cần một áo phao là bạn có thể làm được dưới sự hướng dẫn và giúp đỡ của nhân viên quản lý thác. Bên ngoài có những thợ lặn túc trực để đề phòng những chuyện bất trắc.

Vượt qua vách đá có dòng thác đổ xuống mới cảm nhận được vẻ hùng vĩ của "thác nước lớn nhất Tây Nguyên". Dòng sông Sêrêpok đang chảy từ Thuỷ điện Buôn Kuốp đến đây bất ngờ đổi dòng. Một ghềnh đá dài hơn 200m bắt từ bờ Đak Lak sang bờ Đak Nông vươn ra phía trước đổ nước từ 30m xuống lòng sông. Phía dưới ghềnh đá là một khoảng trống hơn 3000m2 tạo nên hang động ăn sâu vào lòng đất. Đứng dưới ghềnh đá, tiếng ầm của con nước khổng lồ át tất cả tiếng chim muông, tiếng vang từ hang động sâu thẳm. Bức tường nước trước mặt gội rửa đi bao lo toan phiền muộn. Cảm giác vui thích còn được tăng lên khi bạn tìm đến những phiến đá dưới dòng nước đổ, nằm trần mình để những cột nước massage. Nhân viên ở đây sẽ chỉ cho du khách những chỗ thích hợp.
 
Hùng vĩ thác Tây Nguyên!(tt)

Thác Gia Long

2219644240057084203S600x600Q85.jpg

Sự tích về Gia Long không gắn với tình yêu mà gắn với vua chúa. Ngày trước vua Gia Long đã cho xẻ núi làm một con đường rất đẹp lên thác. Trong thác có hồ tắm tiên là nơi vua quan thư giãn. Hồ rộng khoảng 100m2 trong xanh, yên ả với những cơn gió rừng lao xao cùng tiếng chim hót lảnh lót đâu đây làm cho cảnh vật thêm kỳ bí, huyền ảo. Thác Gia Long cao 50m, với chiều rộng của sông Sêrêpok khoảng 100m tràn ngập cả lưu vực thác tạo nên vẻ uy nghi, hùng tráng được bao quanh bởi những cây đại thụ rủ bóng xuống mặt hồ trầm ngâm, rêu phong, cổ tích. Dấu vết của vua chúa, của thời gian còn hằn ghi lại trên thác tạo cho bạn cảm giác hoài cổ mông lung.

2466993520057084203S600x600Q85.jpg

Dưới chân thác Gia Long

2513671900057084203S600x600Q85.jpg

Đường lên đỉnh thác Gia Long

2468590910057084203S600x600Q85.jpg

dưới gốc cây cổ thụ có nhiều cây môn nước

2719231390057084203S600x600Q85.jpg


2406132190057084203S600x600Q85.jpg

Thác ầm ào tung bọt và những đám mây hơi nước

2333074310057084203S600x600Q85.jpg

Khu rừng thác Gia Long​

Đại ngàn Tây nguyên có bao điều kỳ bí, hùng vỹ về thiên nhiên, về con người. Những dòng thác là tượng trưng cho sức sống cho tâm linh ở đây, hùng tráng, kiều diễm và mời gọi khám phá. Đến để cảm nhận, bạn sẽ thấy bao điều hấp dẫn và giá trị.

(st)
 
Suối Tóc

Cách Buôn Ma Thuột chừng 70km về phía đông - bắc có một địa danh ít người biết: Xã Ea Púk (huyện Krông Năng), tiếng Ê Đê Ea Púk có nghĩa là Suối Tóc. Suối Tóc có nhiều thác nước nối liền nhau, không dữ dội mà rót dài mềm mại như mái tóc của cô gái.

avatar.jpg


300px-Madrak02.JPG


ResizeWizard-9.jpg

Rừng Ea Púk là rừng thường xanh tự nhiên còn khá rậm rạp, hoang vu. Đây là điểm du lịch sinh thái và du lịch hoang dã khá lý tưởng...

Chúng tôi đã tổ chức một chuyến thăm Ea Púk. Tôi không ngờ đường vào Ea Púk khá thuận lợi, chỉ còn khoảng 10 cây số đường đất, còn lại là đường rải nhựa. Xuất phát từ Buôn Ma Thuột lúc 9 giờ 30, khoảng 11 giờ chúng tôi đã đến Ea Púk.

Đang là cao điểm của mùa khô nên suối Ea Púk không nhiều nước và vì thế càng trở nên hiền hoà dịu dàng. Lòng suối là nền đá khá bằng phẳng, rộng rãi, bề ngang dễ đến 30m. Hai bờ đầy những tảng đá hình vuông, hình chữ nhật xếp chồng lên nhau.

Bước chân xuống suối lập tức ta cảm nhận được không khí mát mẻ, trong lành, dẫu trời đang nắng chang chang. Chỉ một đoạn suối chừng 200m, nhưng chúng tôi đếm được 5 thác nước đẹp.

Có thác bề mặt rộng tới gần 30m, có 3 bậc, nước dội qua từng bậc và tung xoè lên như đuôi công đang múa. Có thác tới 7 tầng, nhưng nước không dội tung mà chảy uốn lượn thật mềm qua từng tầng, như mái tóc dài lượn sóng. Phải chăng vì vậy nên người dân địa phương đặt tên là Suối Tóc và ngọn thác 7 tầng là thác Thuỷ Tiên?

Lại có một ngọn thác không hiểu vì sao ong bướm cứ tụ về đây bay đầy trên mặt thác, như là từ ngọn thác toả ra một mùi hương đặc biệt nào đó mà chỉ có khứu giác đặc biệt của chúng mới nhận ra và tụ về đây để cùng thưởng thức, đùa giỡn, hội hè?

Dưới chân mỗi ngọn thác là đầm nước trong xanh, sâu vừa đủ, mát lạnh, thật phù hợp cho người thích bơi lội, hoặc cưỡi thuyền caosu khua mái chèo giỡn cùng sóng nước.

Đêm đầu tiên chúng tôi dựng lều ngủ bên suối Ea Púk. Sau khi đốt lửa ngồi vòng quanh cùng ca hát, đọc thơ và nhâm nhi ly rượu Ama Kông thấm đẫm men rừng, không khí trong lành và lời ru của suối nước lúc trầm lúc bổng đã khiến mọi người chìm sâu vào giấc ngủ. Buổi sáng tỉnh dậy trong rộn ràng tiếng hót của các loài chim và ai cũng phải thốt lên câu: Thật khoan khoái dễ chịu!

Sáng, chúng tôi hăm hở vào rừng. Đã 7 giờ sáng mà sương mù còn chếch choáng mờ ảo trên các vòm lá . Rừng Ea Puk là vùng rừng cận kề của Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô nên được bảo vệ khá tốt: Cây gỗ ken dày, rậm rạp.

01.jpg

Ngay sau khi vừa chạm dốc Cổng Trời dựng đứng chúng tôi đã gặp một cây gỗ lớn chừng 5 người nối vòng tay chưa xuể, cao dễ đến 30m. Mặt trời loé lên trên đỉnh Cổng Trời rọi qua tán cây, tạo thành những tia sáng hình rẻ quạt trông vừa kỳ ảo, vừa hùng vĩ.

Chúng tôi đi dọc một con suối đá, mùa khô không còn nước, chỉ đầy lá khô. Anh bạn dẫn đường là người địa phương bảo: "Cứ lật những hòn đá bên các vũng nước nhất định có cua đá" (cua đá nướng chấm với muối ớt xanh là món nhậu khoái khẩu của dân đi rừng). Và anh lật thử mấy tảng đá, quả nhiên mấy chú cua lồm cồm bò ra...

Theo lối mòn của người đi rừng, sau 3 giờ đi bộ chúng tôi đã lên tới đỉnh cao của rừng Ea Púk. Có loại cây lá xanh biếc, có loại lá non đỏ rực, lại có loại lá vàng tơ óng ả. Hoa dại thì nhiều vô kể, đủ màu sắc.

Trên những thân gỗ cao là các loại phong lan quý của rừng Tây Nguyên như thuỷ tiên, hoả hoàng, đuôi chồn... Nhiều loại dây leo quấn từ thân cây này qua thân cây khác tạo thành những chiếc võng đung đưa, như là thiên nhiên đã sắp đặt sẵn để đón mời những ai đến với rừng ngồi nghỉ chân...

Không phải là loại rừng khộp rụng lá vào mùa khô mà là rừng thường xanh, nên rừng Ea Púk xanh biếc quanh năm. Anh bạn dẫn đường người địa phương cho biết: Cái hay của rừng Ea Púk là mùa mưa ẩm ướt vẫn không có sên, vắt. Giữa rừng thỉnh thoảng lại xuất hiện những trảng cỏ bằng phẳng là nơi sinh sống của các loại động vật móng guốc (như hươu, nai, hoẵng, bò rừng...).

Cũng vì vậy cách đây khoảng 15 năm trở về trước rừng Ea Púk là rừng có mật độ hươu, nai, hoẵng rất cao. Vào rừng giữa ban ngày cũng gặp được hươu, nai. Nhưng do nạn săn bắn bừa bãi trong những năm gần đây đã khiến các loại thú móng guốc gần như cạn kiệt, số cá thể còn lại rất ít và chúng phải thường xuyên ẩn sâu vào các khu rừng rậm để tránh sự săn đuổi của con người.

Ea Púk quả là nơi lý tưởng cho những ai thích du lịch sinh thái và du lịch hoang dã. Và không chỉ có vậy Ea Púk còn là nơi sinh sống của nhiều tộc người như Ê Đê, Tày, Mường, Dao, Mông...

Mỗi tộc người đều có bản sắc riêng rất độc đáo. Nên đến đây du khách còn có thể được thưởng thức các sản phẩm văn hoá: Vào buôn làng xem cảnh nhà cửa, sinh hoạt của đồng bào, hoặc có thể nghe dàn chiêng Ê Đê diễn tấu, nghe đàn tính của người Tày, nghe tiếng khèn của người Mông...
 
Yang Tao lý thú và thác Bìm bịp!

Rừng Yang Tao nằm giữa độ đường từ Buôn Ma Thuột đi khu du lịch nổi tiếng Hồ Lắc. Theo quốc lộ 27, khi còn cách Hồ Lắk khoảng 8 cây số, nhìn về bên trái ta thấy một dãy núi cao, xanh mờ, có những làn mây trắng mỏng lang thang... Ấy là rừng Yang Tao.

Rừng ở đây là loại rừng thường xanh, còn khá rậm rạp. Anh bạn kiểm lâm của huyện Lắc dẫn chúng tôi lần theo lối mòn của dân đi đào măng, tìm thổ sản để tiến sâu vào rừng. Càng vào sâu trong rừng, càng thấy nhiều cây gỗ lớn, với tầng tầng lớp lớp những tán cây xoè trên đầu. Trên các tán lá là đủ loại chim nhảy múa, thánh thót khoe giọng, như chào mào, sáo vàng, khướu đen... và thỉnh thoảng xen vào bản hoà tấu là giọng trầm, mộc mạc của bìm bịp. Đang là mùa mưa nên lá rừng non tơ với đủ màu sắc của hàng trăm thứ cây, như có bàn tay điểm tô của một hoạ sĩ theo trường phái trừu tượng. Lối mòn vòng vèo quanh co, khiến người đi trước, đi sau cũng thoắt ẩn, thoắt hiện như chơi trò ú tim.

Ytao3-233.jpg

Cây ký sinh trên đá ở thác Bìm Bịp.​

Có những bậc đá cao hơn một mét nằm chắn giữa lối đi, khiến chúng tôi phải kéo tay nhau, phải đẩy vào mông nhau mới vượt qua được. Có những đoạn dốc chúng tôi phải cúi rạp người xuống để leo, mặt gần như chạm đất, mồm mũi cùng thi nhau thở. Mồ hôi người nào cũng ướt đầm cả áo. Nhưng ai cũng hăm hở thử sức, hăm hở trèo. Với gần bốn cây số luồn lách và leo trèo như thế, chúng tôi mới đến được thác nước Bìm Bịp, một thắng cảnh hiếm thấy ở vùng đất đông nam Đắc Lắc.

small_16188.jpg

Một phần của thác nước Bìm Bịp​

Suối Bìm Bịp bắt nguồn từ một triền núi cao của dãy Yang Tao, một dãy núi "đàn em" của Cư Yang Sin hùng vĩ. Xung quanh là rừng thường xanh nguyên sinh, với nhiều cây gỗ lớn, tạo nguồn sinh thuỷ bổ sung cho suối không vơi cạn cả trong mùa khô. Vì thế thác Bìm Bịp được khoe vẻ đẹp của mình suốt cả 4 mùa trong năm.

Với bốn tầng đá, cao gần 20 m, dòng nước dội qua từng tầng đá thì xoè ra như chiếc váy nhiều tầng của người đàn bà khổng lồ trong truyện cổ tích của người M'Nông. Đứng dưới chân thác nhìn ngước lên đỉnh buổi trưa ta thấy có bốn áng cầu vồng (ở mỗi tầng thác là một cầu vồng) hiện lên lung linh, đẹp đến mê hồn, bởi những tia nước bắn ra từ các tầng đá như cơn mưa nhỏ được mặt trời chiếu qua tạo nên.

Ytao2-233.jpg

Thảm rêu bên thác Bìm Bịp.​

Hai bên bờ thác có nhiều tảng đá lớn, bằng phẳng như tấm phản rộng cho ta nằm ngửa mình trên đá thư giãn, hoặc bạn bè cùng cầm tay nhau nhảy múa, ca hát quanh đống lửa trại... Đặc biệt ở đây có những tảng đá bám đầy rêu xanh. Xanh và mượt mà, ngỡ như là nhung lụa. Kỳ lạ là trên tấm thảm nhung đó lại có những cây hoa dại nho nhỏ, xinh xinh, sắc vàng, sắc đỏ như thể là những hoa văn do bàn tay thiên nhiên thêu dệt... Ở đây cũng có những loại cây tầm gửi, sống ký sinh trên đá rất lạ lùng bởi cách sắp đặt của lá, của màu sắc lá, khiến chúng tôi ai cũng phải dừng chân đứng ngắm và tròn mắt kinh ngạc...

Một ngày quả là chưa đủ thời gian để chúng tôi khám phá hết vẻ đẹp của rừng Yang Tao và thác Bìm Bịp. Nhưng chỉ với chừng ấy điều được tận mắt, tận tai, tận tay sờ mó, ai cũng cảm thấy chuyến đi thật lý thú. Anh bạn là một doanh nghiệp du lịch cho biết: Nhất định lần này về phải tổ chức tuor du lịch sinh thái nơi đây. Khách du lịch phương Tây, khách du lịch trẻ từ các thành phố lớn đến đây không thể nào không bị "bùa mê" của thiên nhiên..

Có thể nói rằng đây là một điểm du lịch khá mới mẽ và hấp dẫn, thiên nhiên còn rất hoang sơ dường như chưa có sự xâm lấn của con người. Với khu rừng nguyên sinh bao bọc bởi thác Bìm Bịp thật hùng vỹ tuôn chảy suốt đêm ngày. Đến với thác Bìm Bịp bên cạnh việc bạn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng dịu dàng của thác, bạn còn được hòa mình vào thiên nhiên của núi rừng hoang sơ với thảm thực vật rất đa dạng và phong phú.

Đến với thác Bìm Bịp bạn sẽ được tận hưởng những tuyệt tác mà thiên nhiên ban tặng cho con người với những ngọn thác đẹp vốn đang ngủ yên trong rừng sâu nên chưa hề được ai đặt tên, được thưởng thức những món ăn rất độc đáo với nhiều loại gia vị mới lạ mà chỉ nơi đây mới có.

(st)
 
Jenni viết bài hay như phóng viên chương trình "Những miền đất lạ" ấy. Bọn mình dân Miền Bắc qua bài cũng có dịp tìm hiểu thêm phong cảnh Đất Phương Nam nơi chưa có dịp đặt chân. Bạn dẫn anh em đi như "Tây Nguyên Ký" ấy, "Tức cảnh sinh tình" như bạn thật đáng nể.
 
Lần chỉnh sửa cuối:
Jenni ơi cho bố hỏi - Trước đây người ta gọi Ban Mê Thuột nay gọi là Buôn Mê Thuột do xuất xứ từ đâu mà có sự thay đổi như thế.
Cám ơn những bài viết của Jenni để biết về quê hương của con và đất nước của mình.
 
Sory Jenni và bác gân vì tôi đường đột nha. Cái này mình đã được bác Hai mình giải thích 1 lần nhưng không biết chính xác ko thôi.
Buôn ở đây tứ là buôn làng, Ma tức là cha, là người già làng. Thuột là tên của người già làng này. Còn từ Ban Mê Thuộc thì em nhớ không rõ lắm ( vì cũng khá lâu rồi - chắc phải gọi điện về ban Mê hỏi lại quá. hiii) nhưng nó dường như là 1 địa danh thôi.

Phải chi Jenni viết bài sớm sớm hơn 1 năm về trước thì hay biết mấy nhỉ. Ngày ý Chị đi tuần trăng mật tại ĐăkLăk nhưng chỉ đi được vài địa danh mà Bác Hai và anh hai chỉ thôi. Bây giờ đọc bài của em chị thấy tiếc quá. Ước gì....
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Ban Mê Thuột, Ban Mê Thuật, Buôn Ma Thuột, Buôn Mê Thuật.Vậy tên nào mới là tên đúng?

Hiện nay một số sách báo có viết tên địa danh của thủ phủ tỉnh lỵ Daklak nhưng với nhiều tên khác nhau: Ban Mê Thuột, Ban Mê Thuật, Buôn Ma Thuột, Buôn Mê Thuật. Vậy tên nào mới là tên đúng?

Hiện nay có ba cách viết và gọi khác nhau đang được dùng khi giao tiếp, đó là Ban Mê Thuột, Buôn Mê Thuột và Buôn Ma Thuột.

Tên "Đắk Lắk" nguyên là chữ "Dak Lak" thổ ngữ của sắc tộc M'nông. "Dak" có nghĩa là nước, "Lak" là "hồ nước", quân Pháp đổi thành "Darlac" trong thời gian chiếm đóng vùng này.

Dân chúng thường quen gọi tên tỉnh này là Buôn Mê Thuột hơn là Daklak. Theo truyền tụng, Buôn Mê Thuột trước có tên là "Buôn Ma Thuốt", thổ ngữ của sắc tộc Rhadé. "Buôn" là làng, ấp. "Ma" là cha. "Thuốt" là tên con của vị tù trưởng Êdê, ngày xưa đã lãnh đạo dân chúng chống lại những người Cam Bốt và Ai Lao thường tràn qua biên giới cướp phá. Vì vậy, "Buôn Ma Thuốt" được đặt tên để tưởng nhớ vị tù trưởng anh hùng tên Thuốt.

Daklak và Buôn Mê Thuột thuộc lãnh thổ Việt Nam từ trước thế kỷ thứ 14, nhưng chưa được triều đình quan tâm, vì thế chưa có cơ cấu hành chính tại đây. Sau khi quân Pháp đô hộ nước ta, chúng sát nhập Daklak vào nước Lào. Đến ngày 22-11-1904, Pháp lại đặt đất này thuộc Việt Nam và được sáp nhập vào Kontum.

Nhưng đồng bào ta không khuất phục quân thù. Năm 1893 quân Yersin tiến chiếm DakLak. Ba Tù trưởng Y Thu, M'Trang (bộ tộc Bih vùng Buôn Mblot) và Ama Jhao (bộ tộc Ktul) liền tập họp các dân làng Rhadé và M'nong đánh thực dân, đã khiến chúng phải chật vật, hao tổn nhiều nhân lực khi lên tới vùng Buôn Mê Thuột. Dân ta dựa núi rừng làm chiến khu, lấy dáo mác, cung tên làm vũ khí. Nhiều trận đánh ác liệt đã xảy ra tại khu rừng Bandon. Sau hai tù trưởng M'Trang và Ama Jhao sa vào tay giặc và bị giết.

Năm 1894, hai toán quân Pháp theo thung lũng sông Ba và sông Năng đến DakLak để tăng cường kế hoạch "bình định", bị đồng bào M'dhur chặn đánh nên phải rút về đồng bằng. Năm 1899, giặc xây xong căn cứ quân sự tại Bandon và cho tên Bourgoois mang quân đàn áp đồng bào Rhadé Kpa. Năm 1900, tên này lại đến chiếm buôn làng của đồng bào Bih, chuyên sống về nghề nông ở dọc theo hạ lưu sông Krong Ana và Krong Kno, nhưng bị tù trưởng Ngenh chống cự, rồi sau đó kêu dân trốn vào rừng, không để giặc cai trị.

Đến năm 1923, tỉnh DakLak được thành lập và đặt dưới sự cai quản của viên Công sứ quân Pháp tên Sabatier. Vì tham danh lợi, sau khi nhận chức tên công sứ này ngăn cấm không cho người Kinh lập nghiệp ở đây và cũng tìm cách ngăn chặn không cho các nhà tư bản Pháp đến lập đồn điền, để dễ dàng bóc lột đồng bào Thượng và mãi mãi là vua một cõi. Nhưng rồi y cũng bị doanh thương Pháp mua chuộc cấp trên chuyển đi nơi khác.

Dù rằng lệnh cấm này được bãi bỏ vào năm 1930, nhưng người Kinh nào muốn đến DakLak đều phải xin giấy phép hết sức khó khăn. Vào năm 1930, những cuộc nổi dậy của đồng bào ta ở miền Bắc và Nghệ An đã làm quân Pháp lo sợ, chúng liền cho xây một trại giam tù chính trị ở Buôn Mê Thuột và thành lập Tiểu đoàn Sơn cước để bảo vệ nơi này. Trước năm 1975, DakLak có bốn quận lớn là Buôn Mê Thuột, Lạc Thiện, Phước An và Buôn Hồ.

*Lý giải Về tên: Buôn Mê Thuột hay Ban Mê Thuột...

Theo cách lý giải thứ nhất, Buôn Ma Thuột nếu viết chính xác là Buôn Ama Y ThuotBuôn: làng, Ama: cha, Y Thuột: là người có công sáng lập ra buôn làng sớm nhất). Năm 1904, người Pháp thành lập tỉnh Daklak, họ chọn Buôn Ma Thuột làm tỉnh lỵ. Người Pháp dùng tên Ban Mê Thuột trên bản đồ, công văn, sách báo... và tên này tồn tại cho đến ngày nay. Ban Mê Thuột là tiếng Thái - Lào (Ban: tức bản, làng. Mê: là mẹ, Thuột: là tên người). Có điều trái khoáy là địa danh mang tiếng Thái - Lào nằm trên đất của người Êđê. Còn tên Buôn Mê Thuột? Thái - Lào và Êđê. Xét về ngữ học, cách viết này không ổn. Sau năm 1975, Buôn Ma Thuột được thay thế là Ban Mê Thuột và được thống nhất dùng trên bản đồ, công văn, sách báo... Đây là tên gọi đúng nhất, bởi lẽ nó là thổ ngữ Êđê và có liên hệ đến lịch sử hình thành đô thị này.

Cách thứ hai cho rằng trong số các danh từ nêu trên thì Buôn Ma Thuột là tên gọi chính xác nhất. Lý do: nguồn gốc ở Tây Nguyên, người Êđê là dân tộc thiểu số cư ngụ rất lâu đời ở đây. Theo phong tục của họ, con trai khi đã có vợ và con, nếu muốn gọi tên người đàn ông đó thì phải đệm từ "ma" vào trước tên của anh ta. Trong trường hợp nêu trên thì Thuột chính là tên của một người đã sáng lập ra cái buôn đó (cách nay đã hơn 100 năm). Như vậy, Ma Thuột là tên của một người, còn Buôn là tên gọi của làng bản ở Tây Nguyên. Mọi cách viết khác dù na ná nhau nhưng không chính xác.

Và nếu hiểu theo cách thứ ba thì buôn là làng của tộc người Êđê, Ma Thuột là tên của một già làng này, ngày trước rất có uy tín, mang lại ấm no và yên ổn cho nhiều thế hệ trong buôn. Buôn Ma Thuột, nghĩa là làng người Êđê, đứng đầu là cụ già Thuột. Viên chức địa chính xưa không hiểu chữ buôn, cứ coi làng của dân tộc thiểu số là bản. Lại không hiểu Ma Thuột nghĩa là gì, nên viết trệch sang thành Bản Mê Thuật, lâu ngày đánh điện báo (ngày trước không có dấu) chỉ còn lại là Ban Me Thuat. Một số người ưa lãng mạn làm văn thơ gọi tắt là em gái Ban Mê, sương mù Ban Mê, nhiều người nói ngọng theo thổ âm lệch sang thành Bang Mê Thuộc.

Như vậy, địa danh chính thức đã được Quốc hội thừa nhận là Buôn Ma Thuột, thế nhưng đến hôm nay, vẫn có nhiều tổ chức gọi sai, viết sai, dẫn chứng: hãng Hàng không VN vẫn còn ghi sai là "Ban Me Thuot".

(st)
________

@anh sealand: cám ơn anh đã quá khen. Tất cả là search trên google hết đó anh ui!. Tặng anh câu này: "Bạn ơi dẫu ở nơi nào. Ban Mê nắng gió vẫn chào chúng ta. Anh em dù có đi xa. Hãy luôn nhớ mãi ngôi nhà thân thương!". Vâng, mỗi người chúng ta đều có những ngôi nhà rất thân thương, dù đi đâu, làm gì cũng đều không thể nào quên được ngôi nhà ấy!.

@bố: Câu hỏi của bố rất hay. Cám ơn bố!.

@C.Hồng Gấm: chị trả lời đúng rồi đó ạ. Chị ơi, đời còn dài, còn nhiều cơ hội mà chị. Hihi...
 
Nhưng dẫu sao cũng ghi nhận cái "TÂM" của người con quê hương phố núi. Dù đang bộn bề công việc, dù đang ở giữa Thành phố mê mải vẫn có những khoảng lặng dành cho quê hương. Mong chủ đề còn tiếp tục để anh em được "Du lịch" nhiều hơn trên cao nguyên nắng gió ấy.
 
Buôn Đôn!

d8a1ab3.jpg

Cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 50 km về phía Tây-Bắc có một địa danh khá nổi tiếng của Việt Nam : Buôn Đôn là cách gọi của người Êđê và M'nông, còn người Lào thì gọi là Bản Đôn (sắc dân chiếm đa số ở đây khi còn sơ khai) có nghĩa là "Làng Đảo" nghĩa là một ngôi làng được xây dựng trên một ốc đảo của sông Sêrepôk. Đây từng là một trong những điểm giao thương quan trọng của 3 nước Đông Dương

2324912544_265c644689.jpg

Buôn Đôn thuộc xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn (Đăk Lăk), trước đây đã từng là thủ phủ của tỉnh Đắk Lắk, sau này để tiện cho việc phát triển kinh tế xã hội và chiếm giữ một vị trí an ninh quốc phòng chiến lược, người Pháp đã cho dời cơ quan hành chính về Buôn Ma Thuột

2324093803_7d5ce1b9d8.jpg


2324916472_549dbb3ba8.jpg


2324918160_75f21d2694.jpg

Các đặc trưng tiêu biểu của Buôn Đôn:

2324915204_6c789d8ed5.jpg

Sông Serepok

Serepôk (hay Srêpôk), tên gọi trong tiếng Campuchia là Tongle Xrepok, là dòng sông lớn nhất trong hệ thống sông ngòi ở Đắk Lắk dài 406 km . Đây là một chi lưu quan trọng của sông Mê kông. Đoạn chảy trên địa phận Đăk Lăk còn được gọi là sông Đăk Krông.

2324922564_a50388c2b6.jpg

Cuối thế kỷ 19, khi đường bộ còn chưa phát triển, sông Serepôk là một trong những đường giao thương quan trọng trong vùng. Người Lào và Cao Miên thường đi thuyền ngược dòng sông để đến buôn bán, trao đổi hàng hóa với vùng cao nguyên Đắk Lắk của Việt Nam. Bản Đôn ngay từ ngày ấy đã trở thành một thương cảng sầm uất; nơi đây lúc ấy có thể ví như Hội An của Đà Nẵng hay Phố Hiến - Hưng Yên.

Cầu treo


2324100955_1e22d86140.jpg

Cầu treo buôn Đôn là một cây cầu treo thô sơ bằng vật liệu tre nứa để phục vụ nhu cầu du lịch và cũng là tên một địa danh du lịch nổi tiếng của Bản Đôn.

2324921390_bfd7c2d591.jpg

Đây là một cây cầu du lịch được làm bằng vật liệu tre, nứa, song, mây có gia cố thêm cáp sắt. Cầu được bắc trên một cây gừa cổ thụ khổng lồ hàng trăm năm tuổi, mọc ven bờ sông Serepôk đoạn chảy qua Bản Đôn và trùm qua một đảo nhỏ giữa dòng Serepôk. Tán cây bao trùm một diện tích tới trên một ha đất với nhiều gốc do các đoạn rễ phụ tạo thành nên trông rất lạ mắt. Cây cầu dài chừng 1 km, với nhiều phân đoạn gắn kết hài hòa với một hệ thống sàn nghỉ, nhà hàng gia công bằng gỗ cũng hoàn toàn nằn trên cây. Khi đến đây, khách tham quan có thể đi trên cầu để hưởng cái cảm giác lắc lư theo nhịp chân hoặc nghỉ trên các sàn gỗ lơ lửng trên cây giữa dòng sông.
2324104495_3a6356fd30.jpg
 
Buôn Đôn! (tt)

Cầu treo(tt)


117347297de392b77.jpg


2324919960_d4f9e94630.jpg

Nhà sàn cổ

Nhà sàn này được làm theo kiến trúc nhà sàn của dân tộc Lào, là nhà của Khun Yu Nốb. là nhà của một thợ săn voi nổi tiếng ở bản Đôn và được mệnh danh là vua voi. Nhà đã có đến trên 115 năm tuổi; được làm hoàn toàn bằng các lọai gỗ tốt của rừng già Buôn Đôn như Hương, Căm Xe, Cà Chít...

2324942750_e21a1307d1.jpg

Trong nhà hiện trưng bày nhiều kỉ vật về cuộc đời và dụng cụ săn bắt voi của vua Voi Bản Đôn và những người kế tục

2324927740_419782b4cf.jpg

Trong lịch sử Buôn Đôn có những con voi vô cùng quý hiếm. Đó là 3 con Bạch Tượng, một cống nạp cho vua Thái Lan (cuối thế kỷ XVIII), một dành tặng vua Bảo Đại và một được Ngô Đình Diệm, Tổng thống chế độ Việt Nam Cộng Hoà thu nhận.

14iy9.jpg

Lên Buôn Đôn thì nên ăn cơm lam với gà nướng Bản Đôn, uống rượu A Ma Công.

Rượu A Ma Công

Được ngâm từ thang thuốc gồm độc nhất lá và thân, rễ cây Trơng, một loài cây mọc trong rừng già Buôn Đôn. Do nó có một công dụng rất hiệu qủa cho qúy ông và được báo chí nhắc đến rất nhiều nên được nhiều người biết đến tìm mua như một đặc sản, một món quà quý mang đậm chất Bản Đôn.

Rượu lấy theo tên A Ma Công là một huyền thoại sống của vùng Bản Đôn, đến năm 2007 ông khoảng 90 tuổi vẫn đang còn khỏe mạnh. Ông là cháu 3 đời của vua voi Khun Yu Nốb, bản thân ông cũng là một Gru kỳ cựu, trong đời đã săn được trên 100 con voi.

Người Bản Đôn nói rằng với bài thuốc của mình năm 75 tuổi A Ma Công vẫn rất cường tráng còn lấy thêm người vợ thứ tư và đã sinh thêm được một người con trai.

2324108957_13607eb532.jpg

Gà nướng Bản Đôn

Gà nướng Bản Đôn là một món đặc sản không thể không thưởng thức khi các bạn đến với Bản Đôn. Là loại “gà đồng bào” nuôi thả trong vườn được nướng tay và không ướp bất cứ một gia vị gì, khi ăn chấm với muối sả và ớt cùng với cơm Lam.

2324928844_5c2faa2fb4.jpg

Thơm nhất là con, ngon nhất là cơm​

Nhiều người cho rằng, đến ĐăkLăk mà chưa đến Buôn Đôn thì coi như chưa lên ĐăkLăk; như vậy có thể nói Buôn Đôn có một vị trí rất quan trọng trong các danh lam, thắng cảnh của vùng Tây Nguyên trù phú này.

2324099453_ce915b564a.jpg
 
Buôn Đôn! (tt)

2324924794_6777d66902.jpg


2324915920_c11b50f7e3.jpg


2324917216_f032d7b891.jpg


117347297fdfd7607.jpg


117347297de39cb98.jpg

Tổ chim truyền thống nhưng không kém phần lãng mạn. Đồng bào ở đây bảo tổ chim này là tổ của loài chim Ròng rọc.

(st)​
 
Jenni cho chị hỏi tí: Dường như ở Khu du lịch Bản Đôn có nhiều khu du lịch? Vì chị nhớ 2 lần chị đến đây chơi đều được đi cầu treo nhưng chúng lại khác nhau.
 
Jenni cho chị hỏi tí: Dường như ở Khu du lịch Bản Đôn có nhiều khu du lịch? Vì chị nhớ 2 lần chị đến đây chơi đều được đi cầu treo nhưng chúng lại khác nhau.

Đúng rồi, vì đó là "cầu 1 chiều", giống như đường 1 chiều vậy, chiều đi và chiều về.
Vì vậy đi 2 lần sẽ là 2 cây cầu khác nhau.

Be be be!:-=:-=
 
Chịu thua bác bab luôn. Mình hỏi thiệt mà vì 1 lần đi chung với cty cũ được người quen dẫn đường và 1 lần thì tự tìm đến. Lần đầu đến đó có hướng dẫn viên hướng dẫn, kể sự tích của bản Đôn, của dòng sông Serapok, về các dân tộc ở đó, có các mô hình nhà sàn của đồng bào, có cầu treo, không bị lắc lư. Còn lần sau mình trở lại cùng với ông xã thì vào đúng nơi toàn cầu treo và cưỡi voi thôi. Cầu treo thì đi lên nó lắc lư như võng, chẳng có người hướng dẫn viên nào tiếp đón, hướng dẫn ngoài người bán vé
 
Web KT

Bài viết mới nhất

Back
Top Bottom