Trước tiên cần nói cho rõ là Min, Max của 2 số, có suy luận tương đương 1 hàm If. Nhưng không thể nói ngược lại "If tương đương Min hoặc Max"
Vì nếu If so sánh 2 số với nhau, rồi nếu thỏa điều kiện lấy số thứ 3, ngược lại lấy số thứ 4, thì không dùng Min, Max thay thế được. Ngoài ra, dùng If để lấy kết quả text thì có phải Min, max đâu.
Thế nên chỉ có thể nói If dùng phương pháp loại trừ. Nếu thỏa điều kiện thì lấy giá trị A, ngược lại lấy giá trị B tức là: sau khi loại trừ các trường hợp thỏa điều kiện, còn lại tất cả các trường hợp khác, lấy giá trị B.
Thí dụ: If(X=1, 5, 10) sẽ xét 1 số X có bằng 1 hay không, thì lấy giá trị 5, còn tất cả trường hợp khác sau khi loại trừ số 1 ra (X = 2, 3, 4, ..., -1, -2, ...), hàm If sẽ lấy giá trị 10.
Tựa như cô Tấm nhặt đậu xanh và đậu đỏ lẫn lộn trong rổ: nhặt hết đậu đỏ bỏ ra ngoài thì trong rổ còn lại đậu xanh.
Mở rộng ra 2 điều kiện, dùng 2 If lồng nhau, tựa như cô Tấm nhặt 3 loại đậu xanh, đỏ, trắng lẫn lộn: nhặt đậu xanh trước, còn lại đỏ và trắng, nhặt tiếp đỏ còn lại trắng đó mà.
Nhân nói đến cô Tấm nhặt đậu:
1.Nếu trong rổ có 2 loại xanh và đỏ, cô Tấm sẽ nhặt loại nào ra trước? Nếu là tôi, tôi sẽ xem loại nào ít hơn, tôi nhặt ra trước. Có phải làm vậy sẽ nhanh hơn không?
2. Nếu trong rổ có nhiều loại đậu, và yêu cầu lấy riêng đậu trắng nấu xôi, còn xanh đỏ tím vàng thì bỏ vào nồi chè tất tần tật, thì bạn nhặt loại đậu nào? Đừng nói là nhặt xanh trước, đến đỏ, đến vàng, rồi đến trắng nhặt sau à nha.
Áp dụng vào If: Bạn sẽ chọn cách nào trong 2 cách sau:
If(Or(A1="đỏ", A1="xanh"), "nấu chè", "nấu xôi")
If(A1="trắng", "nấu xôi", "nấu chè")
Đấy, cũng là loại trừ, nhưng ta sẽ loại trừ ít ra, còn lại nhiều, thay vì loại nhiều ra, còn lại ít.