2) TẠI SAO PHẢI LUÔN TỰ TIN:
i) Không gì là không thể:
Anh sẽ kể cho các em nghe một câu chuyện để mỗi người trong các em tự tìm được câu trả lời riêng cho mình. Đây là một câu chuyện trong lĩnh vực thể thao. Cách đây hơn nửa thế kỉ, loài người đã luôn tin rằng con người không thể chạy 1 dặm (1.6 km) trong vòng 4 phút được. Thậm chí các nhà Vật Lý Học, Sinh Vật Học, Y Học cũng xúm vào để đưa ra những bằng chứng chứng minh rằng việc chạy 1 dặm trong vòng 4 phút là nằm ngoài khả năng của con người. Và thế là trong suốt một thời gian dài, các vận động viên chỉ cố gắng tìm mọi cách để rút ngắn thời gian chạy về gần con số 4 phút mà thôi. Mọi chuyện cứ tiếp diễn như thế nếu như không có một ngày, một sinh viên người Anh tên là Roger đã phá được kỉ lục 4 phút trong sự ngỡ ngàng của bao vận động viên chuyên nghiệp. Và câu chuyện kì diệu không chỉ dừng lại ở đó, chỉ sau 1 năm, đã có hơn 300 người phá được kỉ lục trên, và sau 5 năm, đã có hơn 3 triệu người phá được kỉ lục đó. Tại sao lại như vậy? Hy vọng mỗi người trong các em sẽ tự tìm ra cho mình một câu trả lời hợp lý.
ii) Sức mạnh của niềm tin:
Có một phát biểu tuyệt vời về vấn đề này. Đó là: “Dù cho các em có tin rằng mình sẽ thành công hay thất bại thì các em cũng sẽ luôn đúng.” Anh nhắc lại: “Nếu các em tin rằng mình sẽ thành công, các em sẽ đúng. Nếu các em tin rằng mình sẽ thất bại, các em cũng sẽ đúng.” Bởi vì khi các em tin rằng mình sẽ thất bại thì lúc đó các em đã vô tình tắt hết khả năng sáng tạo tuyệt vời của bộ não và khi đó các em chỉ có thể sử dụng thậm chí không đến 1% tiềm năng của mình. Còn khi các em luôn tin rằng mình sẽ thành công thì khi đó tiềm năng vô hạn của các em bắt đầu được giải phóng, bộ não của các em luôn rộng mở cho những ý tưởng mới, cho nhưng cơ hội khả thi. Không sớm thì muộn, cơ hội thực sự sẽ đến với các em hoặc chính các em là người tạo ra cơ hội đó.
iii) Hãy luôn luôn tin tưởng:
Điều quan trọng nhất trong buổi nói chuyện hôm nay anh muốn chia sẻ với các em đó là: Hãy luôn ngẩng cao đầu mà sống, hãy luôn mỉm cười và luôn tin tưởng vào tương lai phía trước. Dù cho có bao nhiêu khó khăn trước mặt, dù cho số phận có làm cho các em phải nản lòng, dù cho những thất bại đau đớn khiến cho các em phải bật khóc. Hãy tin anh, và tin tưởng vào tương lai của mình. Bởi vì mọi chuyện xảy ra đều có nguyên nhân của nó, và mỗi trở ngại xuất hiện trên đường đời chỉ là một cơ hội để tôi luyện, để phát triển, để thoát ra khỏi sự tầm thường trong cuộc sống, để làm mình khác biệt với những người xung quanh. Và biết đâu chính trong những giây phút khó khăn đó, các em sẽ phát hiện ra cái tôi phi thường đang ngủ say bên trong mình. Thế nên các em đừng bao giờ chịu cúi đầu trước những nghịch cảnh của cuộc đời, hãy ngẩng cao đầu, mỉm cười và giữ cho trí tuệ của mình luôn rộng mở. Và cuối cùng các em sẽ nhận ra rằng mình thực sự là người cực kì may mắn. Để có một kết thúc hợp lý cho phần này, anh sẽ chia sẻ cho các em 2 trải nghiệm của chính bản thân anh. Hy vọng rằng các câu chuyện này sẽ giúp được các em trong cuộc sống của mình.
iv) Câu chuyện 1:
Là câu chuyện về một trải nghiệm của anh trong việc tự học Tiếng Anh. Như các em đều biết trước kia anh là người mù chữ Tiếng Anh, một chữ bẻ đôi cũng không biết. Mãi cho đến năm thứ 3 đại học, khi nhận được học bổng đi làm tiến sĩ trong 5 năm ở Standford anh mới thực sự quyết tâm học Tiếng Anh (Vì Standford là một trong 10 trường mạnh nhất thế giới nên yêu cầu Tiếng Anh đầu vào cũng khắt khe nhất thế giới). Nhưng khi bắt đầu anh mới nhận ra rằng học Tiếng Anh khó quá, khó kinh khủng, nhất là phần nghe. Anh tập nghe mãi mà vẫn chẳng nghe được. Trong khi những đứa bạn của anh chỉ tập một tí đã nghe được lõm bõm rồi, còn mình thì một tí cũng chẳng nghe được, thậm chí cầm giấy nhìn vào lời thoại cũng không nghe ra được tại sao nó lại đọc như thế. Lúc đó anh thực sự cảm thấy lo lắng và tự nhủ: chắc tai mình có vấn đề mất rồi.
Sau đó anh đi khám ở bệnh viện Bạch Mai và sau một buổi sáng chờ đợi, bác sĩ bảo với anh rằng: “Tai phải của cháu hỏng rồi, không chữa được. Còn tai trái cũng đang có dấu hiệu nghe kém. Nếu có triệu chứng gì như ù tai, đau tai, ... thì cháu phải đi khám và chữa trị ngay....”
Lúc đó anh sững sờ, không tin vào tai mình nữa. Thẫn thờ về đến nhà, anh không ngừng khổ sở dằn vặt, tự trách số phận sao mà bất công thế (mình sinh ra đã bị cận rồi thế mà bây giờ còn bị điếc nữa!) Những ngày sau đó anh còn không dám tập nghe Tiếng Anh nhiều vì sợ điếc nốt tai bên kia thì chết. Thế nhưng chuyện gì cần làm thì vẫn phải làm, học bổng 90.000 đô một năm thật sự quá hấp dẫn khiến anh lấy lại sự quyết tâm cần thiết.
Anh tự nhủ: mình có thể nghe được Tiếng Việt thì mình cũng có thể nghe được Tiếng Anh. Vấn đề không phải là tai kém, mà vấn đề là âm của mình không tốt. Thể là anh bỏ ra 1 năm rưỡi chỉ để luyện âm (Những thứ đó học sinh Level 1 hiện nay chỉ cần học trong 4,5 tháng, nhưng do lúc đó anh tự học không có hướng dẫn nên mất nhiều thời gian hơn.) Và sau đó anh luyện được cảm giác âm tốt đến mức chỉ cần nghe một câu là có thể nhắc lại được y hệt câu đó mặc dù nhiều lúc chẳng hiểu gì. Và anh mất thêm 1 năm rưỡi nữa để đạt được điểm Tiếng Anh cần thiết.
Nhưng đó chưa phải là phần quan trọng nhất của câu chuyện, chính nhờ quãng thời gian luyện âm gian khổ mà sau đó anh nhận ra khả năng về âm của mình tốt hơn bất kì một người được đào tạo chuyên nghiệp nào và hơn thế nữa anh biết các phương pháp tự học để đạt được khả năng như thế. Nhờ vậy anh đang có cơ hội giúp đỡ hàng nghìn người và biết đâu sẽ còn giúp đỡ được hàng triệu người trong tương lai nhờ vào các phương pháp tự học mà anh đã tự tạo ra cho mình.
Bây giờ nhìn lại, anh luôn thầm cảm ơn số phận đã cho anh bị điếc, đó thực sự là một món quà vô giá. Vì nếu không có món quà đó thì anh chắc chắn đã không thể có được ngày hôm nay.
v) Câu chuyện 2:
Là câu chuyện diễn ra sau này, khi những trải nghiệm đã giúp anh thấu hiểu những điều kì diệu của cuộc sống. Câu chuyện này diễn ra khi LEF đã phát triển được một thời gian. Lúc đó số lượng học sinh tăng lên rất nhiều mà phòng học thì không đủ. Thể là anh quyết định nhờ chủ nhà xây một trung tâm dành riêng cho LEF. Về giá cả đã thỏa thuận rõ ràng và tuy nó hơi cao nhưng cũng là chấp nhận được vì dù sao mình cũng đang cần. Thế nhưng một tháng sau chủ nhà đòi tăng giá với lý do rằng lúc đó giá cả vật liệu tăng cao hơn so với dự kiến. Cuối cùng dự án đó đành phải bỏ vì giá thuê cao quá không thể kham nổi. Lúc đó anh đã rất buồn vì mọi thứ đã lên kế hoạch rồi bây giờ tan tành hết.
Thế nhưng nhờ đã từng trải qua nhiều trở ngại tương tự trong cuộc sống nên anh đã nhận ra rằng: mọi chuyện xảy ra đều có nguyên nhân của nó. “Nhất định phải có lý do gì đó nên ông trời mới cố tình phá vỡ vụ làm ăn này!” Anh tự nhủ “Biết đâu ông trời đã chuẩn bị sẵn một căn nhà tuyệt vời dành cho mình nên mới cố tình làm như vậy để buộc mình phải đi tìm căn nhà tuyệt vời đó.”
Nghĩ vậy nên anh quyết định phải đi tìm căn nhà đó bằng mọi giá. Anh in rất nhiều tờ rơi tìm thuê nhà. Và trong 2 tuần liền cứ 11 giờ tối là anh lại đi khắp nơi để dán. Dù cho có nhiều lần bị xé hết, bị bảo vệ mắng, ... nhưng anh vẫn kiên trì vì biết chắc một căn nhà như thế đang đợi mình. Và cuối cùng, ngôi nhà đó cũng xuất hiện. Một căn biệt thự rộng 200m2¬¬ ở ngay gần trường HVTC với nhiều phòng học thoải mái – chính là cơ sở 2 của LEF hiện nay.
vi) Tóm lại:
Anh nhắc lại điều quan trọng nhất mà anh muốn chia sẻ với các em ngày hôm nay.
Đó là: Hãy luôn luôn tin tưởng. Tin rằng mọi chuyện xảy ra đều có nguyên nhân của nó. Tin rằng mỗi bất lợi đều mang trong mình hạt mầm của một lợi thế tương đương. Và tin rằng mỗi bất hạnh chính là một món quà trá hình mà cuộc đời ban tặng. Hãy dũng cảm đón nhận nó bằng tất cả trí tuệ, trái tim và nghị lực của mình. Và đừng quên: Hãy luôn mỉm cười nữa!
C) TỰ HỌC:
1) TỰ HỌC TIẾNG ANH:
i) Tự tin tự học:
Anh hy vọng rằng những chia sẻ của anh góp phần giúp các em hiểu được tầm quan trọng của tự tin trong việc thực hiện bất kì một mục tiêu nào, dù cho nó có khó khăn đến đâu. Bởi vì khi các em không tự tin thì không còn gì để nói, gần như chắc chắn các em sẽ thất bại. Thế nên anh muốn hỏi các em: “Những ai tin chắc rằng mình có thể học được Tiếng Anh thì giơ tay lên! Giơ tay cao lên!” “Tốt lắm! Đúng là tư chất tốt có khác!”
ii) Tự học ở LEF:
Mặc dù đúng là LEF có một hệ thống giáo trình rất tuyệt vời nhưng đó không phải là thứ anh tự hào nhất khi xây dựng LEF. Thứ làm cho anh cảm thấy tự hào và vô cùng hãnh diện đó chính là văn hóa tự học ở LEF. Mỗi khi bạn bè hỏi “Tại sao học sinh của mày giỏi thế?” anh lại ngẩng cao đầu hãnh diện trả lời: “Bọn nó tự học hết đấy, tao có dạy được gì đâu!” Quả thật không ở đâu mà học sinh lại tự học một cách khủng khiếp như ở LEF. Bất kì một học sinh nào khi hòa mình vào LEF đều cảm thấy việc tự học là đương nhiên, việc thức dậy từ 5h sáng để học Tiếng Anh là rất bình thường. Và đối với các em, việc mình tiến bộ thần tốc là một điều chẳng có gì đáng ngạc nhiên vì có quá nhiều người xung quanh cũng làm được điều tương tự.
iii) Hệ thống khích lệ của LEF:
Tất nhiên không phải ngẫu nhiên mà học sinh ở LEF lại có thể tự học một cách khủng khiếp như thế. Tất cả là nhờ vào hệ thống khích lệ mà anh đã tốn biết bao tâm huyết để gây dựng nhằm duy trì quyết tâm tự học và niềm tin mãnh liệt của học sinh vào khả năng tự học Tiếng Anh của mình. Hệ thống khích lệ gồm có 5 nhân tố sau:
+) Các buổi nói chuyện của anh (Đặc biệt là buổi nói chuyện đầu tiên.)
+) Tấm gương tự học của bản thân anh.
+) Tấm gương tự học của các bạn trợ giảng.
+) Hệ thống kỷ luật thép.
+) Tấm gương tự học của bạn bè cùng lớp.
2) PHƯƠNG PHÁP TỰ HỌC:
i) Luôn luôn tự tin:
Các em hãy luôn luôn tin tưởng. Tin tưởng vào tiềm năng khủng khiếp đang ẩn giấu bên trong mình, tin tưởng vào tương lai phía trước. Tin tưởng rằng nhất định phải có lý do gì đó nên mình mới đến với cuộc đời này, nhất định phải có những điều kì diệu đang chờ ta thực hiện. Hãy dẹp bỏ tất cả những giới hạn và hãy luôn tự nhủ rằng: “Mình sinh ra là để thành công chứ không phải để thất bại.” Hãy kiên trì đến cùng để bảo vệ niềm tin đó. Và hãy bắt đầu tự học. Tự học để chứng minh cho mọi người thấy rằng các em đã đúng, rằng quả thật trên đời này chẳng có giới hạn nào ngoài những giới hạn ta tự đặt ra cho chính mình.
ii) Học thứ mình thích:
Anh nhận thấy rằng, khi anh học những gì mình thích điều đó thật dễ dàng làm sao, nó thật thoải mái, phơi phới như cậu nhóc với đống đồ chơi mới mua vậy. Khi đó anh thấy năng lực tiếp thu của mình là tối đa, khả năng sáng tạo của mình là vô hạn và hiệu quả việc học đó mang lại là không tưởng nhưng quan trọng nhất vẫn là anh thích thú nó, anh hăng say và cảm thấy hạnh phúc với nó, điều đó vẫn luôn là điều quan trọng nhất.
iii) Học và áp dụng ngay:
Hãy học những gì các em có thể ứng dụng ngay vào cuộc sống và công việc. Anh nhận thấy hiệu quả của phương pháp này khi đọc quyển sách “Đắc nhân tâm” và áp dụng nó vào việc xin tài trợ cho chương trình hướng nghiệp – một chương trình khá lớn do anh và những người bạn cùng tổ chức, và khi bắt đầu sự nghiệp anh đọc những cuốn sách về kinh tế, về nghệ thuật bán hàng. Sự học lúc đó thật sự có ích và mang lại nhiều kết quả không ngờ. Các em hãy thử áp dụng, học và thực hành ngay, đừng cố ghi nhớ vì điều đó là không thể, hãy thực hành tất cả những gì học được thì mới mong biến những điều các em đọc được thành kiến thức của mình.
iv) Luôn sẵn sàng học hỏi:
Học không có nghĩa là phải tới trường mới gọi là học, học không có nghĩa là ôm sách đọc mới gọi là học, một cậu bé bán vé số có thể là thầy của chúng ta, một con chó trung thành, yêu thương vô điều kiện cũng có thể là một người thầy đáng kính. Sự học ở khắp mọi nơi, vấn đề là các em tham lam tớ mức nào. Người Trung Quốc có một câu thành ngữ rằng “ Khi học trò sẵn sàng người thầy sẽ xuất hiện”. Hãy luôn đặt mình vào trạng thái sẵn sàng học hỏi, tiếp thu, gạt qua một bên tất cả những định kiến để lắng nghe một cách chân thành, biết đâu các em đang tiếp cận một góc nhìn mới làm phong phú hơn vốn hiểu biết của mình mà có thể các em sẽ phải trả giá bằng thất bại thì mới biết được nó.
v) Học có chọn lọc:
Việc tự học cũng cần phải cân nhắc lựa chọn, cũng như chọn bạn mà chơi, ta phải biết chọn kiến thức mà học. Ngày nay, kiến thức tràn ngập mọi nơi, tốt có, xấu có, vô vàn những tài nguyên kiến thức cho chúng ta lựa chọn: sách, báo, tạp chí, internet, hội thảo, … trong một thực đơn phức tạp như thế hãy là một người tự học thông minh để lựa chọn cho mình những “món” kiến thức cần thiết.
vi) Đừng chạy theo bằng cấp:
Một người thầy mà anh rất kính trọng đã từng nói với anh rằng: “Do not rely so much on learning at institutions. And do not use degrees to measure one’s KNOWLEDGE, SUCCESS and KIND-HEARTEDNESS.”
Tạm dịch là: “Đừng dựa dẫm quá nhiều vào việc học ở nhà trường. Và đừng bao giờ mang bằng cấp ra để đánh giá KIẾN THỨC, SỰ THÀNH CÔNG, và LÒNG TỐT BỤNG của một con người.”
Quả thật để đánh giá một con người thì có 3 tiêu chí quan trọng nhất đó là: KIẾN THỨC, SỰ THÀNH CÔNG và LÒNG TỐT BỤNG. Thế nhưng bằng cấp lại chẳng hề nói lên chút gì về cả ba khía cạnh này cả. Vì vậy đừng cố gắng chạy theo những thứ hoa mỹ giả tạo, hãy làm những điều mình thực sự yêu thích và học những thứ mình thực sự cảm thấy cần thiết.
vii) Cùng giúp mọi người tự học:
Biển cả bao la luôn bắt nguồn từ những dòng suối nhỏ, sự học của quốc gia dân tộc là to lớn nhưng cũng bắt đầu bằng những tâm huyết ắp đầy của thanh niên chúng ta. Chính vì vậy chúng ta ngay hôm nay phải bắt đầu từ những thay đổi nhỏ, đừng đi một mình, đồng hành với chúng ta luôn có những người bạn, hãy giúp đỡ mọi người và mọi người sẽ giúp đỡ các em. Hãy tham gia một cộng đồng và cam kết cũng nhau phát triển, nếu không tìm ra được một cộng đồng nào như thế thì hãy tự lập ra nó.
3) THAY LỜI KẾT:
Cuối cùng anh muốn trích dẫn một câu ngạn ngữ nổi tiếng rằng “Trời chỉ giúp những người tự giúp mình”. Thay vì ngồi đợi xã hội thay đổi, kinh tế thay đổi, trông mong thầy cô của mình thay đổi thì tốt hơn hết hãy từ bỏ những ý nghĩ đó đi và tìm cho mình một con người mới, một cộng đồng mới, hãy tự học, tự học và tự học không ngừng nghỉ. Có thể sự cố gắng của các em trong ngắn hạn sẽ chưa được đáp đền xứng đáng nhưng hãy cứ kiến trì. Đừng khoan nhượng!
Lê Thanh Tùng
Nguồn:
https://docs.google.com/viewer?a=v&q=cache:NZ9sxigUb3sJ:lef.edu.vn/Portals/21052/0%2520NEWS/00%2520%25u0110%25u01AF%25u1EDCNG%2520L%25u1ED0I%2520LEF.pdf+&hl=vi&gl=vn&pid=bl&srcid=ADGEESj_Va3gu6AWFBcEMtVP-JEode1ARWbELwZHpMUVUO7wa6bHNoO0EM8pOyFGaWciBZEuhmuerA_0hEilBlqxK_V4cLdv_91TXSiIqynK50vmmGdg8Pl40dqZHaF-YUQGRvDCM3V8&sig=AHIEtbR0L3TUF60WhwL_smXQEor9rRfa7A