BHXH - Khái niệm và bản chất

Liên hệ QC

KVP

Thành viên thường trực
Tham gia
7/7/07
Bài viết
218
Được thích
301
Nghề nghiệp
Cộng đồng
BHXH - Khái niệm và bản chất Sự cần thiết khách quan
Để hiểu rõ khái niệm về bản chất của BHXH có nhiều cách tiếp cận khác nhau và một trong cách tiếp cận là từ xã hội và lịch sử.
Con người muốn tồn tại và phát triển trước hết phải ăn, mặc, ở... Để thỏa mãn nhu cầu tối thiểu này, con người phải lao động làm ra những sản phẩm cần thiết. Của cải xã hội càng nhiều, mức độ thoả mãn nhu cầu càng cao, có nghĩa là việc thoả mãn nhu cầu phụ thuộc vào khả năng lao động của con người. Trong thực tế cuộc sống, không phải người lao động nào cũng có đủ điều kiện về sức khỏe, khả năng lao động hoặc những may mắn khác để hoàn thành nhiệm vụ lao động, công tác hoặc tạo nên cho mình và gia đình một cuộc sống ấm no hạnh phúc. Ngược lại, người nào cũng có thể gặp phải những rủi ro, bất hạnh như ốm đau, tai nạn, hay già yếu, chết hoặc thiếu công việc làm do những ảnh hưởng của tự nhiên, của những điều kiện sống và sinh hoạt cũng như các tác nhân xã hội khác... Khi rơi vào các trường hợp đó, các nhu cầu thiết yếu của con người không vì thế mà mất đi. Trái lại, có cái còn tăng lên, thậm chí còn xuất hiện thêm nhu cầu mới. Bởi vậy, muốn tồn tại, con người và xã hội loài người phải tìm ra và thực tế đã tìm ra nhiều cách giải quyết khác nhau. Để khắc phục những rủi ro, bất hạnh giảm bớt khó khăn cho bản thân và gia đình thì ngoài việc tự mình khắc phục, người lao động phải được sự bảo trợ của cộng đồng và xã hội. Sự tương trợ dần dần được mở rộng và phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau. Những yếu tố đoàn kết, hướng thiện đó đã tác động tích cực đến ý thức và công việc xã hội của các Nhà nước dưới các chế độ xã hội khác nhau. Trong quá trình phát triển xã hội, đặc biệt là từ sau cuộc cách mạng công nghiệp, hệ thống BHXH đã có những cơ sở để hình thành và phát triển. Quá trình công nghiệp hoá làm cho đội ngũ người làm công ăn lương tăng lên, cuộc sống của họ phụ thuộc chủ yếu vào thu nhập do lao động làm thuê đem lại. Sự hẫng hụt về tiền lương trong các trường hợp bị ốm đau, tai nạn, rủi ro, bị mất việc làm hoặc khi về già..., đã trở thành mối đe doạ đối với cuộc sống bình thường của những người không có nguồn thu nhập nào khác ngoài tiền lương. Sự bắt buộc phải đối mặt với những nhu cầu thiết yếu hàng ngày đã buộc những người làm công ăn lương tìm cách khắc phục bằng những hành động tương thân, tương ái (lập các quỹ tương tế, các hội đoàn...); đồng thời, đòi hỏi giới chủ và Nhà nước phải có trợ giúp bảo đảm cuộc sống cho họ. Năm 1850, lần đầu tiên ở Đức, nhiều bang đã thành lập quỹ ốm đau và yêu cầu công nhân phải đóng góp để dự phòng khi bị giảm thu nhập vì bệnh tật. Từ đó, xuất hiện hình thức bắt buộc đóng góp. Lúc đầu chỉ có giới thợ tham gia, dần dần các hình thức bảo hiểm mở rộng ra cho các trường hợp rủi ro nghề nghiệp, tuổi già và tàn tật. Đến cuối những năm 1880, BHXH đã mở ra hướng mới. Sự tham gia là bắt buộc và không chỉ người lao động đóng góp mà giới chủ và Nhà nước cũng phải thực hiện nghĩa vụ của mình (cơ chế ba bên). Tính chất đoàn kết và san sẻ lúc này được thể hiện rõ nét: mọi người, không phân biệt già - trẻ, nam - nữ, lao động phổ thông - lao động kỹ thuật, người khoẻ - người yếu mà tất cả đều phải tham gia đóng góp vì mục đích chung.
Mô hình này của Đức đã lan dần ra châu Âu, sau đó sang các nước Mỹ Latin, rồi đến Bắc Mỹ và Canada vào những năm 30 của thế kỷ XX. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, BHXH đã lan rộng sang các nước giành được độc lập ở châu á, châu Phi và vùng Caribê. BHXH dần dần đã trở thành một trụ cột cơ bản của hệ thống An sinh xã hội và được tất cả các nước thừa nhận là một trong những quyền con người.
Sự xuất hiện của BHXH là một tất yếu khách quan khi mà mọi thành viên trong xã hội đều cảm thấy sự cần thiết phải tham gia hệ thống BHXH và sự cần thiết được BHXH. Vì vậy, BHXH đã trở thành nhu cầu và quyền lợi của người lao động và được thừa nhận là một nhu cầu tất yếu khách quan, một trong những quyền lợi của con người như trong Tuyên ngôn nhân quyền của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã nêu.

Khái niệm về BHXH và các khái niệm khác có liên quan Bảo hiểm xã hội
Từ cách tiếp cận này, có thể nêu khái niệm về BHXH như sau:
“BHXH là sự tổ chức bảo đảm bù đắp hoặc thay thế một phần thu nhập cho người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập từ nghề nghiệp do bị giảm hoặc mất khả năng lao động hoặc sức lao động không được sử dụng, thông qua việc hình thành và sử dụng một quỹ tài chính do sự đóng góp của các bên tham gia BHXH và các nguồn thu hợp pháp khác, nhằm góp phần đảm bảo an toàn kinh tế cho người lao động và gia đình họ; đồng thời góp phần bảo đảm an toàn xã hội”.
Từ các giác độ khác, cũng có thể có những khái niệm khác nhau về BHXH. Ví dụ:
- Từ giác độ pháp luật: BHXH là một chế độ pháp định bảo vệ người lao động, sử dụng tiền đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động, người lao động và được sự tài trợ, bảo hộ của Nhà nước, nhằm trợ cấp vật chất cho người được bảo hiểm và gia đình trong trường hợp bị giảm hoặc mất thu nhập bình thường do ốm đau, tai nạn lao động, thai sản, hết tuổi lao động theo quy định của pháp luật (hưu) hoặc chết.
- Từ giác độ tài chính: BHXH là thuật (kỹ thuật) chia sẻ rủi ro và tài chính giữa những người tham gia bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
- Từ giác độ chính sách xã hội: BHXH là một chính sách xã hội nhằm đảm bảo đời sống vật chất cho người lao động khi họ không may gặp phải các “rủi ro xã hội”, nhằm góp phần đảm bảo an toàn xã hội….
Bản chất của BHXH
BHXH là sản phẩm tất yếu của nền kinh tế hàng hóa. Khi trình độ phát triển kinh tế của một quốc gia đạt đến một mức độ nào đó thì hệ thống BHXH có điều kiện ra đời phát triển. Vì vậy, các nhà kinh tế cho rằng, sự ra đời và phát triển của BHXH phản ánh sự phát triển của nền kinh tế. Một nền kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân thấp kém không thể có một hệ thống BHXH vững mạnh được. Kinh tế càng phát triển, hệ thống BHXH càng đa dạng, các chế độ BHXH ngày càng mở rộng, các hình thức BHXH ngày càng phong phú.
Thực chất BHXH là sự tổ chức “đền bù” hậu quả của những “rủi ro xã hội” hoặc các sự kiện bảo hiểm. Sự đền bù này được thực hiện thông qua quá trình tổ chức và sử dụng quỹ tiền tệ tập trung hình thành do sự đóng góp của các bên tham gia BHXH và các nguồn thu hợp pháp khác của quỹ BHXH. Xét trên phạm vi toàn xã hội, BHXH là một bộ phận của GDP, được xã hội phân phối lại cho những thành viên khi phát sinh nhu cầu BHXH như ốm đau, sinh đẻ, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, già yếu, chết...
Phân phối theo chiều dọc là sự phân phối giữa những người khỏe mạnh cho người ốm đau, bệnh tật; giữa những người trẻ cho người già; giữa những người không sinh đẻ (nam giới) và người sinh đẻ (nữ giới); giữa những người có thu nhập cao và người có thu nhập thấp... Để dễ hình dung có thể dùng “lát cắt ngang” vào một tập hợp những người đang và đã tham gia BHXH vào bất kỳ thời điểm nào vào bất kỳ “đoạn” nào của tập hợp ta đều có thể thấy được mối quan hệ của sự phân phối này. ở lát cắt này có cả người mới tham gia BHXH, người đang hưởng BHXH; người khỏe mạnh, người ốm đau; người già, người trẻ; người có thu nhập cao, người có thu nhập thấp... Nói cách khác, đây là sự phân phối lại thu nhập theo không gian.
Qua đây có thể thấy, BHXH góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm an toàn kinh tế cho người lao động và gia đình họ. BHXH là quá trình tổ chức sử dụng thu nhập cá nhân và tổng sản phẩm trong nước (GDP) để thoả mãn nhu cầu an toàn kinh tế của người lao động và an toàn xã hội. BHXH mang cả bản chất kinh tế và cả bản chất xã hội. Về mặt kinh tế, nhờ sự tổ chức phân phối lại thu nhập, đời sống của người lao động và gia đình họ luôn được bảo đảm trước những bất trắc, rủi ro xã hội. Về mặt xã hội, do có sự “san sẻ rủi ro” của BHXH, người lao động chỉ phải đóng góp một khoản nhỏ trong thu nhập của mình cho quỹ BHXH, nhưng xã hội sẽ có một lượng vật chất đủ lớn trang trải những rủi ro xảy ra. ở đây, BHXH đã thực hiện nguyên tắc “lấy của số đông bù cho số ít”.
Tuy nhiên, tính kinh tế và tính xã hội của BHXH không tách rời mà đan xen lẫn nhau. Khi nói đến sự bảo đảm kinh tế cho người lao động và gia đình họ là đã nói đến tính xã hội của BHXH, ngược lại, khi nói tới sự đóng góp ít nhưng lại đủ trang trải mọi rủi ro xã hội thì cũng đã đề cập đến tính kinh tế của BHXH.
Dưới góc độ kinh tế, BHXH là sự bảo đảm thu nhập, bảo đảm cuộc sống cho người lao động khi họ bị giảm hay mất khả năng lao động. Có nghĩa là tạo ra một khoản thu nhập thay thế cho người lao động khi họ gặp phải các rủi ro thuộc phạm vi BHXH.
Dưới góc độ chính trị, BHXH góp phần liên kết giữa những người lao động xuất phát từ lợi ích chung của họ.
Dưới góc độ xã hội, BHXH được hiểu như là một chính sách xã hội nhằm đảm bảo đời sống cho người lao động khi thu nhập của họ bị giảm hay mất. Thông qua đó bảo vệ và phát triển lực lượng lao động xã hội, lực lượng sản xuất, tăng năng suất lao động ổn định trật tự xã hội.

Nguồn: http://tapchibaohiemxahoi.org.vn/index.asp?action_menu=ChuyenMuc_Detail&BaiViet_id=1045&MucLuc_ID=434
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Web KT
Back
Top Bottom