Hóa đơn trùng số nhưng khác ký hiệu vẫn được xem là hợp lệ (CV 4055/TCT-CS-14/11/2012

Liên hệ QC

Người Đưa Tin

Hạt cát sông Hằng
Thành viên danh dự
Tham gia
12/12/06
Bài viết
3,661
Được thích
18,158
Điểm
0
Nơi ở
Phnom Penh
Theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Nghị định 51/2010/NĐ-CP, việc cấm in trùng số hóa đơn chỉ áp dụng đối với hóa đơn có cùng ký hiệu. Theo đó, trường hợp công ty đặt in và phát hành hóa đơn có cùng số thứ tự nhưng khác ký hiệu vẫn được xem là hợp lệ

Nổi dung chi tiết đầy đủ Công văn Số: 4055/TCT-CS - ngày 14 tháng 11 năm 2012 của Tổng Cục Thuế V/v vướng mắc sử dụng hóa đơn


Kính gửi: Công ty Ajinomoto Việt Nam - (KCN Biên Hòa 1, Biên Hòa, Đồng Nai)

Tổng cục Thuế nhận được công văn số 1138/CV-AJI-2012 của Công ty Ajinomoto Việt Nam vướng mắc về sử dụng hóa đơn. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

Tại khoản 5, khoản 6 điều 5 Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn như sau:

“5. Tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể đồng thời cùng lúc sử dụng nhiều hình thức hóa đơn khác nhau. Nhà nước khuyến khích hình thức hóa đơn điện tử.

6. Tổ chức, cá nhân khi in hóa đơn không được in trùng số trong những hóa đơn có cùng ký hiệu”.​

Tại khoản 2 điều 8 Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ:

“2. Hóa đơn đặt in được in ra dưới dạng mẫu in sẵn phải có các tiêu thức đảm bảo khi lập hóa đơn có đầy đủ nội dung bắt buộc theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này.

Đối tượng được tạo hóa đơn đặt in tự quyết định mẫu hóa đơn đặt in.
Tổ chức, hộ và cá nhân kinh doanh đặt in hóa đơn phải in sẵn tên, mã số thuế vào tiêu thức “tên, mã số thuế người bán” trên tờ hóa đơn”.

Tại điều 9 Thông tư số 153/2010/TT-BTC nêu trên quy định về việc phát hành hóa đơn của tổ chức, hộ cá nhân kinh doanh với cơ quan thuế quản lý trước khi sử dụng hóa đơn

Bộ Tài chính đã có công văn số 17716/BTC-TCT ngày 27/12/2010 hướng dẫn về tiêu thức dấu trên hóa đơn:

“4. Về tiêu thức “dấu” trên hóa đơn và số liên của hóa đơn

- Theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 4 Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ, điểm h khoản 1 Điều 4 Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính thì: Nội dung bắt buộc trên hóa đơn có “dấu của người bán (nếu có)”.

Tại khoản 3 Điều 4 Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn: Các trường hợp khác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính hóa đơn không nhất thiết phải có đầy đủ các nội dung bắt buộc,...
Căn cứ hướng dẫn trên, Bộ Tài chính giao Cục thuế xem xét từng trường hợp phát sinh cụ thể, căn cứ đặc điểm hoạt động kinh doanh, phương thức tổ chức bán hàng, cách thức lập hóa đơn của doanh nghiệp và doanh nghiệp thuộc đối tượng sử dụng hóa đơn với số lượng lớn, chấp hành tốt pháp luật thuế thì Cục thuế có văn bản hướng dẫn hóa đơn không nhất thiết phải có tiêu thức “dấu của người bán”
…”.

Căn cứ hướng dẫn trên,

Trường hợp Công ty Ajinomoto Việt Nam (Công ty) thông báo phát hành hóa đơn có cùng ký hiệu, số thứ tự nhưng thuộc 02 ký hiệu mẫu hóa đơn khác nhau thì vẫn đúng quy định. Vì vậy căn cứ vào đặc điểm sản xuất kinh doanh của đơn vị mình, Công ty được sử dụng đặt in 02 ký hiệu mẫu hóa đơn khác nhau; Việc đặt in, phát hành và sử dụng hóa đơn của Công ty phải theo đúng quy định của Thông tư số 153/2010/TT-BTC.
Đối với dấu của người bán trên hóa đơn, Bộ Tài chính đã có công văn số 17716/BTC-TCT ngày 27/12/2010 hướng dẫn một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư số 153/2010/TT-BTC, đề nghị Công ty liên hệ với Cục Thuế để được hướng dẫn thực hiện.

Tổng cục Thuế trả lời để Công ty được biết./.


KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Cao Anh Tuấn​


Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ PC (TCT);
- Website Tổng cục Thuế;
- Lưu: VT, CS (2b).




Công văn Số: 17716 /BTC - TCT ngày 27 tháng 12 năm 2010 của Bộ Tài Chính V/v hướng dẫn một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư 153.



Kính gửi: Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.


Bộ Tài chính nhận được phản ánh của một số Cục thuế và doanh nghiệp nêu một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư số 153/2010/TT-BTC, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1. Về việc tiếp tục sử dụng hóa đơn đã tự in (đặt in) trước năm 2010

Đối với trường hợp doanh nghiệp đã tự in (đặt in) hóa đơn trước năm 2010 với số lượng lớn (hóa đơn tự in theo quy định tại Nghị định số 89/2002/NĐ-CP, Thông tư số 120/2002/TT-BTC), đến hết ngày 31/3/2011 doanh nghiệp vẫn chưa sử dụng hết hóa đơn đã tự in (đặt in) trước năm 2010 và doanh nghiệp có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì đề nghị Cục thuế rà soát trong Quý I/2011, nếu mẫu hóa đơn doanh nghiệp đã tự in (đặt in) trước năm 2010 vẫn đủ các tiêu thức bắt buộc như (tên loại hóa đơn; số thứ tự; tên, địa chỉ, mã số thuế người bán; tên, địa chỉ, mã số thuế người mua; tên hàng hóa, dịch vụ; đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa, dịch vụ thành tiền ghi bằng số và bằng chữ; người mua, người bán ký và ghi rõ họ tên, dấu người bán (nếu có) và ngày, tháng, năm lập hóa đơn; tên tổ chức nhận in hóa đơn) theo quy định tại Thông tư số 153/2010/TT-BTC thì Cục thuế đề nghị doanh nghiệp thực hiện Thông báo phát hành hóa đơn theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 153/2010/TT-BTC để tiếp tục sử dụng.

2. Về tiêu thức ghi trên hóa đơn xuất khẩu

Căn cứ hướng dẫn tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 và khoản 1 Điều 1 Quyết định số 2905/QĐ-BTC ngày 9/11/2010 đính chính Thông tư số 153/2010/QĐ-BTC về nội dung đã lập trên hoá đơn xuất khẩu:
Trường hợp đối với hóa đơn xuất khẩu do các doanh nghiệp đã đặt in có tiêu thức ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số thứ tự của hóa đơn chưa đúng hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 153/2010/TT-BTC hoặc hóa đơn xuất khẩu đặt in không có các chỉ tiêu này thì Cục thuế hướng dẫn doanh nghiệp bổ sung các chỉ tiêu nêu trên bằng cách đóng dấu bổ sung hoặc viết bổ sung thì hóa đơn bổ sung các tiêu thức được chấp nhận thông báo phát hành để sử dụng.

3. Đối với hóa đơn do Cục thuế đặt in

Trường hợp hóa đơn do Cục thuế đã đặt in theo hướng dẫn tại Phụ lục số 3 Thông tư số 153/2010/TT-BTC không có tiêu thức “hình thức thanh toán” thì hoá đơn này được chấp thuận thông báo phát hành để sử dụng. Đối với những lần in hóa đơn tiếp theo, đề nghị Cục thuế bổ sung tiêu thức “hình thức thanh toán” trên hóa đơn đặt in.

4. Về tiêu thức “dấu” trên hóa đơn và số liên của hóa đơn

- Theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 4 Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ, điểm h khoản 1 Điều 4 Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính thì: Nội dung bắt buộc trên hóa đơn có “dấu của người bán (nếu có)”.
Tại khoản 3 Điều 4 Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn: Các trường hợp khác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính hoá đơn không nhất thiết phải có đầy đủ các nội dung bắt buộc, .
Căn cứ hướng dẫn trên, Bộ Tài chính giao Cục thuế xem xét từng trường hợp phát sinh cụ thể, căn cứ đặc điểm hoạt động kinh doanh, phương thức tổ chức bán hàng, cách thức lập hóa đơn của doanh nghiệp và doanh nghiệp thuộc đối tượng sử dụng hóa đơn với số lượng lớn, chấp hành tốt pháp luật thuế thì Cục thuế có văn bản hướng dẫn hóa đơn không nhất thiết phải có tiêu thức “dấu của người bán”.

- Về số liên của hóa đơn.

Tại điểm c khoản 1 Điều 4 Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 hướng dẫn: “Mỗi số hóa đơn phải có từ 2 liên trở lên và tối đa không quá 9 liên…”
Trường hợp do đặc điểm hoạt động kinh doanh, nhu cầu sử dụng thực tế, mỗi số hóa đơn của doanh nghiệp có nhiều hơn 9 liên thì cũng được chấp thuận. Bộ Tài chính giao Cục thuế xem xét và có văn bản chấp thuận hóa đơn có nhiều hơn 9 liên theo đề nghị của doanh nghiệp.

5. Về việc ghi, đóng dấu: tên, địa chỉ, mã số thuế trên hóa đơn mua của cơ quan thuế

Đối với đối tượng thuộc diện mua hóa đơn do cơ quan thuế phát hành theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư số 153/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính, khi bán hoá đơn, đề nghị Cục thuế, Chi cục thuế hướng dẫn, kiểm tra tổ chức, cá nhân mua hóa đơn ghi hoặc đóng dấu: Tên, địa chỉ, mã số thuế trên liên 2 của mỗi số hoá đơn trước khi mang ra khỏi cơ quan thuế nơi mua hoá đơn.

6. Về cỡ chữ trên hóa đơn

Tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 về các nội dung bắt buộc trên hóa đơn đã lập không có hướng dẫn về cỡ chữ của nội dung bắt buộc trên hóa đơn đã lập.
Tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 153/2010/TT-BTC nêu trên có hướng dẫn: Ngoài các nội dung bắt buộc, tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể tạo thêm các thông tin khác phục vụ cho hoạt động kinh doanh, kể cả tạo lô-gô, hình ảnh trang trí hoặc quảng cáo.

Đối với doanh nghiệp đặt in hóa đơn có tạo thêm thông tin, lô-gô thì cỡ chữ của các thông tin tạo thêm, cỡ chữ in trên lô-gô trên hóa đơn không nhất thiết phải nhỏ hơn cỡ chữ của nội dung bắt buộc nhưng phải đảm bảo không che khuất, không làm mờ các nội dung bắt buộc phải có trên hóa đơn.
Bộ Tài chính trả lời để các Cục thuế biết, thực hiện./.




KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG


Đỗ Hoàng Anh Tuấn


Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ PC, CST;
- Các Vụ, đơn vị thuộc TCT;
- Lưu: VT; TCT (VT, CS (3b)).Hiền
 
Web KT
Back
Top Bottom