"Cháu" tham khảo nhé:
1. Số tuyệt đối trong thống kê (Absolute figure) là chỉ tiêu biểu hiện quy mô, khối lượng của hiện tượng hoặc quá trình kinh tế - xã hội, trong điều kiện thời gian và không gian cụ thể. Số tuyệt đối bao gồm các con số nói lên số đơn vị của tổng thể (số doanh nghiệp, số công nhân,...) hoặc tổng thể các trị số về biểu hiện của một tiêu thức nào đó (tiền lương công nhân, giá trị sản xuất công nghiệp,...).
Các số tuyệt đối bao giờ cũng có đơn vị tính cụ thể, gồm đơn vị tính hiện vật như cái, con, chiếc, v.v... ; đơn vị hiện vật quy ước tức là đơn vị quy đổi theo một tiêu chuẩn nào đó như nước mắm quy theo độ đạm; than quy theo nhiệt lượng; đơn vị tiền tệ (đồng, nhân dân tệ, đô la, v.v...), đơn vị thời gian (giờ, ngày, tháng,..),...
Có hai loại số tuyệt đối: số tuyệt đối thời kỳ phản ánh quy mô, khối lượng của hiện tượng trong một thời kỳ nhất định và số tuyệt đối thời điểm phản ánh quy mô, khối lượng của hiện tượng ở một thời điểm nhất định như: dân số một địa phương nào đó có đến 0 giờ ngày 1/4.
2. Số tương đối (Relative figure) là chỉ tiêu biểu hiện quan hệ so sánh giữa hai chỉ tiêu thống kê cùng loại nhưng ở các thời gian hoặc không gian khác nhau; hoặc giữa hai chỉ tiêu khác loại nhưng có quan hệ với nhau; hoặc so sánh từng bộ phận với tổng thể chung trong cùng một chỉ tiêu. Trong hai đại lượng đem ra so sánh của số tương đối, một đại lượng được chọn làm gốc.
Số tương đối có thể được biểu hiện bằng số lần, số phần trăm hoặc phần nghìn (ký hiệu là % hoặc ‰), hay bằng các đơn vị kép (người/km2, bác sĩ/1000 người dân,...)¬¬¬¬¬¬. Ví dụ: so với năm 2001, tổng sản phẩm trong nước của Việt Nam năm 2002 bằng 107,08%; tỷ lệ dân số thành thị của cả nước năm 2002 là 25,1%; mật độ dân số của Việt Nam năm 2002 là 239 người/km2,...
Trong thống kê, số tương đối được sử dụng rộng rãi để phản ánh những đặc điểm về kết cấu, quan hệ tỷ lệ, trình độ phát triển, mức độ hoàn thành kế hoạch, mức độ phổ biến của hiện tượng kinh tế - xã hội nghiên cứu trong điều kiện không gian và thời gian.
Căn cứ vào nội dung do số tương đối phản ánh, có thể phân biệt: số tương đối động thái (so sánh 2 chỉ tiêu cùng loại giữa 2 thời gian khác nhau); số tương đối kế hoạch (so sánh một chỉ tiêu thực hiện với một chỉ tiêu kế hoạch); số tương đối kết cấu (so sánh một bộ phận với tổng thể gồm nhiều bộ phận); số tương đối cường độ (so sánh giữa 2 chỉ tiêu khác nhau nhưng có liên quan); và số tương đối không gian (so sánh 2 chỉ tiêu cùng loại nhưng có không gian khác nhau).
3. Số bình quân (Average figure) là chỉ tiêu biểu hiện mức độ điển hình của một tổng thể gồm nhiều đơn vị cùng loại được xác định theo một tiêu thức nào đó. Số bình quân mô tả đặc điểm chung nhất, phổ biến nhất của hiện tượng kinh tế - xã hội trong các điều kiện không gian và thời gian cụ thể. Ví dụ: tiền lương bình quân của công nhân trong doanh nghiệp là mức lương phổ biến nhất, đại diện cho các mức lương khác nhau của từng công nhân trong doanh nghiệp. Ngoài ra, số bình quân còn dùng để so sánh đặc điểm của những hiện tượng không có cùng quy mô hay làm căn cứ để đánh giá trình độ đồng đều của các đơn vị tổng thể.
Để số bình quân có ý nghĩa thực tế, điều kiện chủ yếu là chỉ tiêu này phải được tính cho những đơn vị có cùng chung một tính chất (thường gọi là tổng thể đồng chất). Muốn vậy phải dựa trên cơ sở phân tổ thống kê một cách khoa học và chính xác.
Có nhiều loại số bình quân. Trong thống kê kinh tế - xã hội thường dùng các loại: số bình quân số học, số bình quân điều hoà, số bình quân hình học (số bình quân nhân), mốt và trung vị.
Xét theo vai trò đóng góp khác nhau của các thành phần tham gia bình quân hoá, số bình quân chung được chia thành số bình quân giản đơn và số bình quân gia quyền.
• Số bình quân giản đơn: được tính trên cơ sở các thành phần tham gia bình quân hoá có vai trò về qui mô (tần số) đóng góp như nhau.
• Số bình quân gia quyền: được tính trên cơ sở các thành phần tham gia bình quân hoá có vai trò về qui mô đóng góp khác nhau.
4. Dãy số biến động theo thời gian (Time series data) là dãy các trị số của một chỉ tiêu thống kê được sắp xếp theo thứ tự thời gian, dùng để phản ánh quá trình phát triển của hiện tượng. Ví dụ sản lượng điện sản xuất ra của Việt Nam (tỷ kw/h) của các năm từ 1995 đến 2002 như sau: 14,7; 17,0; 19,3; 21,7; 23,6; 26,6; 30,7; 35,6.
Trong dãy số biến động theo thời gian có hai yếu tố: thời gian và chỉ tiêu phản ánh hiện tượng nghiên cứu. Thời gian trong dãy số có thể là ngày, tháng, năm,... tùy theo mục đích nghiên cứu; chỉ tiêu phản ánh hiện tượng nghiên cứu có thể biểu hiện bằng số tuyệt đối, số tương đối hay số bình quân.
Căn cứ vào tính chất của thời gian trong dãy số, có thể phân biệt hai loại:
• Dãy số biến động theo thời kỳ (gọi tắt là dãy số thời kỳ) là dãy số trong đó các chỉ tiêu biểu hiện mặt lượng của hiện tượng trong một khoảng thời gian nhất định. Ví dụ: dãy số về sản lượng điện sản xuất ra hàng năm; tổng sản phẩm trong nước tính theo giá so sánh thời kỳ 1990 - 2002,...;
• Dãy số biến động theo thời điểm (gọi tắt là dãy số thời điểm) là dãy số trong đó các chỉ tiêu biểu hiện mặt lượng của hiện tượng tại những thời điểm nhất định.
Các trị số của chỉ tiêu trong dãy số phải thống nhất về nội dung, phương pháp và đơn vị tính, thống nhất về độ dài thời gian và phạm vi hiện tượng nghiên cứu để bảo đảm tính so sánh được với nhau.