(LĐ) - Tin từ Bộ Tài chính ngày 11.8 cho biết, cơ quan này đã hoàn tất dự thảo về việc hướng dẫn in hoá đơn (kể cả hoá đơn đỏ) và bắt đầu lấy ý kiến đóng góp. Vậy, DN tự in hoá đơn sẽ cần phải làm gì và làm như thế nào?
Đầu năm 2011 doanh nghiệp sẽ tự in hóa đơn
DN được in logo, quảng cáo trên hoá đơn
Tự in hoá đơn, doanh nghiệp sẽ đỡ tốn thời gian đi mua.
Ngày 11.8, trao đổi với phóng viên Lao Động, đại diện Bộ Tài chính cho biết, các DN tự in hoá đơn cần phải đặc biệt chú ý đến những điều được phép và không được phép, những điều bắt buộc phải thể hiện thông tin trên hoá đơn tự in.
Theo đó, quy định bắt buộc cần chấp hành nghiêm là: Tất cả nội dung bắt buộc của hoá đơn phải được in trên cùng một mặt giấy của một số hoá đơn. Bên cạnh đó là tên hoá đơn, ký hiệu hoá đơn, số hoá đơn, tên liên hoá đơn. Đối với hoá đơn đặt in còn phải ghi tên tổ chức đã nhận in hoá đơn.
Một lưu ý khác nữa là hoá đơn này sẽ phải thể hiện tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán; tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua; tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hoá, dịch vụ; thành tiền chưa có thuế giá trị gia tăng, thuế suất thuế giá trị gia tăng, số tiền thuế giá trị gia tăng trong trường hợp là hoá đơn giá trị gia tăng; tổng số tiền thanh toán, chữ ký người mua, chữ ký người bán, dấu người bán (nếu có) và ngày, tháng, năm lập hoá đơn...
Ngoài trách nhiệm trên, DN tự in hoá đơn có quyền lợi là có thể tạo thêm các thông tin khác, phục vụ cho hoạt động kinh doanh, kể cả tạo logo, hình ảnh trang trí hoặc quảng cáo. Các thông tin tạo thêm phải đảm bảo phù hợp với pháp luật hiện hành.
Những băn khoăn
Theo các chuyên gia và ý kiến DN thì dự thảo cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng quy định vẫn quá khắt khe với việc cho phép DN được tạo hoá đơn tự in. Cụ thể, các ý kiến cho rằng quy định đối tượng DN quá hẹp, gồm số ít đối tượng DN, đặc biệt là yêu cầu DN có vốn điều lệ từ 50 tỉ đồng trở lên đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ và 100 tỉ đồng trở lên đối với DN kinh doanh trong lĩnh vực nông - lâm - thuỷ sản; công nghiệp, xây dựng và các lĩnh vực khác.
Tương tự đối với tổ chức, cá nhân thì ngoài quy định phải có mã số thuế, doanh thu, đối tượng này phải có thiết bị đảm bảo cho in và lập hoá đơn. Các ý kiến cho rằng đây là quy định còn chung chung và... khó thực hiện vì không biết thế nào là thiết bị đảm bảo. Bên cạnh đó, điều “làm khó” khác là yêu cầu phải có phần mềm bán hàng hoá, dịch vụ gắn liền với phần mềm kế toán, đảm bảo việc in và lập hoá đơn chỉ được thực hiện khi nghiệp vụ kế toán phát sinh.
Đáng lưu ý hơn là vấn đề thời gian. Việc đến nay thông tư chưa ban hành, sau khi ban hành lại cần hướng dẫn, tập huấn... trong khi hiện VN có tới khoảng 350.000 DN thuộc diện được tự in hoặc đặt in hoá đơn. Các ý kiến cho rằng thời gian quá gấp và với số lượng thủ tục nhiều, lượng DN lớn thì rất khó có thể áp dụng thực hiện suôn sẻ từ 1.1.2011.
Bên cạnh đó là hàng loạt quy định chưa hợp lý. Ví dụ như yêu cầu ngày lập hoá đơn cũng là ngày giao hàng sẽ khó khăn khi DN giao hàng ở nơi cách xa vài ngày vận chuyển. Hay như yêu cầu xuất hoá đơn theo ngày kèm con dấu, chữ ký của giám đốc cũng khó thực hiện đối với các chi nhánh, hoặc với DN xuất hàng trăm, hàng ngàn hoá đơn bán lẻ và dịch vụ.
Dự kiến, thông tư hướng dẫn này sẽ ban hành trong tháng 8.2010 và có hiệu lực thi hành từ 1.1.2011.
Nguồn: Phạm Anh - Báo Lao Động