Truyện ngắn hay: Một chuyện tình cảm động đầy nước mắt (1 người xem)

Liên hệ QC

Người dùng đang xem chủ đề này

dinhanhency

Thành viên mới
Tham gia
10/1/09
Bài viết
25
Được thích
46
Cuối tuần đọc bài này thấy hay post anh em đọc.

Những hiểu lầm vô tình nối tiếp, đã làm vấp những bước chân của hạnh phúc. Khi số mệnh bắt ta trả giá, tất cả đã trở nên muộn màng. Đây là một câu chuyện có thực và đầy nước mắt.
1. Mẹ ở quê lên
Sau khi kết hôn hai năm, chồng tôi bàn với tôi đón mẹ lên ở chung để chăm sóc bà những năm tuổi già.
Chồng tôi mất cha từ ngày anh còn nhỏ, mẹ chồng tôi là chỗ dựa duy nhất, mẹ nuôi anh khôn lớn, cho anh học hết đại học.
“Khổ đau cay đắng” bốn chữ ấy vận đúng vào số phận mẹ chồng tôi! Tôi nhanh chóng gật đầu, liền đi thu dọn căn phòng có ban công hướng Nam, phòng có thể đón nắng, trồng chút hoa cỏ gì đó.
Chồng tôi đứng giữa căn phòng ngập tràn nắng, không nói câu nào, chỉ đột ngột bế bổng tôi lên quay khắp phòng, khi tôi giãy giụa cào cấu đòi xuống, anh nói: “Đi đón mẹ chúng ta thôi!”.

Vĩnh cửu
Chồng tôi vóc dáng cao lớn, tôi thích nép đầu vào ngực anh, cảm giác anh có thể tóm lấy cả thân hình mảnh mai bé nhỏ của tôi, nhét vào trong túi áo. Mỗi khi chúng tôi cãi cọ và không chịu làm lành, anh thường nhấc bổng tôi lên đầu quay tròn, cho đến lúc tôi sợ hãi van xin anh thả xuống. Nỗi sợ hãi hạnh phúc ấy làm tôi mê mẩn.
Những thói quen ở nhà quê của mẹ chồng tôi mãi không thể thay đổi. Tôi thích mua hoa tươi bày trong phòng khách, mẹ chồng tôi sau này không nhịn được bảo: “Bọn trẻ các con lãng phí quá, mua hoa làm chi? Nào có thể ăn được như cơm!”.
Tôi cười: “Mẹ, trong nhà có hoa nở rộ, tâm trạng mọi người cũng vui vẻ”.
Mẹ chồng tôi cúi đầu cằn nhằn, chồng tôi vội cười: “Mẹ, người thành phố quen thế rồi, dần dần mẹ sẽ quen thôi!”.
Mẹ chồng tôi không nói gì nữa, nhưng mỗi lần thấy tôi mang hoa về, bà vẫn không nhịn được hỏi mua hoa mất bao nhiêu tiền, tôi nói, thì bà chép miệng. Có lần thấy tôi xách túi lớn túi nhỏ đi mua sắm về, bà hỏi cái này bao nhiêu tiền cái kia giá bao nhiêu, tôi cứ kể thật, thì bà chép miệng càng to hơn. Chồng tôi véo mũi tôi nói: “Đồ ngốc, em đừng nói cho mẹ biết giá thật có phải đỡ hơn không?”.
Cuộc sống hạnh phúc đã lẳng lặng trôi những âm điệu không êm đềm.
Mẹ chồng tôi ghét nhất là thấy chồng tôi dậy nấu bữa sáng, với bà, làm đàn ông mà phải vào bếp nấu nướng cho vợ, làm gì có chuyện ngược đời đó?
Trên bàn ăn sáng, mặt mẹ chồng tôi thường u ám, tôi giả vờ không nhận thấy. Mẹ chồng tôi bèn khua bát đũa canh cách, đấy là cách phản đối không lời của bà.
Tôi là giáo viên dạy múa ở Cung thiếu niên, nhảy múa đã đủ mệt rồi, mỗi sáng ủ mình trong ổ chăn ấm áp, tôi không muốn phải hy sinh nốt sự hưởng thụ duy nhất ấy, vì thế tôi vờ câm điếc trước sự phản ứng của mẹ chồng. Còn mẹ chồng tôi thỉnh thoảng có giúp tôi làm việc nhà, thì chỉ làm tôi càng bận rộn thêm.
Ví như, bà gom tất thảy mọi túi nilông đựng đồ và đựng rác trong nhà lại, bảo chờ gom đủ rồi bán đồng nát một thể, vì thế trong nhà chỗ nào cũng toàn túi nilông dùng rồi; Bà tiếc rẻ không dùng nước rửa bát, để khỏi làm bà mất mặt, tôi đành phải lén lút rửa lại lần nữa. Có một buổi tối, mẹ chồng tôi bắt gặp tôi đang lén rửa lại bát, bà đóng cửa phòng đánh “sầm” một cái, nằm bên trong khóc ầm ĩ.
Chồng tôi khó xử, sau việc này, suốt đêm anh không nói với tôi câu nào, tôi nũng nịu, làm lành, anh cũng mặc kệ. Tôi giận dữ, hỏi anh: “Thế em rốt cục đã làm sai cái gì nào?”.
Anh trừng mắt nhìn tôi nói: “Em không chịu nhường mẹ đi một chút, ăn bát chưa sạch thì cũng có chết đâu?”.
Sau đó, cả một thời gian dài, mẹ chồng tôi không nói chuyện với tôi, không khí trong gia đình gượng gạo dần. Thời gian đó, chồng tôi cũng sống rất mệt mỏi, anh không biết nên làm vui lòng ai trước.
Mẹ chồng tôi không cho con trai nấu bữa sáng nữa, xung phong đảm nhận “trọng trách” này. Mẹ chồng tôi ngắm con trai ăn sáng vui vẻ, lại nhìn sang tôi, ánh mắt bà trách móc tôi làm không trọn trách nhiệm của người vợ. Để tránh bị khó xử, tôi đành ăn tạm gói sữa trên đường đi làm.
Lúc đi ngủ, chồng tôi hơi buồn trách, hỏi tôi: “Rodi, có phải em chê mẹ anh nấu cơm không sạch nên em không ăn ở nhà?”. Lật mình, anh quay lưng về phía tôi lạnh lùng, mặc kệ tôi nước mắt tủi thân lăn tràn trề.
Cuối cùng, chồng tôi thở dài: “Rodi, thôi em cứ coi như là vì anh, em ở nhà ăn sáng được không?”. Thế là tôi đành quay về ngồi ở bàn ăn ngần ngại mỗi sáng.
Sáng đó, tôi húp bát cháo do mẹ chồng nấu, đột nhiên lợm giọng, mọi thứ trong dạ dầy tống tháo hết ra ngoài, tôi cuống cuồng bịt chặt miệng không cho nó trào ra, nhưng không được, tôi vứt bát đũa (chú thích: người Trung Quốc ăn cháo bằng đũa, không dùng thìa như ở Việt Nam) nhảy bổ vào toa-lét, nôn ọe hết.
Khi tôi hổn hển thở được, bình tâm lại, thấy mẹ chồng tôi đang khóc lóc than thân trách phận bằng tiếng pha rặt giọng nhà quê, chồng tôi đứng ở cửa toa-lét giận dữ nhìn tôi, tôi há miệng không nói được nên lời, tôi đâu có cố ý.
Lần đầu tiên tôi và chồng tôi bắt đầu cãi nhau kịch liệt, ban đầu mẹ chồng tôi ngồi nhìn chúng tôi, rồi bà đứng dậy, thất thểu đi ra khỏi cửa. Chồng tôi hằn học nhìn tôi một cái rồi xuống nhà đuổi theo mẹ.
 
2. Những tháng ngày tăm tối
Suốt ba ngày, chồng tôi không về nhà, cũng không gọi điện. Tôi đang giận, tôi nghĩ từ ngày mẹ chồng tôi lên đây, tôi đã cực nhục đủ rồi, còn muốn gì tôi nữa? Nhưng kỳ lạ làm sao, tôi vẫn cứ buồn nôn, ăn gì cũng chẳng thấy ngon, thêm vào đó việc nhà rối ren, tâm trạng tôi cực kỳ tồi tệ. Sau đó, một đồng nghiệp bảo tôi: “Rodi, trông sắc mặt cậu xấu lắm, đi khám bác sĩ xem nào”.
Kết quả khám của bác sĩ là tôi đã có thai. Tôi hiểu ra sáng hôm đó vì sao tôi nôn ọe, trong cảm giác hạnh phúc có xen lẫn chút oán trách, chồng tôi và cả bà mẹ chồng đã từng sinh nở, vì sao họ không hề nghĩ đến lý do ấy? Ở cổng bệnh viện, tôi gặp chồng tôi.
Mới chỉ ba hôm không gặp mặt, chồng tôi đã trở nên hốc hác. Tôi đáng lẽ định quay người đi thẳng, nhưng trông anh rất đáng thương, tôi không nén được gọi anh lại. Chồng tôi nghe tiếng thì nhìn thấy tôi, nhưng làm như không quen biết, trong mắt anh chỉ còn sự căm thù, ánh nhìn ấy làm tôi bị thương.
Tôi tự nói với mình, không được nhìn anh ấy, không được nhìn anh ấy, tôi đưa tay vẫy một chiếc taxi chạy qua. Lúc đó tôi mong muốn làm sao được kêu lên với chồng tôi một tiếng: “Anh ơi, em sắp sinh cho anh một đứa con rồi!” và được anh bế bổng lên, quay tròn hạnh phúc, những cái tôi mơ ước không xảy ra, trên chiếc taxi, nước mắt tôi chầm chậm rơi xuống.
Vì sao một vụ cãi nhau đã làm tình yêu trở nên tồi tệ như thế này? Sau khi về nhà, tôi nằm trên giường nhớ chồng, nhớ đến sự căm thù trong mắt anh. Tôi ôm một góc chăn nằm khóc. Đêm đó, trong nhà có tiếng mở ngăn kéo. Bật đèn lên, tôi nhìn thấy gương mặt đầy nước mắt của chồng tôi. Anh ấy đang lấy tiền.
Tôi lạnh lùng nhìn anh, không nói gì. Anh coi như không có tôi, cầm tiền và sổ tiết kiệm rồi đi. Có lẽ anh đã quyết định rời bỏ tôi thật sự. Thật là một người đàn ông khôn ngoan, tình và tiền rạch ròi thế. Tôi cười nhạt vài cái, nước mắt lại “ồn ào” lăn xuống.
Ngày hôm sau, tôi không đi làm. Tôi dọn lại toàn bộ suy nghĩ của mình, đi tìm chồng nói chuyện một lần cho rõ. Đến công ty của chồng, thư ký hơi lạ lùng nhìn tôi, bảo: “Mẹ của tổng giám đốc Trần bị tai nạn giao thông, đang trong viện”.
Tôi há hốc mồm trợn mắt, chạy bổ tới bệnh viện, khi tìm được chồng tôi, mẹ chồng tôi đã mất rồi. Chồng tôi không nhìn tôi, mặt anh rắn lại.
Tôi nhìn gương mặt gầy gò trắng bệch xanh tái lại của mẹ chồng, nước mắt tôi tuôn xuống ào ạt, trời ơi! Sao lại ra thế này? Cho đến tận lúc chôn cất bà, chồng tôi cũng không hề nói với tôi một câu, thậm chí mỗi ánh mắt đều mang một nỗi thù hận sâu sắc.
Về vụ tai nạn xe, tôi phải hỏi người khác mới biết đại khái là, mẹ chồng tôi bỏ nhà đi mơ hồ ra phía bến xe, bà muốn về quê, chồng tôi càng theo bà càng đi nhanh, khi qua đường, một chiếc xe buýt đã đâm thẳng vào bà…
Cuối cùng tôi đã hiểu sự căm ghét của chồng, nếu buổi sáng hôm đó tôi không nôn, nếu chúng tôi không cãi nhau, nếu như… trong tim anh ấy, tôi chính là người gián tiếp gây ra cái chết của mẹ anh.
Chồng tôi im lặng dọn đồ vào ở phòng mẹ, mỗi tối anh về nhà nồng nặc hơi rượu. Và tôi bị lòng tự trọng đáng thương lẫn sự ân hận dồn nén tới không thể thở được, muốn giải thích cho anh, muốn nói với anh rằng chúng ta sắp có con rồi, nhưng nhìn vào đôi mắt lạnh lùng của anh, tôi lại nuốt hết đi những lời định nói. Thà anh đánh tôi một trận hoặc chửi bới tôi một trận còn hơn, cho dù tất cả đã xảy ra không phải do tôi cố ý.
Ngày lại ngày cứ thế trôi đi trùng lặp, chồng tôi về nhà ngày càng muộn. Tôi cố chấp, coi anh còn hơn kẻ lạ. Tôi là cái thòng lọng thắt trong trái tim chồng tôi.
Một lần, tôi đi qua một tiệm ăn châu Âu, xuyên qua lớp cửa kính trong suốt kéo dài từ trần nhà xuống sát mặt đất, tôi nhìn thấy chồng tôi ngồi đối diện một cô gái trẻ, anh nhè nhẹ vuốt tóc cô gái, tôi đã hiểu ra tất cả.
Ban đầu tôi sững sờ, rồi tôi bước vào tiệm ăn, đứng trước mặt chồng, nhìn anh trân trối, mắt khô cạn. Tôi chẳng còn muốn nói gì, cũng không thể nào nói gì. Cô gái nhìn tôi, nhìn chồng tôi, đứng lên định bỏ đi, chồng tôi đưa tay ấn cô ngồi xuống, và, anh cũng trân trối nhìn tôi, không hề thua kém.
Tôi chỉ còn nghe thấy tiếng trái tim tôi đang đập thoi thóp, đập thoi thóp từng nhịp một từng nhịp một cho tới tận ranh giới tái xanh của cái chết. Kẻ thua cuộc là tôi, nếu tôi cứ đứng thế này mãi, tôi và đứa bé trong bụng tôi sẽ cùng ngã.
Đêm đó, chồng tôi không về nhà, anh dùng cách đó để nói cho tôi biết: Cùng với cái chết của mẹ chồng tôi, tình yêu của chúng tôi cũng đã chết rồi.
Chồng tôi không quay về nữa. Có hôm, tôi đi làm về, thấy tủ quần áo bị động vào, chồng tôi quay về lấy vài thứ đồ của anh. Tôi không muốn gọi điện cho chồng tôi, ngay cả ý nghĩ ban đầu là giải thích mọi chuyện cho anh, giờ cũng đã biến mất hoàn toàn.
Tôi một mình sống, một mình đi bệnh viện khám thai, mỗi lần thấy những người chồng thận trọng dìu vợ đi viện khám thai, trái tim tôi như vỡ tan ra. Đồng nghiệp lấp lửng xui tôi nạo thai đi cho xong, nhưng tôi kiên quyết nói không, tôi điên cuồng muốn được đẻ đứa con này ra, coi như một cách bù đắp cho cái chết của mẹ chồng tôi.
Khi tôi đi làm về, chồng tôi đang ngồi trong phòng khách, khói thuốc mù mịt khắp phòng, trên bàn nước đặt một tờ giấy. Không cần liếc qua, tôi đã biết tờ giấy viết gì.
Trong hai tháng chồng tôi không về nhà, tôi đã dần dần học được cách bình tĩnh. Tôi nhìn anh, gỡ mũ xuống, bảo: “Anh chờ chút, tôi ký!”. Chồng tôi cứ nhìn tôi, ánh mắt anh bối rối, như tôi.
Tôi vừa cởi cúc áo khoác vừa tự dặn mình: “Không khóc, không khóc…”. Mắt rất đau, nhưng tôi không cho phép nước mắt được lăn ra. Treo xong áo khoác, cái nhìn của chồng tôi gắn chặt vào cái bụng đã nổi lên của tôi. Tôi mỉm cười, đi tới, kéo tờ giấy lại, không hề nhìn, ký lên đó cái tên tôi, đẩy lại phía anh.
“Rodi, em có thai à?”.
Từ sau khi mẹ chồng gặp tai nạn, đây là câu đầu tiên anh nói với tôi. Tôi không cầm được nước mắt nữa, lệ “tới tấp” tràn xuống má.
Tôi đáp: “Vâng, nhưng không sao đâu, anh có thể đi được rồi!”. Chồng tôi không đi, trong bóng tối, chúng tôi nhìn nhau. Chồng tôi nằm ôm lấy người tôi, nước mắt thấm ướt chăn. Nhưng trong tim tôi, rất nhiều thứ đã mất về nơi quá xa xôi, xa tới mức dù tôi có chạy đuổi theo cũng không thể với lại.
Không biết chồng tôi đã nói “Anh xin lỗi em!” với tôi bao nhiêu lần rồi, tôi cũng đã từng tưởng rằng tôi sẽ tha thứ, nhưng tôi không tài nào làm được, trong tiệm ăn châu Âu hôm đó, trước mặt người con gái trẻ ấy, ánh mắt lạnh lẽo chồng tôi nhìn tôi, cả đời này, tôi không thể nào quên nổi. Chúng tôi đã cùng rạch lên tim nhau những vết đớn đau. Phía tôi, là vô ý; còn anh, là cố tình.
 
3. Hận cũ hóa giải, nhưng quá khứ không bao giờ trở lại!
Trừ những lúc ấm áp khi nghĩ đến đứa bé trong bụng, còn với chồng, trái tim tôi lạnh giá như băng, không ăn bất cứ thứ gì anh mua, không cần ở anh bất cứ món quà gì, không nói chuyện với anh.
Bắt đầu từ lúc ký vào tờ giấy kia, hôn nhân cũng như tình yêu đã biến mất khỏi đời tôi. Có hôm chồng tôi thử quay về phòng ngủ, anh vào, tôi ra phòng khách, anh chỉ còn cách quay về ngủ ở phòng mẹ.
Trong đêm thâu, đôi khi từ phòng anh vẳng tới tiếng rên khe khẽ, tôi im lặng mặc kệ. Đây là trò anh thường bày ra, ngày xưa chỉ cần tôi giận anh, anh sẽ giả vờ đau đầu, tôi sẽ lo lắng chạy đến, ngoan ngoãn đầu hàng chồng, quan tâm xem anh bị làm sao, anh sẽ vươn một tay ra tóm lấy tôi cười ha hả. Anh đã quên rồi, tôi lo lắng là bởi tôi yêu anh, còn bây giờ, giữa chúng tôi còn lại gì đâu?
Chồng tôi dùng những tiếng rên ngắt quãng để đón ngày đứa bé chào đời. Dường như ngày nào anh cũng mua gì đó cho con, các đồ dùng của trẻ sơ sinh, đồ dùng của trẻ em, ngay cả sách thiếu nhi, từng bọc từng bọc, sắp chất đầy gian phòng anh.
Tôi biết chồng tôi dùng cách đó để cảm động tôi, nhưng tôi không còn cảm thấy gì nữa. Anh đành giam mình trong phòng, gõ máy tính “lạch cà lạch cạch”, có lẽ anh đang yêu đương trên mạng, nhưng việc đó đối với tôi không có ý nghĩa gì.
Đêm cuối mùa xuân, cơn đau bụng dữ dội khiến tôi gào lên, chồng tôi nhảy bổ sang, như thể anh chưa hề thay quần áo đi ngủ, vì đang chờ đón giây phút này tới. Anh cõng tôi chạy xuống nhà, bắt xe, suốt dọc đường nắm chặt bàn tay tôi, liên tục lau mồ hôi trên trán tôi.
Đến bệnh viện, anh lại cõng tôi chạy vào phòng phụ sản. Nằm trên cái lưng gầy guộc và ấm áp, một ý nghĩ hiện ra trong đầu tôi: “Cả cuộc đời này, còn ai có thể yêu tôi như anh nữa không?”.
Anh đẩy cửa phòng phụ sản, nhìn theo tôi đi vào, tôi cố nén cơn đau nhìn lại anh một cái nhìn ấm áp. Từ phòng đẻ ra, chồng tôi nhìn tôi và đứa bé, anh cười mắt rưng rưng. Tôi vuốt bàn tay anh. Chồng tôi nhìn tôi, mỉm cười, rồi, anh chậm rãi và mệt mỏi ngã dụi xuống. Tôi gào tên anh… Chồng tôi mỉm cười, nhưng không thể mở được đôi mắt mệt mỏi…
Tôi đã tưởng có những giọt nước mắt tôi không thể nào chảy vì chồng nữa, nhưng sự thực lại khác, chưa bao giờ có nỗi đau đớn mạnh mẽ thế xé nát thân thể tôi.
Bác sĩ nói, phát hiện chồng tôi ung thư gan đã vào giai đoạn cuối cùng, anh gắng gượng cho đến giờ kể cũng đã là kỳ tích. Tôi hỏi bác sĩ phát hiện ung thư khi nào? Bác sĩ nói năm tháng trước, rồi an ủi tôi: “Phải chuẩn bị hậu sự đi!”.
Tôi mặc kệ sự can ngăn của y tá, về nhà, vào phòng chồng tôi bật máy tính, tim tôi phút chốc bị bóp nghẹt. Bệnh ung thư gan của chồng tôi đã phát hiện từ năm tháng trước, những tiếng rên rỉ của anh là thật, vậy mà tôi nghĩ đó là…
Có hai trăm nghìn chữ trong máy tính, là lời dặn dò chồng tôi gửi lại cho con chúng tôi: “Con ạ, vì con, bố đã kiên trì, phải chờ được đến lúc nhìn thấy con bố mới được gục ngã, đó là khao khát lớn nhất của bố… Bố biết, cả cuộc đời con sẽ có rất nhiều niềm vui hoặc gặp nhiều thử thách, giá như bố được đi cùng con suốt cả chặng đường con trưởng thành, thì vui sướng biết bao, nhưng bố không thể.
Bố viết lại trên máy tính, viết những vấn đề mà con có thể sẽ gặp phải trong đời, bao giờ con gặp phải những khó khăn đó, con có thể tham khảo ý kiến của bố…
Con ơi, viết xong hơn 200 nghìn chữ, bố cảm thấy như đã đi cùng con cả một đoạn đời con lớn. Thật đấy, bố rất mừng. Con phải yêu mẹ con, mẹ rất khổ, mẹ là người yêu con nhất, cũng là người bố yêu nhất…”.
Từ khi đứa trẻ đi học mẫu giáo, rồi học Tiểu học, Trung học, lên Đại học, cho đến lúc tìm việc, yêu đương, anh đều viết hết.
Chồng tôi cũng viết cho tôi một bức thư:
“Em yêu dấu, cưới em làm vợ là hạnh phúc lớn nhất đời anh, tha thứ cho những gì anh làm tổn thương em, tha thứ cho việc anh giấu em bệnh tình, vì anh muốn em giữ gìn sức khoẻ và tâm lý chờ đón đứa con ra đời…
Em yêu dấu, nếu em đang khóc, tức là em đã tha thứ cho anh rồi, anh sẽ cười, cảm ơn em đã luôn yêu anh… Những quà tặng này, anh sợ anh không có cơ hội tự tay tặng cho con nữa, em giúp anh mỗi năm tặng con vài món quà, trên các gói quà anh đều đã ghi sẵn ngày sẽ tặng quà rồi…”.
Quay lại bệnh viện, chồng tôi vẫn đang hôn mê. Tôi bế con tới, đặt nó bên anh, tôi nói: “Anh mở mắt cười một cái nào, em muốn con mình ghi nhớ khoảnh khắc ấm áp nằm trong lòng bố…”.
Chồng tôi khó khăn mở mắt, khẽ mỉm cười. Thằng bé vẫn nằm trong lòng bố, ngọ nguậy đôi tay hồng hào bé tí xíu. Tôi ấn nút chụp máy ảnh “lách tách”, để mặc nước mắt chảy dọc má…

Liên Thục Hương
Trang Hạ dịch

Nguồn Loovee Blog.
http://www.encysoft.com/catalog/post/340/

 
Chuyện tình hai người điên

Sưu tầm từ internet

Có 1 câu chuyện về tình yêu mà nhân vật chính là 2 người điên. Người con trai chỉ biết nói những lời điên rồ, còn người con gái thì chỉ biết dùng đôi mắt vô hồn nhìn người con trai, và cười, một nụ cười của một người điên.

Hai người trước đây không quen biết, một người ở phương Nam, một người ở phương Bắc. Gia đình của 2 người đều nguyền rủa 2 người là điên, và đuổi 2 người 2 khỏi nhà, làm 2 người phải lưu lạc bốn phương. Người con trai từ phương Nam đi về phương Bắc, còn người con gái đi từ phương Bắc về phương Nam. Người con trai trước đây không điên, nhưng trong lúc đang ở công trường thi công bị gạch rơi trúng đầu, nên sinh ra điên. Còn người con gái trước đây cũng không hề điên, trước đây thi đại học người con gái đỗ thủ khoa, nhưng rồi tên của cô trên bảng vàng bị một người có tiền tráo đổi. Và từ đó người con gái không nói lời nào nữa, và cũng không đếm xỉa đến bố mẹ, về sau sinh ra bị điên.

Không biết đã lưu lạc bao lâu mà quần áo của người con trai bẩn thỉu đến mức không thể chấp nhận đc, giày thì rách đến nỗi không thể rách hơn nữa, để lộ ra cả những ngón chân bầm tím. Còn chiếc áo màu hồng mà người con gái mặc cũng không thể gọi là màu hồng được nữa, phải gọi là màu xám thì đúng hơn.Trên mái tóc rối tung còn có những sợi cỏ khô. Nhưng mặt người con gái vẫn trắng, và trắng một cách thần kỳ, trên tay cầm 1 chai nước khoáng, vừa nhìn người qua đường vừa đờ đẫn cười. Hai người gặp nhau trong một buổi hoàng hôn, khi mà cả 2 người đều phát hiện trong thùng rác có 1 cái bánh bao đã mốc meo.

Cả 2 cùng nhảy vào lấy miếng bánh và va đầu vào nhau. Người con trai trợn mắt nhìn người con gái một cách thù hằn, còn người con gái thì nhìn người con trai đờ đẫn cười. Cuối cùng thì kẻ thắng lợi là người con trai, người con trai đã cướp được miếng bánh, mở to đôi môi đen sì gặm miếng bánh 1 miếng, còn người con gái vẫn đứng yên, chỉ đờ đẫn nhìn người con trai và cười. Người con trai nhìn người con gái, và trong mắt người con trai không có chút gì gọi là động lòng. Người con gái vẫn đờ đẫn nhìn người con trai, từ trong miệng ko ngớt phát ra những tiếng thèm thuồng miếng bánh. Người con trai dừng việc ăn lại, bắt đầu nhìn người con gái, đờ đẫn nhìn, 2 người cứ nhìn nhau như vậy, người con trai ko biểu lộ chút tình cảm nào, người con gái điên điên cười. Người con trai bất ngờ đưa miếng bánh đang ăn dở cho người con gái, người con gái vội vàng cầm lấy và ăn ngấu nghiến.

Người con trai bỏ đi, không quay đầu lại nhìn. Lúc người con trai về đến căn nhà bỏ hoàng, nơi người con trai đang tá túc, quay đầu lại thì nhìn thấy người con gái. Thì ra người con gái đi theo sau người con trai đến tận nơi này, người con gái cứ đờ đẫn nhìn người con trai cười, cả 2 không nói câu nào, người con gái từ đó ở bên cạnh người con trai. Tối, lúc ngủ, người con trai cảm thấy thật ấm áp, một cảm giác mà trước đây chưa hề có, người con gái nằm bên cạnh người con trai, ngủ một giấc thật ngon lành, nhìn người con gái lúc ngủ không hề giống 1 người điên.

Hai người cứ như vậy sống cùng nhau. Ban ngày cả 2 người đi kiếm đồ ăn ở ngoài đường, ban đêm thì về chỗ ngủ. Cuộc sống cứ ngày ngày trôi qua như thế. Một ngày không hiểu người con trai kiếm đâu ra một chiếc nhẫn đã biến thành màu xanh, đưa cho người con gái đeo. Người con gái nhìn người con trai đờ đẫn cười, đêm đó người con gái cười nhiều đến nỗi phá tan bầu không khí yên tĩnh. Rồi cười ra nước mắt, người con gái bắt đầu khóc, ôm người con trai và khóc. Người con trai đứng yên, trên mặt vẫn ko biểu lộ một chút tình cảm nào.

Về sau người con gái bị bệnh, từ trước đến nay người con gái chưa bao giờ bị, nhưng bây giờ đã bị bệnh, và bị bệnh nặng. Ban ngày người con gái ko thể cùng người con trai đi kiếm đồ ăn, không thể nhìn người con trai và cười. Người con trai một mình đi kiếm đồ. Buổi trưa bất chợt người con trai cầm về 1 chai nước khoáng và 1 cái bánh bao còn mới nguyên. Trên mặt người con trai có mấy vết xước, còn ngón tay thì thâm tím, và trên môi có mấy vệt máu. Thì ra trong lúc cướp nước khoáng và bánh bao về cho người con gái, người con trai bị chủ hàng đánh.

Người con gái nhắm mắt, không nhìn người con trai cười như trước đây. Người con trai đưa bánh cho người con gái, nhưng người con gái không ăn. Người con gái sắp chết rồi, toàn thân nóng rực, bắt đầu hôn mê. Nét mặt người con trai lần đầu tiên biểu lộ tình cảm, một vẻ mặt hoang mang. Người con trai chạy ra đường, nhìn thấy một người mặc áo xanh cảnh sát liền khóc, cũng là lần đầu tiên khóc, không ngớt miệng nói “cứu người”. Người mặc quân phục xanh liền gạt người con trai ra, và chửi “Cút đi! Mình cũng thật là đen đủi, ra đường không để ý”. Người con trai nằm cúi xuống đất, ngửa mặt lên cầu xin. Người mặc quân phục xanh đá người con trai mấy cái, và nhỏ nước bọt vào người con trai rồi bỏ đi. Người con trai mãi hồi lâu mới lồm cồm bò dậy, trên mặt nước mắt đã chảy thành hàng.

Người con trai quay về bế người con gái ra ngoài đường. Người trên đường qua lại rất đông, nhưng không một ai chú ý đến 2 người. Người nào nhìn thì cũng nhìn qua rồi nhanh chóng bước qua. Người con trai đặt người con gái lên đường, không còn mong chờ gì người qua đường nữa. Người con gái bây giờ đã thở yếu lắm rồi. Người con trai liền nhặt một miếng kính vỡ ở trên đường.

Miếng kính có 1 đầu rất nhọn và sắc. Người con trai dùng miếng kính cắt vào tay người con gái, máu từ tay người con gái bắn cả vào mặt người con trai. Người con trai cười “ha ha, tôi giết người rồi, các người nhìn ta giết người đây ...” Xe cứu hộ đến, người con gái được đem lên xe. Còn những người qua đường thì nguyền rủa người con trai rồi lại bước đi. Người con gái cuối cùng không qua khỏi vì máu mất nhiều quá, người con gái lúc chết vẫn cười, tay vẫn giữ lấy chiếc nhẫn người con trai tặng trước đây. Còn người con trai vẫn đứng đợi, đợi mãi người con gái vẫn không quay trở lại. Người con trai khóc, khóc cả đêm, khóc đến nỗi chẳng còn ai chú ý đến người con trai khóc nữa.

Và tại thùng rác nơi 2 người lần đầu tiên gặp nhau trước đây, người ta tìm thấy xác người con trai. Nụ cười trên mặt người con trai đã tắt , và vẫn ôm vào ngực 1 cái bánh bao mốc meo và 1 chai nước khoáng chưa mở.
 
Câu chuyện về 2 hạt lúa

Có hai hạt lúa nọ được giữ lại để làm hạt giống cho vụ sau vì cả hai đều là những hạt lúa tốt, đều to khỏe và chắc mẩy.
Một hôm, người chủ định đem chúng gieo trên cánh đồng gần đó. Hạt thứ nhất nhủ thầm: “ Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng. Ta không muốn cả thân mình phải nát tan trong đất. Tốt nhất ta hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi lý tưởng để trú ngụ.” Thế là nó chọn một góc khuất trong kho lúa để lăn vào đó.
Còn hạt lúa thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ mang gieo xuống đất. Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới.
Thời gian trôi qua, hạt lúa thứ nhất bị héo khô nơi góc nhà bởi vì nó chẳng nhận được nước và ánh sáng. Lúc này chất dinh dưỡng chẳng giúp ích được gì- nó chết dần chết mòn. Trong khi đó, hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt. Nó lại mang đến cho đời những hạt lúa mới...

Đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân mà hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ - đó là sự chọn lựa của hạt giống thứ hai.

Tôi hy vọng đó cũng sẽ là sự lựa chọn của bạn và tôi khi đứng trước cánh đồng cuộc đời bao la này...
 
Chuyện tình chuồn chuồn

Thành phố nhỏ yên tĩnh và xinh đẹp, hai người yêu đắm say, mỗi bình minh đều đến bờ biển ngắm mặt trời mọc, và mỗi chiều đi tiễn bóng tà dương ở bãi cát. Dường như những ai đã gặp đôi tình nhân đều nhìn theo với ánh mắt ngưỡng mộ.

Một ngày, sau vụ đâm xe, cô gái trọng thương im lìm nằm lại trên chiếc giường bệnh viện, mấy ngày đêm không tỉnh lại.

Buổi sáng, chàng trai ngồi bên giường tuyệt vọng gọi tên người yêu đang vô tri vô giác; đêm xuống, chàng trai tới quỳ trong giáo đường nhỏ của thành phố, ngước lên thượng đế cầu xin, mắt không còn lệ để khóc than.

Một tháng trôi qua, người con gái vẫn im lìm, người con trai đã tan nát trái tim từ lâu, nhưng anh vẫn cố gắng và cầu xin hy vọng. Cũng có một ngày, thượng đế động lòng.

Thượng đế cho chàng trai đang gắng gượng một cơ hội. Ngài hỏi: "Con có bằng lòng dùng sinh mệnh của con để đánh đổi không?" Chàng trai không chần chừ vội đáp: "Con bằng lòng"

Thượng đế nói: "Ta có thể cho người con yêu tỉnh dậy, nhưng con phải đánh đổi ba năm hoá chuồn chuồn, con bằng lòng không?" Không chần chừ chàng trai vội đáp: "Con bằng lòng"

Buổi sáng, cánh chuồn rời Thượng đế bay vội vã tới bệnh viện, như mọi buổi sáng. Và cô gái đã tỉnh dậy!

Chuồn chuồn không phải người, chuồn chuồn không nghe thấy người yêu đang nói gì với vị bác sĩ đứng bên giường.

Khi người con gái rời bệnh viện, cô rất buồn bã. Cô gái đi khắp nơi hỏi về người cô yêu, không ai biết anh ấy đã bỏ đi đâu.

Cô ấy đi tìm rất lâu, khi cánh chuồn kia không bao giờ rời cô, luôn bay lượn bên người yêu, chỉ có điều chuồn chuồn không phải là người, chuồn chuồn không biết nói. Và cánh chuồn là người yêu ở trước mắt người yêu nhưng không được nhận ra.

Mùa hạ đã trôi qua, mùa thu, gió lạnh thổi những chiếc lá cây lìa cành, cánh chuồn không thể không ra đi. Vì thế cánh rơi cuối cùng của chuồn chuồn là trên vai người con gái.

Tôi muốn dùng đôi cánh mỏng manh vuốt ve khuôn mặt em, muốn dùng môi khô hôn lên trán em, nhưng thân xác quá nhẹ mỏng của chuồn chuồn cuối cùng vẫn không bị người con gái nhận ra.

Chớp mắt, mùa xuân đã tới, cánh chuồn cuống cuồng bay trở lại thành phố tìm người yêu. Nhưng dáng dấp thân quen của cô đã tựa vào bên một người con trai mạnh mẽ khôi ngô, cánh chuồn đau đớn rơi xuống, rất nhanh từ lưng chừng trời.

Ai cũng biết sau tai nạn người con gái bệnh nghiêm trọng thế nào, chàng bác sĩ tốt và đáng yêu ra sao, tình yêu của họ đến tự nhiên như thế nào, và ai cũng biết người con gái đã vui trở lại như những ngày xưa.

Cánh chuồn chuồn đau tới thấu tâm can, những ngày sau, chuồn chuồn vẫn nhìn thấy chàng bác sĩ kia dắt người con gái mình yêu ra bể xem mặt trời lên, chiều xuống đến bờ biển xem tà dương, và cánh chuồn chỉ có thể thỉnh thoảng tới đậu trên vai người yêu, chuồn chuồn không thể làm gì hơn.

Những thủ thỉ đắm say, những tiếng cười hạnh phúc của người con gái làm chuồn chuồn ngạt thở.

Mùa hạ thứ ba, chuồn chuồn đã không còn thường đến thăm người con gái chàng yêu nữa. Vì trên vai cô ấy luôn là tay chàng bác sĩ ôm chặt, trên gương mặt cô là cái hôn tha thiết của anh ta, người con gái không có thời gian để tâm đến một cánh chuồn đau thương, cũng không còn thời gian để ngoái về quá khứ.

Ba năm của Thượng đế sắp chấm dứt. Trong ngày cuối, người yêu ngày xưa của chuồn chuồn bước đến trong lễ thành hôn với chàng bác sĩ.

Cánh chuồn chuồn lặng lẽ bay vào trong nhà thờ, đậu lên vai người mà anh yêu, chàng biết người con gái anh yêu đang quỳ trước Thượng đế và nói : "Con bằng lòng!". Chàng thấy người bác sĩ lồng chiếc nhẫn vào tay người con gái. Họ hôn nhau say đắm ngọt ngào. Chuồn chuồn để rơi xuống đất một hạt lệ đau đớn.

Thượng đế hỏi: "Con đã hối hận rồi sao?" Chuồn chuồn gạt hạt lệ nói: "Con không!"

Thượng đế hài lòng nói: "Nếu vậy, từ ngày mai con có thể trở thành người được rồi!"

Chuồn chuồn soi vào hạt nước mắt nhỏ, chàng lắc đầu đáp: " Hãy để con cứ làm chuồn chuồn suốt đời..."



Yêu một người không phải là nhất định phải có được họ. Nhưng đã có được một người thì hãy cố yêu lấy họ .... Có cánh chuồn nào trên vai bạn không ?
Và nếu bạn nhận được bài dịch này, chứng tỏ đang có một người nào đó yêu bạn, hoặc bởi vì bạn đang yêu quý một ai đó ở bên!

***********************

Ước gì có ai đó gửi cho mình bản dịch này nhỉ? Hic!
 
Chuộc lương tâm (Sưu tầm)


Cách đây hơn hai chục năm, hồi tôi học phổ thông cấp III, đồng hồ đeo tay còn là thứ xa xỉ phẩm khan hiếm. Một hôm, thằng bạn cùng bàn sắm được một chiếc đồng hồ mới toanh; nó đeo đồng hồ rồi xắn tay áo lên trông thật oách làm sao, khiến cả lớp phục lăn. Chỉ vài hôm sau đã thấy mấy thằng khác cùng lớp đua nhau sắm đồng hồ đeo tay. Ngay cả trong giấc mơ tôi cũng ao ước được như chúng nó: sắm một chiếc đồng hồ để mọi người trông thấy mà thèm.
Hôm chủ nhật, tôi về nhà chơi. Lấy hết lòng can đảm, tôi nói với mẹ: “Mẹ ơi, con muốn mua một cái đồng hồ đeo tay, mẹ ạ !” Mẹ tôi trả lời: “Con này, nhà mình đến cháo cũng sắp sửa chẳng có mà ăn nữa, lấy đâu ra tiền để sắm đồng hồ cho con ?” Nghe mẹ nói thế, tôi rất thất vọng, vội quáng quàng húp hai bát cháo rồi chuẩn bị về trường. Bỗng dưng bố tôi hỏi: “Con cần đồng hồ làm gì thế hả ?”
Câu hỏi của bố nhen lên một tia hy vọng trong lòng tôi. Rất nhanh trí, tôi bịa ra một câu chuyện: “Hồi này lớp con đang học ngày học đêm để chuẩn bị thi đại học, vì là lớp cuối nên bây giờ chúng con lên lớp không theo thời khoá biểu của trường nữa, cho nên ai cũng phải có đồng hồ để biết giờ lên lớp.” Nói xong, tôi nôn nóng chờ bố trả lời đồng ý; thế nhưng bố tôi chỉ ngồi xổm ngoài cửa chẳng nói câu nào.
Trở về ký túc xá nhà trường, tôi chẳng còn dám nằm mơ đến chuyện sắm đồng hồ nữa. Thế nhưng chỉ mấy hôm sau, bất chợt mẹ tôi đến trường, rút từ túi áo ra một túi vải hoa con tý rồi mở túi lấy ra một chiếc đồng hồ mác Thượng Hải mới toanh sáng loáng. Tôi đón lấy nó, đeo ngay vào cổ tay, trong lòng trào lên một cảm giác lâng lâng như bay lên trời. Rồi tôi xắn tay áo lên với ý định để mọi người trông thấy chiếc đồng hồ của mình.
Thấy thế, mẹ tôi liền kéo tay áo tôi xuống rồi bảo: “Con này, đồng hồ là thứ quý giá, phải lấy tay áo che đi để giữ cho nó khỏi bị sây xước chứ ! Con nhớ là tuyệt đối không được làm hỏng, lại càng không được đánh mất nó đấy ! Thôi, mẹ về đây.”
Tôi tiễn mẹ ra cổng trường rồi hỏi: “Sao nhà mình bỗng dưng lại có tiền thế hở mẹ ?” Mẹ tôi trả lời: “Bố mày bán máu lấy tiền đấy !”
Bố đi bán máu để kiếm tiền mua đồng hồ cho tôi ? Trời ơi ! Đầu óc tôi quay cuồng, ngực đau nhói. Tiễn mẹ về xong, tôi tháo chiếc đồng hồ ra, bọc kỹ mấy lớp vải như cũ cất vào cái túi con tý mẹ đưa. Ngay hôm ấy, tôi hỏi thăm các bạn xem có ai cần mua đồng hồ mới không. Các bạn hỏi tôi tại sao có đồng hồ mà lại không đeo, tôi bảo tôi không thích. Họ chẳng tin, cho rằng chắc hẳn đồng hồ của tôi có trục trặc gì đấy, vì thế chẳng ai muốn mua nó.
Cuối cùng tôi đành phải nhờ thầy chủ nhiệm lớp giúp tôi tìm người mua đồng hồ và thành thật kể lại đầu đuôi câu chuyện cho thầy nghe, vừa kể vừa nước mắt lưng tròng. Thầy chủ nhiệm nghe xong bèn vỗ vai tôi và nói: “Đừng buồn, em ạ. May quá, thầy đang cần mua một chiếc đồng hồ đây, em để lại nó cho thầy nhé !” Thầy trả tôi nguyên giá, còn tôi thì dùng số tiền đó nộp hai tháng tiền ăn ở nhà ăn tập thể. Có điều khó hiểu là sau đó chưa bao giờ tôi thấy thầy chủ nhiệm đeo đồng hồ cả. Mỗi lần tôi hỏi tại sao thì thầy chỉ cười không nói gì.
Về sau tôi thi đỗ đại học rồi ra trường và làm việc ở một tỉnh lỵ xa quê. Câu chuyện chiếc đồng hồ kia cứ mãi mãi đeo bám ám ảnh tôi.
Trong một dịp về quê thăm gia đình, tôi tìm đến nhà thầy chủ nhiệm cũ và hỏi chuyện về chiếc đồng hồ ấy. Thầy tôi bây giờ đã già, tóc bạc hết cả. Thầy bảo: “Chiếc đồng hồ vẫn còn đây.” Nói rồi thầy mở tủ lấy ra chiếc túi vải hoa nhỏ xíu năm nào mẹ tôi đưa cho tôi. Thầy mở túi, giở từng lớp vải bọc, cuối cùng chiếc đồng hồ hiện ra, còn mới nguyên !
Tôi kinh ngạc hỏi: “Thưa thầy, tại sao thầy không đeo nó thế ạ ?” Thầy chủ nhiệm từ tốn trả lời: “Thầy đợi em đến chuộc lại nó đấy !” Tôi hỏi tiếp: “Thưa thầy, vì sao thầy biết em sẽ trở lại xin chuộc chiếc đồng hồ ạ ?” Thầy bảo: “Bởi vì nó không đơn giản chỉ là chiếc đồng hồ, mà điều quan trọng hơn, nó là lương tâm của một con người.”
 
Giá như thời gian quay trở lạ i - Nguồn Internet
Tôi là một đứa con gái mạnh mẽ, mọi người gặp và tiếp xúc với tôi ai cũng có nhận xét như thế. Còn tôi... tôi thấy mình bình thường, chỉ là không thích khóc trước mặt người khác và không thích cái trò nũng nịu trẻ con mà thôi.

20 tuổi, tôi chưa có mối tình đầu. Tôi tự nhủ sẽ không yêu đương làm gì cho khổ, những người quanh tôi vì yêu đương thắm thiết nên mới phải sống khổ sống sở như thế. Mỗi lần về quê nhìn thấy chị Huyền- chị họ tôi điên điên, dại dại cùng cậu con trai đã đi học mẫu giáo mà chưa biết mặt bố làm cái suy nghĩ của tôi càng thêm được củng cố. Nếu sau này bắt buộc phải lấy chồng, tôi sẽ chọn một người nào đó chín chắn, giỏi giang, thà không được hạnh phúc còn hơn phải nếm nhiều đau khổ tủi nhục như thế.
Thời gian bạn bè hẹn hò yêu đương, ngồi ở nhà tôi dồn hết thời gian vào việc học. Tôi theo học chuyên ngành kinh tế nhưng thời gian rảnh tôi vẫn thường tự mày mò mua sách về học tiếng. Ngày đó internet không phổ biến như bây giờ nên việc tự học tiếng cũng không phải đơn giản.
Thế rồi vào giữa năm học thứ 2 của tôi ở trường đại học, tôi nghe các bạn trong lớp xôn xao về chuyện một trường đại học rất danh tiếng ở Mỹ cấp 100 suất học bổng toàn phần cho những sinh viên theo học chuyên ngành kinh tế nếu có đủ trình độ tiếng Anh. Tôi thực sự háo hức.
Nhưng tôi thường tự học tiếng Anh ở nhà, nghe băng rồi đọc theo nên phát âm cũng không chuẩn cho lắm, tự đọc tự viết nên việc học tiến triển rất chậm, nếu cứ tiếp tục học theo phương pháp đó thì đến cuối năm chắc chắn tôi sẽ không có đủ khả năng để săn học bổng. Tôi đặt mục tiêu cho mình nhất định phải giành được suất học bổng đó vì nếu lấy được bằng cử nhân ở một trường đại học như thế nhất định con đường tương lai của tôi sẽ rất rộng mở. Vậy là tôi quyết định phải thay đổi phương pháp học.
Nhờ anh trai tôi tìm cho một trung tâm dạy tiếng Anh, tôi bắt đầu miệt mài đi học. Nhưng ở trung tâm Anh ngữ đó giáo viên là người bản xứ, họ nói nhanh nên nhiều khi tôi không thể hiểu được họ đang diễn đạt điều gì. Dù đã cố gắng tập trung và về nhà có xem lại bài vở nhưng việc học có vẻ cũng không hiệu quả cho lắm.
Tôi chia sẻ điều này với anh tôi. Thế rồi để giúp tôi, anh nhờ một người bạn của mình đã tốt nghiệp trường đại học ngoại ngữ khoa Anh đến kèm cho tôi vào mỗi buổi tối tôi không bận đi học. Đó là lần đầu tiên tôi gặp anh- mối tình đầu sâu sắc có lẽ sẽ theo tôi đi hết cuộc đời này.
Anh hơn tôi 5 tuổi, là một con người đĩnh đạc và trầm tính. Đây là những đặc điểm mà sau này khi xa anh tôi mới phát hiện ra chứ lần đầu gặp mặt tôi không ấn tượng gì về anh cả. Phần vì anh không có một khuôn mặt quá đẹp trai để làm người khác choáng ngợp ngay từ lần đầu gặp mặt, phần vì tôi lúc đó đang quá lo nghĩ cho việc học của mình nên hầu như chẳng để ý được gì nhiều đến mọi thứ xung quanh.
Một tuần anh đến nhà tôi 3 buổi và dạy tôi cả buổi tối đến 10h. Lúc đầu tôi cũng không có cảm tình với anh vì anh ít nói quá, lại như một người thầy giáo nghiêm khắc, sẵn sàng quát và bắt tôi đọc đi đọc lại nhiều lần nếu tôi phát âm sai. Nhiều khi tôi còn cảm thấy ghét anh nữa, đôi mắt ẩn sau cặp kính cận rõ là hiền lành mà sao tính cách lại ghê gớm thế chứ. Nhưng vì sự nghiệp học hành, tôi đành cắn răng chịu đựng.
Anh là một người rất đúng giờ, thường thì ngày nào kèm tôi anh cũng đến vào đúng 8h. Vậy mà hôm đó đã 8h30 tôi vẫn chưa thấy anh đến, bỗng thấy trong lòng nóng như có lửa đốt. Tôi ngồi vào bàn, cố nhồi nhét những câu chữ tiếng Anh vô cảm vào đầu mà hình như chẳng nhớ được cái gì. Không thể được rồi, tôi quyết định gọi điện cho anh. Máy không liên lạc được.
Tôi nhờ anh tôi đến phòng trọ của anh xem tại sao hôm đó anh không đến kèm tôi nhưng anh không có ở phòng trọ. Vậy thì anh đi đâu nhỉ? Tôi không biết những chỗ anh ấy hay đến, hơn nữa tôi cũng chẳng phải là gì của anh ấy để mà đi tìm. Biết đâu anh ấy đang ở một cuộc vui nào đó mà quên mất việc phải kèm tôi thì sao? Tôi cố nghĩ như vậy nhưng vẫn thao thức cả đêm, không sao ngủ được.
Sáng hôm sau, tôi quyết định đến cơ quan anh thì biết được thì ra hôm qua anh bị ngã xe nên mới không đến được, may mà không sao. Vậy mà không báo gì cho tôi biết, tôi giận anh cả tuần đó, giờ nghĩ lại thấy mình thật vô lý, lúc đó tôi đâu là gì của anh để mà có quyền giận chứ.
Tôi giận hình như anh cũng biết nên ngày nào đến dạy anh cũng mua nào là ngô cay, nào là cóc cho tôi ăn. Lúc đầu tôi làm mặt lạnh tanh nhưng vì những câu xin lối dỗ dành của anh tôi cũng dần hết giận. Và cũng từ hôm đó anh ít quát tháo tôi thấy rõ, lại thường xuyên kể chuyện cười cho tôi nghe, những khi tôi sai chỉ nhẹ nhàng nhắc tôi đọc lại, hướng dẫn gì cũng rất ân cần.
Thỉnh thoảng vào những dịp lễ, anh hay rủ tôi ra ngoài chơi với tư cách những người độc thân, thỉnh thoảng anh cũng mua tặng tôi những món quà nhỏ. Lúc đầu tôi không để ý nhưng dần dần càng ngày tôi càng thấy anh đối xử với tôi khác trước nhưng lúc đó tôi rất hồn nhiên nên không nghĩ ngợi gì nhiều.
Thế rồi một hôm anh bảo tôi làm một bài luận ra vở, anh mang về chấm rồi hôm sau mang đến kêu tôi học bài mới, lúc nào anh về thì xem vở sau. Buổi hôm đó tôi thấy anh nói rất ít, lại hay lén nhìn tôi một cách khó hiểu, và không hiểu sao tôi cũng thấy rất ngượng khi bắt gặp ánh mắt ấy.
Tối hôm đó khi xem bài luận anh sửa cho, tôi thấy một bức thư được kẹp bên trong rơi ra. Nét chữ của anh thật nắn nót. Anh nói anh yêu tôi. Quãng thời gian 5 tháng bên tôi khiến anh nhận ra thật nhiều điều. Hôm ngã xe anh đã cố ý không gọi cho tôi và đã vô cùng hạnh phúc khi thấy tôi đến tìm anh vào sáng hôm sau. Tôi vỡ òa trong hạnh phúc. Nhưng sau giây phút hạnh phúc đó tôi đã ngạc nhiên vì chính những cảm xúc của mình, chẳng lẽ tôi đã yêu anh thật rồi? Không thể được, tôi còn mục tiêu đi du học ở phía trước, cái ý nghĩ trước đây của tôi lại trỗi dậy. Không được yêu, ý chí mách bảo tôi như thế. Và từ hôm đó tôi tránh mặt anh.
Tôi nhờ anh trai tôi gửi lời cám ơn đến anh và bảo anh từ giờ không cần đến kèm tôi học nữa. Hôm đó đứng len lén trên cầu thang tôi đã nhìn thấy rõ sự đau khổ hiện lên trong đôi mắt anh. Tôi thấy tim mình đau nhói nhưng ý chí vẫn thúc đẩy tôi. Anh tới tìm tôi ở trường, tôi tránh mặt không gặp. Anh nhờ anh trai tôi thuyết phục, tôi vẫn nhất định không thay đổi quyết định. Anh gửi thư cho tôi, tôi sợ đọc rồi sẽ bị những lời lẽ yêu thương của anh làm mềm lòng nên thường nhờ anh tôi gửi trả lại ngay sau đó.
Nhiều đêm ngồi học bên cửa sổ, tôi vén rèm nhìn xuống đường vẫn thấy anh đứng tựa lưng nhìn đăm đăm lên phòng tôi. Nước mắt tôi lại lặng lẽ lăn dài. Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn không hiểu tại sao ngày đó mình lại cứng rắn, lại nhẫn tâm như thế. Tôi đã không đủ chín chắn để nhận ra ràng anh là người đáng trân trọng nhất trong cuộc đời tôi.
Một tháng sau, tôi thi và giành được học bổng đi Mỹ. Tôi vẫn nhớ mãi ngày tôi bay, anh đứng ở vị trí quen thuộc của mình nhìn tôi lỉnh kỉnh vác mọi thứ lên xe ô tô đi ra sân bay, mắt anh đỏ hoe.
Tôi đã đọc bức thư cuối cùng anh gửi, đó là bức thư anh trai tôi đưa trước khi tôi lên máy bay. Trong thư anh nói anh không trách tôi, chúc tôi may mắn trên con đường tôi đã chọn. Và một điều nữa làm tôi thật bất ngờ, tôi là mối tình đầu của anh. Nước mắt tôi đã tuôn rơi như mưa ngay lúc đó. Bức thư ấy, cho đến bây giờ tôi vẫn còn giữ.
Bây giờ cả 2 chúng tôi đều đã có gia đình riêng. Chồng tôi rất yêu tôi nhưng những gì tôi dành cho chồng chỉ là tình thương và trách nhiệm. Qua anh trai tôi, tôi biết anh đã kết hôn với cô gái đã yêu anh suốt mấy năm đại học. Hôm gặp anh ở đám cưới anh trai tôi, chúng tôi không chào nhau. Anh đi lướt qua tôi nhưng sao trong ánh mắt anh nén nhìn tôi yêu thương vẫn đong đầy.
Giờ thì tôi đã hiểu thế nào là tình yêu, không được sống bên cạnh để chăm sóc người mình yêu mới là điều đau khổ nhất, là một mất mát lớn lao nhất. Đã 5 năm trôi qua nhưng nhiều khi tôi vẫn ước, giá như thời gian có quay trở lại, tôi sẽ không sắt đá, không ngang bướng như thế!
 
Gởi thetuong85,
truyện ngắn này đã đăng trên GPE rồi: http://www.giaiphapexcel.com/forum/showthread.php?16783-Lời-mẹ-yêu-Tặng-những-ai-đang-còn-mẹ&p=137732#post137732
Vả lại, không biết bạn đã copy từ đâu hay bạn tự viết, nhưng mà đọc mỏi mắt quá: Chấm phẩy không rõ ràng, sau dấu chấm phẩy không có khoảng trắng, có những từ dính liền nhau như thế đọc không nổi.
Tôi sẽ xoá bài của bạn sau 1 giờ nữa.
 
Cảm ơn thầy, đúng là em đã copy truyện này trên một trang web. Vì nguyên gốc chuyện đã vậy nên em chỉ chỉnh chút thôi. thấy câu chuyện hay nên post lên cho mọi người đọc. em rất cảm ơn lời góp ý của thầy^^
 
Tác giả: Chu Hải Lượng

Chị là Oshin – người giúp việc nhà cho một ông chủ ngoại ngũ tuần, rất giàu có. Đêm xuống, xong việc, vội vàng về với đứa con trai nhỏ 5 tuổi suốt ngày ngóng đợi trong căn nhà tồi tàn.

Hôm ấy, chủ nhà có lễ lớn, mời rất nhiều bạn bè quan khách đến dự tiệc đêm. Ông chủ bảo: Hôm nay việc nhiều, chị có thể về muộn hơn không? Thưa được ạ, có điều đứa con trai nhỏ quá, ở nhà tối một mình lâu sẽ sợ hãi. Ông chủ ân cần: Vậy chị hãy mang cháu đến cùng nhé.
Chị mang theo con trai đến. Đi đường nói với nó rằng: Mẹ sẽ cho con đi dự tiệc đêm. Thằng bé rất háo hức. Nó đâu biết là mẹ làm Oshin là như thế nào kia chứ! Vả lại, chị cũng không muốn cho trí tuệ non nớt của nó phải sớm hiểu sự khác biệt giữa người giàu kẻ nghèo. Chị âm thầm mua 2 chiếc xúc xích.
Khách khứa đến mỗi lúc mỗi đông. Ai cũng lịch sự. Ngôi nhà rộng và tráng lệ… Nhiều người tham quan, đi lại, trò chuyện. Chị rất bận không thường xuyên để mắt được đến đứa con nhếch nhác của mình. Chị sợ hình ảnh nó làm hỏng buổi lễ của mọi người. Cuối cùng chị cũng tìm ra được cách: đưa nó vào ngồi trong phòng vệ sinh của chủ… đó có vẻ như là nơi yên tĩnh và không ai dùng tới trong buổi tiệc đêm nay.
Đặt 2 miếng xúc xích vừa mua để vào chiếc đĩa sứ, chị cố lấy giọng vui vẻ nói với con: Đây là phòng dành riêng cho con đấy, nào tiệc đêm bắt đầu! Chị dặn con cứ ngồi yên trong đó đợi chị đón về. Thằng bé nhìn “căn phòng dành cho nó” thật sạch sẽ thơm tho, đẹp đẽ quá mức mà chưa từng được biết. Nó thích thú vô cùng, ngồi xuống sàn, bắt đầu ăn xúc xích được đặt trên bàn đá có gương, và âm ư hát… tự mừng cho mình.
Tiệc đêm bắt đầu. Người chủ nhà nhớ đến con trai chị, gặp chị đang trong bếp hỏi. Chị trả lời ấp úng: Không biết nó đã chạy đi đằng nào. Ông chủ nhìn chị làm thuê như có vẻ giấu diếm khó nói. Ông lặng lẽ đi tìm. Qua phòng vệ sinh thấy tiếng trẻ con hát vọng ra, ông mở cửa, ngây người: Cháu nấp ở đây làm gì? Cháu biết đây là chỗ nào không? Thằng bé hồ hởi: "Đây là phòng ông chủ nhà dành riêng cho cháu dự tiệc đêm, mẹ cháu bảo thế, nhưng cháu muốn có ai cùng với cháu ngồi đây cùng ăn cơ".
Ông chủ nhà thấy sống mũi mình cay xè, cố kìm nước mắt chảy ra, ông đã rõ tất cả, nhẹ nhàng ngồi xuống nói ấm áp: "Con hãy đợi ta nhé". Rồi ông quay lại bàn tiệc nói với mọi người hãy tự nhiên vui vẻ, còn ông sẽ bận tiếp một người khách đặc biệt của buổi tối hôm nay. Ông để một chút thức ăn trên cái đĩa to, và mang xuống phòng vệ sinh. Ông gõ cửa phòng lịch sự. Thằng bé mở cửa. Ông bước vào: "Nào chúng ta cùng ăn tiệc trong căn phòng tuyệt vời này nhé".
Thằng bé vui sướng lắm. Hai người ngồi xuống sàn vừa ăn ngon lành vừa chuyện trò rả rích, lại còn cùng nhau nghêu ngao hát nữa chứ. Mọi người cũng đã biết. Liên tục có khách đến ân cần gõ cửa phòng vệ sinh, chào hỏi hai người rất lịch sự và chúc họ ngon miệng, thậm chí nhiều người cùng ngồi xuống sàn hát những bài hát vui của trẻ nhỏ. Tất cả đều thật chân thành, ấm áp.
Nhiều năm tháng qua đi, cậu bé đã rất thành đạt, trở nên giàu có, vươn lên tầng lớp thượng lưu trong xã hội, nhưng không bao giờ quên giúp đỡ những người nghèo khó chăm chỉ. Một điều quan trọng đã hình thành trong nhân cách của anh: Ông chủ nhà năm xưa đã vô cùng nhân ái và cẩn trọng bảo vệ tình cảm và sự tự tôn của một đứa bé 5 tuổi như thế nào.
 
Câu chuyện trên hay thật, thực sự; sự tôn trọng đúng lúc và lòng chân thành thương người sẽ mang lại nhiều phép lạ nhỉ.... ^^, những ông tiên giữa đời thường, em đã từng nghe ai nói như vậy.
 
Câu chuyện buồn quá. Thêm một góc nhìn về tình yêu, lòng bao dung và những giận hờn!
Cảm ơn bạn đã post câu truyện này!
 
Vừa hay vừa buồn. Cảm ơn bạn nhé !
 
chọn cách quên
1. Chia tay rồi. Chi xếp những thứ đồ anh tặng vào một chiếc thùng carton cũ. Cũng không nhiều nhặn gì, chỉ là Chi cảm thấy khó chịu mỗi lần nhìn thấy chúng. Bất kể thứ gì cũng làm Chi nhớ đến anh, nhớ đến những tháng ngày hai người còn chung bước. Lúc này, Chi trở nên nhạy cảm và mong manh hơn bao giờ hết.
Sự thực là Chi mới là người nói chia tay trước. Nhưng xét cho cùng, thì việc người nói chia tay là ai đi chăng nữa cũng đâu có quan trọng bằng việc ta phải quên đi tình yêu đó, để những kí ức xưa cũ không làm xáo trộn cuộc sống hiện tại. Quên ư ? Có thể dễ dàng buông ra một câu nói quên rồi quên hẳn hay không ? Hay sẽ vẫn còn lại trong lòng những kí ức nhập nhằng bất định ?
Chi tự hài lòng khi lớp phấn dầy cộp trên mặt cuối cùng cũng che được đôi mắt thâm quầng sưng mọng. Cả một đêm thức trắng. Cái cảm giác cơ mắt căng ra mà vẫn không ghì được nước mắt quả thật chẳng dễ chịu gì. Chi cũng không hiểu tại sao mình khóc. Không đau đớn. Không dằn vặt. Không tiếc nuối. Chỉ có một cái gì đó, vô hình, mơ hồ cứ đè nặng tâm can đến nghẹt thở.
Đi làm. Mắt dán chặt vào màn hình máy tính. Tập trung hoàn toàn vào công việc. Một sức mạnh vô hình nào đó đã ngăn không cho não bộ còn tồn tại bất cứ một gợn nghĩ nào khác ngoài những con số chằng chịt đang nhấp nháy trên màn hình.
12h.
Đồng nghiệp ríu ran rủ đi ăn trưa. Lắc đầu. Thoáng nhìn thấy những ánh mắt khác lạ, Chi cụp mắt, giải thích bâng quơ. Hình như buột miệng nhắc tới một cái tên nào đó. Lại thấy thái dương giật liên hồi.
Những tiếng giày cao gót đều đặn nện xuống nền gạch nhỏ dần rồi biến mất. Thứ tạp âm đang ong gong trong đầu cũng lịm đi rồi.
Chi thấy mệt mỏi. Cả người mềm nhũn. Khép chặt mi mắt gần như đã tê dại, Chi ngủ thiếp đi.
Thơm quá ! Là mùi thơm béo ngậy của cá kho tộ và củ cải đường ! Chi choàng tỉnh, đầu vừa nghĩ tới một khuôn mặt thân thuộc đang cười với cô, tay anh cầm dĩa cơm trắng, bên trên là cá kho tộ và củ cải đường nghi ngút khói.
- Định tự kết liễu cuộc đời đấy hả ? Dậy ăn đi !
Không phải anh ! Trước mặt là Tú-anh chàng đồng nghiệp trẻ măng, tay cầm một hộp cơm có màu xanh đậm đến nhức mắt.
- Không muốn ăn !
Bụng chợt sôi ọc ọc. Hình như bữa ăn gần nhất cũng là từ trưa hôm qua. Tú cười, má lúm đồng tiền. Một nụ cười châm chọc. Đột nhiên thấy ghét cái má lúm đó ghê gớm.
- Cười cái gì. Đưa cơm đây !
Tú mở nắp hộp. Những miếng cá màu nâu óng mỡ. Hình như ai cũng biết Chi thích ăn cá thì phải.
- Bị sao thế ? Thỉnh thoảng muốn vào vai cô nàng bí ẩn à ?
- Thất tình thôi.
Chi ăn ngấu nghiến. Giờ cô mới nhận ra rằng mình đang rất đói.
- Gớm thật !-Tú đứng tựa vào cửa sổ, tay vuốt cằm ra điều nghĩ ngợi mông lung lắm, cuối cùng thốt lên một câu xanh rờn-Chị bị anh ta « đá » à ?
- Không-Chi bình thản gắp miếng củ cái lớn bỏ vào miệng-Là tôi nói chia tay trước.
- Ồ-Tú ngạc nhiên-Vậy rốt cục là do chị không chịu đựng được việc anh ta còn đi lại với cô người yêu cũ xinh đẹp ?
Có cái gì đó vừa ào tới. Đau nhói.
- Chuyện không phải của cậu. Quan tâm làm gì.
- Sao lại không liên quan. Tôi đã nói ngay từ đầu với chị là nên dứt khoát với anh ta rồi. Đàn ông kiểu gì mà…
- Ý cậu là sao ? Anh ấy làm sao ? Đàn ông kiểu gì là kiểu gì hả ?
Chi gào lên. Khuôn mặt đỏ bừng giận dữ. Hai mắt trợn trừng nhìn Tú.
Lặng im.
Tú hình như đã bỏ đi từ lâu rồi. Hộp cơm nguội ngắt.
Điều hòa kêu ro ro.
Lạnh. Chi thực sự thấy rất lạnh.
2. Không ngủ được. Người ta bảo nghe nhạc sẽ dễ ngủ hơn. Chi mở điện thoại. Cô không thích nghe nhạc nên giờ trong máy chỉ có vài bài hát Tú gửi bằng bluetooth sang cho.
Giờ này Tú chắc vẫn còn ấm ức lắm. Nhưng chả trách Chi nóng giận được, là tại cậu ta nhiều chuyện trước.
Chi sinh trước Tú có ba tháng, nhưng vẫn là trước một năm, nên luôn xưng chị. Tú bảo không chấp người già, nên cũng gọi Chi là chị, nhưng nhất quyết không xưng « em », lúc nào cũng « tôi-chị ».
Điện thoại rung. Là tin nhắn của Tú:
-« Không ngủ được hả? Mở máy mà nghe nhạc, có vài bài ru ngủ thì phải.”
-“ Không giận tôi nữa à?”
- “Giận thì được cho tiền à?”
- “:D
-“ Cái icon chả liên quan.Ngủ sớm đi. 1h sáng rồi đấy.”
Tay miết dọc màn hình điện thoại. Chi vừa mở một bài gì đó, trong tên bài hát có một chữ “quên”:
...Người ra đi để lại tình yêu và nỗi nhớ
Em góp lại cho mình những kỉ niệm không tên
giấu trong tim
Đau
chỉ riêng mình em biết
Quên anh
là một điều không thể
Anh có nhớ nơi mình từng hò hẹn
vòm lá xanh cao, lấp lánh tiếng cười
Từng nơi ta qua giờ chỉ còn là rêu bụi
Và chút xót thương
em cất lại
ở trong lòng…”
Giờ này chắc anh đang ở bên cô ấy, rất hạnh phúc, và quên em rồi, phải không?
Ngủ quên. Trong những cơn mơ ngập tràn kỉ niệm.
3. 39 độC. Chi uể oải đặt chiếc cặp nhiệt độ lên bàn. Sốt cao quá. Đành gọi điện cho sếp xin nghỉ việc. Nghe thấy tiếng sếp cằn nhằn hai ba câu rồi cúp máy.
Thấy nhớ nhà da diết. Phải chi có mẹ ở bên lúc này.
Sẽ nghe thấy tiếng “Chi ngốc” ngọt ngào của mẹ. Rồi mẹ sẽ cuống lên đi mua thuốc, đắp khăn ướt lên trán rồi nấu món cháo cá mà Chi thích.
Rồi Chi sẽ nũng nịu đòi mẹ làm thứ này thứ khác.
Chi choàng tỉnh dậy. Đầu vẫn đau như búa bổ
Trong giấc mơ, thấy nụ cười rạng ngời của mẹ.
Vẫn chưa hạ sốt. Lạnh quá. Chi tắt điều hòa rồi lại chui vào chăn nằm co ro.
Có tiếng chuông cửa.
Chi bịt tai lại, trùm chăn kín mít.
Chuông reo thêm vài tiếng rồi im bặt.
Đến lượt chuông điện thoại reo.
Chi bực tức vơ lấy cái điện thoại, thấy cái mặt Tú đang cười nhăn nhở trên màn hình
-“Cái gì đấy?”
-“Ra mở cửa cho tôi!”
Chi ra mở cửa rồi leo lên giường nằm. Với Chi và với căn hộ này, Tú không phải là người lạ.
Một bàn tay ấm đặt nhẹ lên trán. Chi mặc kệ. Mắt nhắm chặt. Nếu là bình thường, Chi sẽ nhảy dựng lên và buộc tội Tú đang “xâm phạm thân thể” cô rồi.
Giá mà Chi đủ sức để nhảy dựng lên...
Tú nấu cho Chi một bát cháo cá thơm lừng. “Kì cục, con trai gì mà nấu ăn ngon thế không biết!” Chi ngoan ngoãn ăn hết cháo, nhăn nhó uống hết đống thuốc xanh đỏ Tú đưa cho rồi lại đi ngủ.
Khi tỉnh dậy trời cũng nhá nhem tối. Đã thấy khỏe lên nhiều. Dụi mắt. Thấy Tú đang ngủ trên chiếc ghế tựa. Bây giờ mới để ý thấy Tú khá...đẹp trai. Từng đường nét đều rất nam tính, chứ không trẻ con như cách nói chuyện. Mà chẳng phải Tú luôn rất được lòng chị em ở công ty hay sao. Không đẹp trai mới lạ!
Chi đưa tay ra, suýt chút nữa là chạm vào cái mũi cao đó.
- Làm cái gì thế?- Tú hếch cằm.
- Không-Chi rụt tay lại, cười khì-Tại có con muỗi.
Tú trề môi. Đấy, thế chẳng phải rất trẻ con còn gì. Tú nhìn đồng hồ, vừa khoác áo vừa nói:
-Tôi về đây. Đồ ăn hâm lại bằng lò vi sóng là được. Ăn xong nhớ uống thuốc-Tú ngập ngừng-Còn chuyện kia, quên được thì tốt, không thì đừng cố quên làm gì. Đôi khi cũng cần giữ một thứ gì đó để lòng khỏi trống trải.
Cái bóng cao lớn gần mất hút ở cửa thì Chi mới thốt lên: “Cảm ơn nha!”
Chi nghe thấy rõ hai tiếng: “Chi ngốc”. Rồi cửa đóng sập lại.
Căn bếp vẫn còn ấm mùi đun nấu. Đồ Tú làm đúng là không chê vào đâu được. Chi bấm nút gửi tin nhắn:
- “Tay nghề của cậu không làm đầu bếp hơi phí”
Chi lẩm nhẩm: “Thần kinh! Làm đầu bếp thì quen được chị à?”.
Điện thoại báo có tin nhắn mới:
- Thần kinh! Làm đầu bếp thì quen được chị à?
Chi bật cười thành tiếng. Bỗng thấy lòng nhẹ nhõm hẳn.
Tú nói đúng, chẳng phải ép buộc quên đi kí ức làm gì. Kỉ niệm thì vẫn mãi là kỉ niệm. Quá khứ thì chẳng cách nào chỉ nói quên mà rũ bỏ được tất thảy. Chi bằng cứ giữ lại chúng như khi người ta giữ lại những niềm vui và nỗi buồn, phần để an ủi bản thân khi mềm yếu, phần để tự tin cho con tim một cơ hội khác để yêu thương.
Không còn những cơn mộng mị, Chi ngủ một giấc yên lành.
4. Trang điểm nhẹ. Đi làm. Chi khe khẽ hát vài câu vu vơ. Cười thật tươi với đồng nghiệp. Sếp lại càu nhàu vài câu, nói tuổi trẻ bây giờ toàn coi thường sức khỏe. Mọi chuyện đang dần quay trở lại bình thường. Mà không, có lẽ mọi chuyện giữa hôm qua và hôm nay vốn chẳng khác nhau là mấy, chỉ có con người đổi khác mà thôi.
Tú nghỉ làm. Nghe mấy chị đồng nghiệp bảo là bị ốm. Bây giờ mới hiểu hết câu nói của sếp ban nãy.
Quay sang nhìn chỗ ngồi bên cạnh trống trơn. Thấy hụt hẫng lạ.
Lôi điện thoại ra nhắn tin cho Tú. Chẳng biết từ khi nào, Chi lại có thói quen nhắn tin như vậy.
- Bị lây ốm rồi à? Muốn ăn gì nào. Chuẩn bị tinh thần trưa tôi qua nhé!
Ngoài kia, trời vừa hửng nắng.
1709917181_550938_339445039463774_1335461682_n.jpg

Mộc Lan Hương
Nguồn : blog tầm tay
 
Lần chỉnh sửa cuối:
Tác giả: Chu Hải Lượng

Chị là Oshin – người giúp việc nhà cho một ông chủ ngoại ngũ tuần, rất giàu có. Đêm xuống, xong việc, vội vàng về với đứa con trai nhỏ 5 tuổi suốt ngày ngóng đợi trong căn nhà tồi tàn.

Hôm ấy, chủ nhà có lễ lớn, mời rất nhiều bạn bè quan khách đến dự tiệc đêm. Ông chủ bảo: Hôm nay việc nhiều, chị có thể về muộn hơn không? Thưa được ạ, có điều đứa con trai nhỏ quá, ở nhà tối một mình lâu sẽ sợ hãi. Ông chủ ân cần: Vậy chị hãy mang cháu đến cùng nhé.
Chị mang theo con trai đến. Đi đường nói với nó rằng: Mẹ sẽ cho con đi dự tiệc đêm. Thằng bé rất háo hức. Nó đâu biết là mẹ làm Oshin là như thế nào kia chứ! Vả lại, chị cũng không muốn cho trí tuệ non nớt của nó phải sớm hiểu sự khác biệt giữa người giàu kẻ nghèo. Chị âm thầm mua 2 chiếc xúc xích.
Khách khứa đến mỗi lúc mỗi đông. Ai cũng lịch sự. Ngôi nhà rộng và tráng lệ… Nhiều người tham quan, đi lại, trò chuyện. Chị rất bận không thường xuyên để mắt được đến đứa con nhếch nhác của mình. Chị sợ hình ảnh nó làm hỏng buổi lễ của mọi người. Cuối cùng chị cũng tìm ra được cách: đưa nó vào ngồi trong phòng vệ sinh của chủ… đó có vẻ như là nơi yên tĩnh và không ai dùng tới trong buổi tiệc đêm nay.
Đặt 2 miếng xúc xích vừa mua để vào chiếc đĩa sứ, chị cố lấy giọng vui vẻ nói với con: Đây là phòng dành riêng cho con đấy, nào tiệc đêm bắt đầu! Chị dặn con cứ ngồi yên trong đó đợi chị đón về. Thằng bé nhìn “căn phòng dành cho nó” thật sạch sẽ thơm tho, đẹp đẽ quá mức mà chưa từng được biết. Nó thích thú vô cùng, ngồi xuống sàn, bắt đầu ăn xúc xích được đặt trên bàn đá có gương, và âm ư hát… tự mừng cho mình.
Tiệc đêm bắt đầu. Người chủ nhà nhớ đến con trai chị, gặp chị đang trong bếp hỏi. Chị trả lời ấp úng: Không biết nó đã chạy đi đằng nào. Ông chủ nhìn chị làm thuê như có vẻ giấu diếm khó nói. Ông lặng lẽ đi tìm. Qua phòng vệ sinh thấy tiếng trẻ con hát vọng ra, ông mở cửa, ngây người: Cháu nấp ở đây làm gì? Cháu biết đây là chỗ nào không? Thằng bé hồ hởi: "Đây là phòng ông chủ nhà dành riêng cho cháu dự tiệc đêm, mẹ cháu bảo thế, nhưng cháu muốn có ai cùng với cháu ngồi đây cùng ăn cơ".
Ông chủ nhà thấy sống mũi mình cay xè, cố kìm nước mắt chảy ra, ông đã rõ tất cả, nhẹ nhàng ngồi xuống nói ấm áp: "Con hãy đợi ta nhé". Rồi ông quay lại bàn tiệc nói với mọi người hãy tự nhiên vui vẻ, còn ông sẽ bận tiếp một người khách đặc biệt của buổi tối hôm nay. Ông để một chút thức ăn trên cái đĩa to, và mang xuống phòng vệ sinh. Ông gõ cửa phòng lịch sự. Thằng bé mở cửa. Ông bước vào: "Nào chúng ta cùng ăn tiệc trong căn phòng tuyệt vời này nhé".
Thằng bé vui sướng lắm. Hai người ngồi xuống sàn vừa ăn ngon lành vừa chuyện trò rả rích, lại còn cùng nhau nghêu ngao hát nữa chứ. Mọi người cũng đã biết. Liên tục có khách đến ân cần gõ cửa phòng vệ sinh, chào hỏi hai người rất lịch sự và chúc họ ngon miệng, thậm chí nhiều người cùng ngồi xuống sàn hát những bài hát vui của trẻ nhỏ. Tất cả đều thật chân thành, ấm áp.
Nhiều năm tháng qua đi, cậu bé đã rất thành đạt, trở nên giàu có, vươn lên tầng lớp thượng lưu trong xã hội, nhưng không bao giờ quên giúp đỡ những người nghèo khó chăm chỉ. Một điều quan trọng đã hình thành trong nhân cách của anh: Ông chủ nhà năm xưa đã vô cùng nhân ái và cẩn trọng bảo vệ tình cảm và sự tự tôn của một đứa bé 5 tuổi như thế nào.

Mình thích câu chuyện này nhất, có ý nghĩa...hay
 
Web KT

Bài viết mới nhất

Back
Top Bottom