Ai sướng hơn ai?

Liên hệ QC

BNTT

Bùi Nguyễn Triệu Tường
Thành viên danh dự
Tham gia
3/7/07
Bài viết
4,946
Được thích
23,206
Nghề nghiệp
Dạy đàn piano
Ai sướng hơn ai?

Đôi giày “bấp bơ”


Chị dừng chiếc xe đạp cũ chở một giỏ xế cam còn đầy cho tựa vào bức tường, rồi bắt điện thoại, nói oang oang: “Sao, ở nhà mấy đứa có vui không?... Nói mấy em lo học, vài bữa nữa má dìa... À, cái đôi giày “bấp bơ” (búp bê) con út mang có vừa không?... Vậy hả? Thôi… con nói nó mang ráng vậy được rồi, năm sau chưn (chân) to lên là vừa, má đỡ mua giày mới… Ừ, má nhớ tụi mày lắm... Thôi vầy đã nghen. Má đi bán. Vài bữa tết má về có tiền mua quần rinh (jeans) cho mày. À, mà mày chưn cẳng dài, chừ bận cỡ số mấy là vừa để biết đường mua?”.

Chị. Người đàn bà trạc năm mươi. Quê Bình Định. Chị làm nghề bán cam dạo ở Sài Gòn. Gánh cam cuối năm ế. Giờ xế trưa rồi mà cái giỏ xế còn đầy. Tiếng rao giọng quê nhoi nhói của người đàn bà có dáng người xốc vác cứ căng lên giữa ban trưa, trong con hẻm nhỏ Sài Gòn.

Cuộc điện thoại oang oang của chị làm cho vài người mất giấc ngủ trưa. Không phải bởi vì âm lượng. Mà vì cái giọng nói quê rặt, câu chuyện có vẻ lạ lùng mà ai cũng muốn lắng nghe và nắm bắt.

Đôi giày “bấp bơ”, cái quần “rinh” và một giỏ cam còn đầy cả tiếng rao luồn qua những ngõ hẻm Sài Gòn giữa xế trưa ngày cuối năm nắng hanh lạnh làm cho cái khoảng lặng trước giấc ngủ trưa của kẻ nhàn rỗi nhập cư cũng chất đầy nôn nao.

Hắn nhớ, mình cũng có một miền quê để vài hôm nữa, trở về…


Kẻ yêu đời số một


Cuối năm. Ai cũng tất bật. Tôi thấy Thông vẫn vui như mọi ngày. Thông là người bán vé số có thể được bình chọn là lạc quan nhất trên đời. Hai chân liệt, teo cơ. Phải ngồi xe lăn. Mỗi lần mời vé số, anh phải đi bằng hai tay. Hai tay vận động nhiều nên bắp gân nổi cuồn cuộn, khòng ra dài như tay vượn. Mặt Thông đầy mụn. Miệng nhọn như miệng chích choè. Nhưng nói bô lô ba la suốt. Có khi một mình trên xe lăn, kẹt giữa rừng xe máy, mặt nào cũng căng thẳng, nhưng chàng trai ngồi xe lăn bán vé số vẫn nghêu ngao hát một bản nhạc chế gì đó ngây ngô, nghe mắc cười.

Cứ như thể cái công việc ấy chẳng có gì phải rầu rĩ. Bán vé số với chàng trai này như thể một cuộc rong chơi và quen biết. Cái thân hình tật nguyền ấy chẳng có gì phải buồn tủi. Anh hồn nhiên nhìn mọi người, hồn nhiên vui đùa, mời được khách mua vé số thì cũng vui, không mời được cũng chẳng lấy làm buồn. Và kết quả mà ông trời, thông qua cái tâm tính lạc quan đã ban tặng cho Thông đó là, xấp vé số của anh luôn hết sớm hơn những người đủ tay chân khoẻ mạnh làm cùng nghề.

Có người nói, nhiều bữa chẳng muốn mua, đang rầu đời vì công việc, thế sự, đi uống cà phê gặp Thông, tự nhiên lại móc bóp cầu hên. Rồi về trong tâm trạng nhẹ nhõm. Lại có bữa về mặt mày hớn hở, đồng nghiệp công ty thắc mắc, chỉ có thể trả lời là: “Thằng vé số sáng nay hát cái bài nhạc chế trong phim Bao Công nghe vui tai quá, tự nhiên thấy yêu đời…”.

Những ngày cuối năm, tôi la cà ở những quán cóc cà phê từ hẻm 47 Phạm Ngọc Thạch đến cà phê Bông giấy Trần Quốc Thảo, chốc chốc lại thấy Thông “chao liệng” qua một vòng với cái khuôn mặt lúc nào cũng vui vẻ với vài câu hát nhạc chế nghe cũng tầm bậy, nhưng đầy hài hước. Thông hát như thể cái cuộc đời mà ai cũng chau mày bóp trán ấy hoá ra chẳng có gì là quan trọng. Có hôm trước mấy em xinh đẹp ngồi vắt tréo chân chảnh choẹ uống cà phê, Thông đến mời mua vé số rồi lại còn tự trào: “Chiếc Cam-Ri này chạy bền lắm nghe. Xe đại gia toàn chở mấy em chân dài không đó…”.

Khi đôi chân không lành lặn thì đôi tay đã trở nên phi thường. Trí não, ý chí cũng trở nên phi thường.

Nhìn mấy ông bạn đang vò đầu ưu tư buồn bã chuyện làm ăn xuống dốc, chuyện sự đời đen bạc nọ kia, rồi nhìn sang kia thấy Thông đang đứng bằng mông, chống bằng tay với một khuôn mặt lúc nào cũng tươi cười đùa giỡn được, tự hỏi, đời ai sướng hơn ai?


Giấc ngủ ngon trên dòng nước đen


Mỗi lần ngang qua kênh Nhiêu Lộc là lồng ngực lại nóng ứ, khó thở vì cái mùi thối từ dưới dòng nước đen ngòm đang đặc quánh không gian. Nhiều năm rồi, sống sau xóm kênh một dãy nhà, vậy mà chưa thích nghi được cái mùi kênh ngột ngạt.

Nhưng chiều nay, lạ lắm. Gã dừng xe lại trên cầu kênh Nhiêu Lộc và nhìn ngắm một quanh cảnh lạ: những chiếc xà lan chở cát đang xếp một hàng dài dưới những cần trục đã nghỉ, bên cạnh hai toà chung cư mọc lên hiện đại như một tương phản với một bối cảnh ô nhiễm, ngổn ngang. Trên một chiếc xà lan ngổn ngang vôi vữa, trên dòng nước đen và mùi hôi thối ấy, là cái cảnh một cặp vợ chồng công nhân (có lẽ thế, vì ai dám đánh thức họ dậy để hỏi mối quan hệ của họ là gì?) đắp mền ngủ sau một ngày lao động mệt mỏi. Mặc cho chiều đang buông ráng đỏ một góc phố lô nhô. Mặc cho dòng kênh đang ra sức thở mùi ô nhiễm. Họ nằm cạnh nhau ngủ ngon lành hơn cả những tình nhân ngủ trong khách sạn năm sao. Phía sau họ, là một chiếc võng, cũng móc trên xà lan, một ông già nằm đòng đưa nhìn về phía con đường cuối năm vội vàng.

* * *

Những ngày cuối năm, không phải riêng gã, hình như ai cũng đang tìm cho mình một khoảng lặng sau một khoảng vật lộn với biết bao khó khăn, ai cũng được dự báo rằng rồi một năm mới sẽ không mấy lạc quan.

Vậy thì cảm giác vui sống được cứu rỗi thế nào? Có phải là từ những khoảng lặng rất ư bình thường qua sự nôn nao của bà mẹ quê lên phố mần ăn, sắp được trở về với bầy con thơ, qua nụ cười của anh bán vé số tật nguyền nhưng yêu đời hay qua một giấc ngủ của đôi vợ chồng trẻ công nhân trên dòng kênh đen ngòm và thối nhẵng…

Những điều nhỏ bé giản đơn trong đời sống ấy đó có đủ để gã tìm thấy chút nhẹ lòng hay lại nặng lòng hơn?

Nguyễn Vĩnh Nguyên
(Nguồn: Báo Sài gòn tiếp thị số 9, ngày 21/1/2009)
 
Web KT
Back
Top Bottom