Nói chung là không có 1 file phân tích nào dùng chung cho các công ty cả, chỉ có lý thuyết là chung thôi. Một người lập kế hoạch phải là người am hiểu công ty. Ở đây là bạn đang lập kế hoạch cho một công ty thực tế, được sử dụng có ích cho công ty, do đó phải gắn liền, bám sát với đặc trưng, năng lực của công ty.
Dựa vào file (với những con số tổng quát) của bạn, tôi gợi ý cần phải thực hiện một số việc sau:
1. Các số liệu của bạn dựa trên cơ sở nào? -> hãy thuyết minh:
Ví dụ:
- Doanh thu:
+ Tìm hiểu về thị trường đầu ra (thông tin thị trường chung, thông tin ngành, thông tin về các đối thủ cạnh tranh, khách hàng đầu ra, khách hàng truyền thống, lợi thế cạnh tranh, công nghệ của công ty bạn là gì?...)
+ Cơ cấu doanh thu là gì? (ví dụ: sản xuất ra sản phẩm gì, cung ứng dịch vụ gì, thương mại hàng hóa gì, xây dựng cơ bản công trình gì/ dự thầu công trình nào?, sản phẩm của dự án này, tỷ lệ % doanh thu)
+ Doanh thu dự kiến trên các cơ sở giả định nào? (công suất thiết kế, công nghiệ, khả năng tiêu thụ, giá bán…) Từ đó để biện luận cho mức độ tin cậy của con số tính toán ra doanh thu.
- Chi phí:
+ Cơ cấu chi phí là gì? (gồm biến phí và định phí, ví dụ: kinh doanh taxi, biến phí là xăng dầu, lương, bảo dưỡng, sửa chữa: lốp, ắc quy, phụ tùng thay thế, dầu nhờn, mỡ bôi trơn…, lãi vay vốn lưu động; định phí: Chi phí quản lý, thuế đất bãi, lãi vay trung dài hạn…) -> tạo ra công thức tính toán chi phí
+ Phân tích cụ thể từng chi phí: nhà cung cấp như thế nào, phương thức thanh toán ra sao, mức độ phụ thuộc của nguyên liệu, hàng hóa đầu vào, mức độ tiêu hao nhiên liệu, chế độ bảo dưỡng, chi phí chuyên gia, chi phí lắp đặt, chạy thử, số lượng người lao động là bao nhiêu…
Nói chung là các chi phí phải cụ thể, có căn cứ, là thực tế của doanh nghiệp
- Kế hoạch vốn như thế nào:
+ Vốn tự có, vốn vay
+ Thời gian trả nợ
+ Phương thức trả nợ
+ Kế hoạch khấu hao…
- Bạn tính toán lãi suất chiết khấu như thế nào, trên cơ sở nào.
2. Phân tích Kết quả kinh doanh dự kiến Dựa trên cơ sở doanh thu, chi phí để lập ra bảng kết quả kinh doanh dự kiến trong các năm tới
3. Cân đối nguồn trả nợ (ví dụ: dựa trên khấu hao và lợi nhuận sau thuế…)
4. Phân tích các chỉ số: (NPV, IRR, ROI, ROE, công suất hòa vốn, doanh thu hòa vốn, thời gian hoàn vốn…)
5. Phân tích biến động (phân tích độ nhạy với các giả định biến đổi: 1 chiều hoặc 2 chiều; dự báo nếu có thể (dựa trên các phân bố xác suất)…)
Đó là 1 vài ý sơ lược để bạn hình dung ra vấn đề, trên giảng đường đại học chỉ là thao trường thôi bạn à, đi làm thì phải làm thật, làm nghiêm túc, nó là căn cứ của việc đưa ra quyết định, hạn chế rủi ro.
* Bạn thử suy nghĩ về 3 ngành chính: Sản xuất, công nghiệp; Thương mại, dịch vụ; Xây dựng cơ bản có gì khác nhau không nhé (gợi ý: quy mô, cơ cấu tài sản, nguồn vốn (Tài sản ngắn hạn, dài hạn, nợ vay, vốn chủ sở hữu), vòng quay/ thời gian vốn lưu động (vòng quay phải thu, hàng tồn kho…), quy mô lao động, công nghệ, nhà xưởng, bãi, kho...)