H/dẫn xếp lương đối với người lao động TN cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề

Liên hệ QC

Người Đưa Tin

Hạt cát sông Hằng
Thành viên danh dự
Tham gia
12/12/06
Bài viết
3,661
Được thích
18,158
Tháng 6/2011, Bộ Lao Động, Thương Binh và Xả Hội cùng Bộ Nội Vụ cùng dự thảo: Hướng dẫn xếp lương đối với người lao động tốt nghiệp cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề


vxrcgq3x4ykfgw8.jpg

Ảnh mang tính minh hoạ

Nội dung chi tiết thông tư liên tịch:

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn xếp lương đối với người lao động tốt nghiệp cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề


  • Căn cứ Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương;
  • Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;
  • Căn cứ Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước;
  • Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
  • Căn cứ Nghị định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
  • Liên tịch Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương đối với người lao động tốt nghiệp cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội từ Trung ương đến xã, phường, thị trấn.

2. Đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và đơn vị sự nghiệp thuộc các loại hình doanh nghiệp.

3. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội làm chủ sở hữu; Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng phát triển Việt Nam và các tổ chức, đơn vị hiện đang áp dụng chế độ tiền lương do Chính phủ ban hành tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004.

4. Công ty trách nhiệm hữu hạn không do Nhà nước làm chủ sở hữu, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa đăng ký lại hoạt động theo Điều 170 Luật Doanh nghiệp năm 2005;

5. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động;

6. Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5 và Khoản 6 Điều này sau đây gọi tắt là cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Người tốt nghiệp trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề theo quy định của Luật Dạy nghề được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp theo quy định tại Điều 1 Thông tư liên tịch này.

Điều 3. Xếp lương đối với người được tuyển dụng vào làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội

Người được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan, tổ chức quy định tại Khoản 1, Điều 1 Thông tư liên tịch này thì được xếp lương theo các bảng lương ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ như sau:

1. Người tốt nghiệp cao đẳng nghề, đủ tiêu chuẩn quy định của ngạch và được bổ nhiệm vào ngạch công chức loại A0 thì được xếp lương vào bậc 1 ngạch của công chức loại A0.

Chức danh (tên ngạch) và mã số ngạch của công chức loại A0 thực hiện theo quy định tại Khoản 4 và Khoản 5, Mục II, Thông tư số 80/2005/TT-BNV ngày 10 tháng 8 năm 2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chuyển xếp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức có trình độ cao đẳng phù hợp với chuyên môn đang làm.
Trường hợp không đủ điều kiện để bổ nhiệm vào ngạch công chức A0 thì được bổ nhiệm và xếp lương vào bậc 2 ngạch cán sự (mã số 01.004).

2. Người tốt nghiệp trung cấp nghề, đủ tiêu chuẩn quy định của ngạch và được bổ nhiệm vào ngạch công chức loại B thì được xếp vào bậc 1 ngạch cán sự (mã số 01.004).

Trường hợp không đủ điều kiện để bổ nhiệm vào ngạch của công chức loại B thì được bổ nhiệm và xếp lương vào bậc 2 ngạch nhân viên kỹ thuật (mã số 01.007).

3. Người tốt nghiệp sơ cấp nghề có thời gian đào tạo từ 03 tháng trở lên, đủ tiêu chuẩn quy định của ngạch và được bổ nhiệm vào ngạch của công chức loại C thì được xếp vào bậc 1 ngạch nhân viên kỹ thuật (mã số 01.007).

Trường hợp không đủ điều kiện để bổ nhiệm vào ngạch nhân viên kỹ thuật thì được bổ nhiệm và xếp lương vào bậc 3 ngạch nhân viên phục vụ (mã số 01.009).

Người có trình độ sơ cấp nghề có thời gian đào tạo dưới 03 tháng được bổ nhiệm và xếp lương vào bậc 2 ngạch nhân viên phục vụ (mã số 01.009.

Điều 4. Xếp lương đối với người được tuyển dụng vào làm việc tại đơn vị sự nghiệp

1. Người được tuyển dụng vào làm việc tại đơn vị sự nghiệp áp dụng các bảng lương ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ, đủ tiêu chuẩn nghiệp vụ theo quy định của Nhà nước, được bổ nhiệm, hoặc tuyển dụng vào ngạch nào, chức danh chuyên môn, nghiệp vụ nào thì được xếp lương theo ngạch, hoặc chức danh đó theo bảng lương tương tự như đối với công chức quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch này.

2. Người được tuyển dụng vào làm việc tại đơn vị sự nghiệp áp dụng hệ thống thang lương, bảng lương ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ thì được xếp lương theo quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch này.

3. Người được tuyển dụng vào làm việc tại đơn vị sự nghiệp tự quyết định các thang lương, bảng lương theo quy định tại Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì được xếp lương theo quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch này.

Điều 5. Xếp lương đối với người được tuyển dụng vào làm việc tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội làm chủ sở hữu

Người được tuyển dụng vào làm việc tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội làm chủ sở hữu; Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng phát triển Việt Nam và các tổ chức, đơn vị hiện đang áp dụng chế độ tiền lương do Chính phủ ban hành tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định tại Khoản 3, Điều 1 Thông tư liên tịch này thì được xếp lương theo các thang lương, bảng lương ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP nêu trên như sau:

1. Xếp lương theo Bảng lương viên chức, chuyên môn nghiệp vụ và Bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ:

a) Người tốt nghiệp cao đẳng nghề làm công việc của ngạch cán sự, kỹ thuật viên thì được xếp lương vào bậc 2 của ngạch cán sự, kỹ thuật viên theo bảng lương viên chức chuyên môn, nghiệp vụ;

b) Người tốt nghiệp trung cấp nghề làm công việc của ngạch cán sự, kỹ thuật viên thì được xếp lương vào bậc 1 của ngạch cán sự, kỹ thuật viên theo bảng lương viên chức chuyên môn, nghiệp vụ;

c) Người tốt nghiệp sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề được tuyển dụng vào các chức danh nhân viên thừa hành, phục vụ thì được xếp lương vào bậc 1 của chức danh tương ứng theo bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ;​

2. Xếp lương theo các nhóm lương của các thang lương 7 bậc, hoặc thang lương 6 bậc:

a) Người tốt nghiệp cao đẳng nghề, trung cấp nghề đạt tiêu chuẩn bậc nào thì xếp lương vào bậc đó, nhưng xếp lương tối đa không quá bậc 3 đối với người tốt nghiệp cao đẳng nghề; tối đa không quá bậc 2 đối với người tốt nghiệp trung cấp nghề.

b) Người tốt nghiệp sơ cấp nghề thì được xếp lương vào bậc 1.​

3. Xếp lương theo các bảng lương từ B1 đến B15:

a) Xếp lương theo bảng lương có 2 bậc:
- Người tốt nghiệp cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề, đủ tiêu chuẩn chức danh nghề, công việc thì được xếp vào bậc 1.

b) Xếp lương theo bảng lương có từ 3 bậc trở lên:
- Người tốt nghiệp cao đẳng nghề, đủ tiêu chuẩn chức danh nghề, công việc thì được xếp vào bậc 2.
- Người tốt nghiệp trung cấp nghề, hoặc sơ cấp nghề, đủ tiêu chuẩn chức danh nghề, công việc thì được xếp vào bậc 1.

Điều 6. Xếp lương đối với người được tuyển dụng vào làm việc tại công ty trách nhiệm hữu hạn không do Nhà nước làm chủ sở hữu, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Người được tuyển dụng vào làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp quy định tại Khoản 4, Khoản 5 và Khoản 6, Điều 1 Thông tư liên tịch này thì việc xếp lương của người lao động do người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận theo thang lương, bảng lương do doanh nghiệp xây dựng, quyết định theo quy định tại Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhưng phải bảo đảm nguyên tắc mức lương có sự phân biệt theo cấp đào tạo và không có sự phân biệt giữa người tốt nghiệp hệ thống đào tạo nghề với hệ thống đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng theo Luật Giáo dục năm 2005.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch này; đối với những người được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị doanh nghiệp nêu trên tương ứng với các quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 và Điều 6 Thông tư liên tịch này đã được xếp lương trước ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành mà thấp hơn so với mức quy định tại Thông tư liên tịch này thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp phải rà soát, xếp lương lại theo đúng quy định.

2. Các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có trách nhiệm rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định; nội quy; quy chế; tiêu chuẩn; thang lương, bảng lương (đối với doanh nghiệp tự xây dựng) và thực hiện điều chỉnh (nếu có) theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch này.

3. Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, giám sát các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch này.

Điều 8. Điều khoản thi hành

1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày tháng năm 2011.
2. Đối với người tốt nghiệp cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc lực lượng vũ trang thì được xếp lương theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ để hướng dẫn bổ sung kịp thời./.
 

File đính kèm

  • Du_thao_TTu_3_cap_trinh_do_VTL.rar
    20 KB · Đọc: 231
Web KT
Back
Top Bottom